Nhà đầu tư tìm cơ hội ở bất động sản bị "ngộp"

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đối với thị trường bất động sản, các nhà đầu tư định chế, nhà đầu tư tài chính đang tìm kiếm các cơ hội ở tài sản "ngộp".
Nhà đầu tư tìm cơ hội ở bất động sản bị "ngộp"

"Cá mập" tạo thanh khoản

Tại Hội thảo "Tìm cơ hội đầu tư nửa cuối năm" do Báo Đầu tư tổ chức, ông Trần Tuấn Tài, Giám đốc đầu tư của Sơn Kim Retail cho biết, đối với thị trường bất động sản, các nhà đầu tư định chế, nhà đầu tư tài chính đang tìm kiếm các cơ hội ở distressed assets (loại tài sản bị bán với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thật, vì người hoặc doanh nghiệp cần tiền gấp), hay vẫn được thị trường gọi là tài sản bị "ngộp".

Riêng với các doanh nghiệp trong ngành địa ốc, họ nhìn nhận thị trường hiện tại là cơ hội để mở ra các thương vụ M&A nhằm gia tăng quỹ đất. Đối với mảng bán lẻ, làn sóng trả mặt bằng sẽ là thời cơ để các doanh nghiệp tận dụng thu gom.

“Theo nghiên cứu của chúng tôi, bất động sản bán lẻ phải có đủ tiềm lực để phục vụ được cho các chuỗi. Nếu để tối ưu giá trị khai thác, công ty sẽ phải sở hữu 350 cửa hàng trở lên. Khi đó, doanh nghiệp mới có lợi thế để đàm phán với nhà cung cấp, nhận được ưu đãi về chiết khấu, tối ưu chi phí logistic…”, ông Tài phân tích.

Không dừng lại ở đó, dưới một góc độ rộng hơn, việc các “cá mập” thâu tóm bất động sản còn giúp tạo thanh khoản cho thị trường. Nếu các dự án được sử dụng để kinh doanh, tạo dòng tiền, tạo việc làm, đó sẽ là một điều vô cùng tích cực đối với xã hội.

Đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô, Giám đốc Đầu tư của Sơn Kim Retail cho rằng, Chính phủ, các bộ ban ngành đang làm rất tốt trong việc ổn định lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế, dù liên tục phải gánh chịu những áp lực khách quan mang tính toàn cầu.

“Trong giai đoạn hiện nay, chỉ còn hơn 3 tháng nữa sẽ đến cuộc bầu cử Mỹ. Tất cả mọi người đều tập trung quan sát các biến số xoay quanh sự kiện này. Trong khảo sát gần đây nhất của Reuter với 100 nhà kinh tế học, tỷ lệ người đánh giá lãi suất sẽ giảm đã tăng lên rất đáng kể, trong 4 tháng cuối năm có thể giảm 1- 2 lần. Tuy nhiên, hiện những nhà đầu tư thủ sẵn tiền mặt vẫn muốn quan sát thêm. Điều này diễn ra ở mọi lĩnh vực đầu tư, từ chứng khoán, bất động sản, tiền số…”, ông Tài bình luận.

Ông Trần Tuấn Tài, Giám đốc đầu tư của Sơn Kim Retail

Ông Trần Tuấn Tài, Giám đốc đầu tư của Sơn Kim Retail

Nhà đầu tư cá nhân trỗi dậy

Chia sẻ về cơ hội đầu tư với nhóm nhà đầu tư cá nhân, ông Tài cho biết, nhóm này đang có xu hướng quan tâm đến các dòng sản phẩm thuộc phân khúc ở thực và có mức giá tầm trung. Đây cũng là loại hình được nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường khuyến nghị đầu tư ở thời điểm hiện tại.

Song hành cùng thị trường bất động sản, nhà đầu tư có thể tham khảo thêm cổ phiếu của những doanh nghiệp mảng địa ốc. Với xu thế hiện nay, cổ phiếu của những công ty có giỏ hàng là các sản phẩm ở thực và mức giá tầm trung nên được đặc biệt chú ý.

Ngoài ra, nhà đầu tư cá nhân có thể tham khảo cổ phiếu của các nhóm ngành đã qua đáy như cá tra, bán lẻ, tôm, dệt may, da giày… Ngược lại, với những nhóm ngành được nhận định chưa qua đáy, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.

Không thể phủ nhận sức mạnh của nhóm nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán những năm vừa qua. Tại các thị trường phát triển như Mỹ, nhà đầu tư cá nhân cũng trỗi dậy kể từ giai đoạn 2020-2021 cho tới nay.

Trong mùa đại hội cổ đông 2024 vừa qua, khá nhiều công ty chứng khoán thừa nhận, nhóm nhà đầu tư cá nhân ngày càng trở nên quan trọng và nếu đánh mất tệp khách hàng này sẽ là điều rất đáng tiếc.

“Các nhà đầu tư cá nhân giờ đã chuyên nghiệp hơn, sở hữu kiến thức chuyên sâu hơn, lượng vốn cũng nhiều hơn. Doanh nghiệp cần đặc biệt quan tâm tới nhóm nhà đầu tư này”, ông Tài cho biết.

Tin bài liên quan