Chiến tranh thương mại có thể bùng nổ ở phạm vi toàn cầu

Chiến tranh thương mại có thể bùng nổ ở phạm vi toàn cầu

Nhà đầu tư thích ứng với thương chiến

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Động thái của Mỹ và các bên có thể khiến chiến tranh thương mại lan rộng là một trong những yếu tố buộc giới doanh nghiệp, nhà đầu tư phải chuẩn bị sẵn tinh thần làm quen với những yếu tố bất định.

Nhiều yếu tố bất định biến đổi liên tục

Ngay khi bước sang tháng 2/2025, thế giới “đứng ngồi không yên” trước kịch bản chiến tranh thương mại có thể bùng nổ ở phạm vi toàn cầu. Những động thái mới của chính quyền Mỹ có khả năng đẩy kịch bản thương mại toàn cầu đến tình trạng căng thẳng.

Tuần trước, thị trường tài chính có nhiều phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc áp thuế 25% lên toàn bộ thép và nhôm nhập khẩu. Nhóm cổ phiếu thép phản ứng tiêu cực, dẫn đầu đà giảm với các mã chủ chốt như HPG.

Nhiều công ty chứng khoán ngay lập tức có báo cáo cập nhật gửi tới nhà đầu tư để tránh tình trạng hoảng loạn hoặc bán tháo không đáng có. Theo đó, nội dung áp thuế nhập khẩu tôn và thép lên 25% có hiệu lực từ 4/3/2025 sẽ không áp dụng cho thép Việt Nam và không theo mức thuế cộng dồn lên 50%. Như vậy, chính sách thuế nhập khẩu thép của Mỹ sẽ không ảnh hưởng lên mặt hàng thép của Việt Nam khi mức thuế các quốc gia khác được áp thuế ngang hàng với Việt Nam (theo Mục 232).

Tuy nhiên, theo Công ty Chứng khoán Yuanta, các doanh nghiệp xuất khẩu thép của Việt Nam cần lưu ý đến các biện pháp phòng vệ thương mại khác mà Mỹ có thể áp dụng như thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD). Nếu các biện pháp này được áp dụng, mức thuế có thể bị cộng dồn, dẫn đến tổng mức thuế cao hơn 25%.

Ngoài ra, thị trường Mỹ sẽ là thị trường rất thách thức cho thép Việt Nam khi Mỹ ủng hộ việc sản xuất thép trong nước. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn cơ hội do năng lực sản xuất thép của các doanh nghiệp Mỹ chưa được cải thiện, nhưng trong dài hạn sẽ là thách thức không nhỏ.

Sự kiện trước đó, DeepSeek - start-up AI đến từ Trung Quốc, đã tạo nên cú sốc trên thị trường khi thách thức những “ông lớn” trong ngành công nghệ toàn cầu. Với mô hình AI giá rẻ, DeepSeek nhanh chóng vượt qua ChatGPT của OpenAI để chiếm lĩnh vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng tải xuống trên App Store tại Mỹ và Anh.

Ở góc độ khác, DeepSeek khiến giới đầu tư toàn cầu chao đảo vì làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ ở Mỹ, cả ngàn tỷ USD vốn hoá bị “thổi bay”. Nhóm cổ phiếu công nghệ tại Việt Nam, nổi trội là FPT cũng bị phản ứng tương tự, chỉ trong phiên sáng mở cửa phiên giao dịch sau Tết Nguyên đán 2025, cổ phiếu FPT “bốc hơi” 10.000 tỷ đồng vốn hoá.

Những ngày sau Tết, dịch cúm lan rộng, các công ty dược phẩm, chuỗi phòng khám/nhà thuốc/tiêm chủng nườm nượp người dân tới mua thuốc phòng ngừa bệnh dịch. Điều này buộc các doanh nghiệp trong ngành phải có ứng biến kịp thời để đảm bảo không thiếu thuốc cho người dân. Công tác dự phòng và thiết lập quan hệ chặt chẽ trong chuỗi cung ứng thêm một lần nữa được đề cao.

Sự thích nghi của nhà đầu tư…

“Thông tin về các sự kiện thay đổi liên tục, đến nỗi cảm giác rời màn hình cập nhật tin tức thì ngay lập tức mình như người lỗi thời, vì mọi thứ thay đổi quá nhanh, chính sách mà còn thay đổi hàng ngày thì nhiều khi không kịp hiểu, kịp phân tích… Điều này tác động khá lớn đến tâm lý và hành vi đầu tư”, một nhóm nhà đầu tư thảo luận về các diễn biến của Mỹ và thị trường trong tuần qua chia sẻ.

Theo đó, trên thị trường chứng khoán, có 5 yếu tố được các nhóm nhà đầu tư, cũng như có sự đồng thuận cao từ giới chuyên gia cho rằng sẽ tác động mạnh tới thị trường. Một là, chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tạo ra rủi ro cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, tạo ra bất ổn trên thị trường tài chính. Hai là, tỷ giá USD/VND ở mức cao sẽ gia tăng áp lực cho nhóm doanh nghiệp nhập khẩu và vay nợ ngoại tệ lớn, tác động tới dòng vốn ngoại trên thị trường - sẽ tiếp tục rút ròng. Ba là, Việt Nam đang trong lộ trình được FTSE xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán, tạo động lực thu hút dòng tiền ngoại trở lại trong trung và dài hạn. Bốn là, tốc độ tinh gọn và ổn định bộ máy trong nước, qua đó tăng tốc trong việc có các quyết sách, chính sách hỗ trợ tốt hơn cho nền kinh tế; đẩy mạnh đầu tư công, khơi thông pháp lý cho thị trường bất động sản. Năm là, bức tranh kết quả kinh doanh quý IV/2024 tích cực, nhất là nhóm ngành ngân hàng, bất động sản công nghiệp, đầu tư công, tạo tâm lý hưng phấn cho nhà đầu tư.

Đứng trước nhiều sự biến đổi liên tục và nhanh, các nhân sự tư vấn đầu tư cũng gặp những áp lực nhất định, buộc họ phải nâng cao kỹ năng tư vấn cơ hội đầu tư, song hành với khả năng phân bổ danh mục, quản trị rủi ro trong bối cảnh “thay đổi chóng mặt” ở nhiều biến số như hiện nay.

“Triết lý đầu tư của FinSuccess trước giờ vẫn tập trung phần lớn thời gian vào việc phân tích các doanh nghiệp để làm sao lựa chọn ra được những cơ hội đầu tư an toàn, duy trì tỷ suất tốt và bền vững”, ông Nguyễn Thành Trung, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư FinSuccess mở đầu câu trả lời về việc phương pháp, quan điểm đầu tư của Công ty có gặp thách thức và phải thay đổi gì trước bối cảnh kinh doanh, môi trường đầu tư đang biến đổi quá nhanh như hiện nay.

Theo ông Trung, biến động và sự thay đổi các biến số vĩ mô từ thế giới và Việt Nam là một trong những yếu tố không thể không quan tâm khi tham gia thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Từ thực trạng và tư duy đó, FinSuccess luôn chuẩn bị tâm thế như câu nói “bạn không thể thay đổi hướng gió, nhưng có thể điều khiển cánh buồm”. “Gió” ở đây hàm ý là những yếu tố về vĩ mô như dịch bệnh, chính sách, pháp lý..., vốn dĩ rất khó phân tích và dự báo trong tương lai. Tuy nhiên, “cánh buồm” chính là khả năng tìm kiếm các doanh nghiệp tốt, có quản trị minh bạch, tình hình tài chính vững mạnh, kinh doanh có nhiều lợi thế và với vùng định giá hấp dẫn thì FinSuccess có thể kiểm soát và tập trung được.

FinSuccess đã đưa ra báo cáo chiến lược để giúp khách hàng định hình chiến lược đầu tư năm 2025, trong đó nêu ra 2 rủi ro chính trong năm nay mà nhà đầu tư nên theo dõi sát sao.

Thứ nhất là vấn đề tỷ giá. Khi chỉ số đồng USD (DXY) tăng mạnh có thể làm cho rủi ro tỷ giá USD/VND gia tăng, từ đó có khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất, hoặc tiếp tục tăng tỷ giá trung tâm. Tỷ giá tăng mạnh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, nhất là khối ngoại, dễ dẫn đến các đợt bán tháo trên thị trường chứng khoán. Mặc dù vậy, với kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ duy trì chính sách hạ lãi suất, dù có ít số lần hơn nhưng vẫn trong xu hướng giảm, làm giảm áp lực cho thị trường ngoại hối và tỷ giá USD/VND.

Rủi ro thứ hai liên quan đến thuế quan của Mỹ với các nước và Việt Nam. Về vấn đề này, FinSuccess đưa ra một vài đánh giá dựa vào nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ trước đây của ông Donald Trump. Cụ thể, thời “Trump 1.0”, Mỹ không đề cập tới Việt Nam trong cuộc chiến thương mại. Thời “Trump 2.0”, khả năng ông Trump áp thuế với Việt Nam có xác suất thấp, vì phần lớn hàng hoá nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam là thiết yếu cho người dân Mỹ, ví dụ như gỗ, may mặc, thuỷ sản... Do đó, đánh thuế không mang lại tác động tích cực cho người dân Mỹ lúc này, đặc biệt trong giai đoạn rủi ro lạm phát đang quay trở lại.

Bên cạnh đó, Mỹ không thể cùng lúc đánh thuế hết các đối thủ (quy tắc bó đũa). Do đó, giai đoạn đầu, Mỹ có thể sẽ tập trung vào các nước như Trung Quốc, Canada, Mexico, sau đó mới tính đến những quốc gia khác nhỏ hơn như Việt Nam.

Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Trung tin tưởng vào tài năng ngoại giao và lãnh đạo của Việt Nam, có giải pháp nhằm giảm thâm hụt chủ động với Mỹ bằng cách mua thêm những sản phẩm mà Việt Nam đang cần như khí hóa lỏng, máy bay…

Chính vì vậy, FinSuccess đánh giá, xác suất Mỹ sẽ đánh thuế với hàng Việt Nam là thấp.

… và các doanh nghiệp

Ở góc độ doanh nghiệp, Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar, mã DBD) cho rằng, tình hình kinh tế, chiến tranh thế giới sẽ có ảnh hưởng đến các nhà sản xuất nguyên vật liệu, gây gián đoạn sản xuất và cung ứng nguyên vật liệu ngành dược phẩm, bên cạnh đó là sức ép từ tỷ giá gia tăng dẫn đến giá thành tăng.

Bidiphar cho biết, hiện nay, số đăng ký được cấp nhanh đồng nghĩa với việc câu chuyện cạnh tranh sẽ gay gắt hơn. Các chuỗi nhà thuốc như Long Châu, Pharmacity, Trung Sơn tiếp tục phát triển mạnh, tạo thách thức cho các quầy thuốc.

Bidiphar vốn có vị thế và lợi thế cạnh tranh trong ngành nên công tác dự báo, chuẩn bị kỹ càng được thực hiện liên tục nhiều năm nay. Nhờ vậy, kết quả kinh doanh của Công ty tăng trưởng liên tục qua các năm. Năm 2025, với nền tảng vững chắc, Bidiphar dự kiến đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ở mức 2 con số.

Các doanh nghiệp chuyên kinh doanh mặt hàng nhập khẩu như Công ty cổ phần Thế giới số (Digiworld, mã DGW) cũng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư về chính sách thuế quan của Mỹ và các rủi ro có thể ảnh hưởng tới Công ty.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Digiworld Đoàn Hồng Việt cho rằng, dự báo rõ nhất là thương mại bị “rối loạn”, tỷ giá có thể neo ở mức cao, các sản phẩm của Digiworld hầu hết là nhập khẩu nên giá sản phẩm đắt đỏ hơn có thể làm hạn chế nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, hiện tượng dòng vốn rút khỏi các thị trường châu Á vì USD tăng cao có tác động đến cổ phiếu DGW.

Ảnh hưởng từ chính sách thuế quan của Mỹ đến các doanh nghiệp xuất khẩu nói chung của Việt Nam theo đánh giá của ông Việt là “khá thấp”, bởi ông Trump hành động về thuế nhằm tăng khả năng đạt được mục tiêu đàm phán, hơn là đưa Việt Nam trở thành quốc gia “mục tiêu” căng thẳng thương mại.

Năm 2025, Digiworld đặt ra kế hoạch tăng trưởng 15% về doanh thu, lên 25.450 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế kỳ vọng tăng 18%, lên 523 tỷ đồng. Công ty sẽ tập trung mở rộng theo chiều ngang, liên tục bổ sung các thương hiệu mới vào kênh sẵn có như đồng hồ thông minh (Kospet, Suunto), giải pháp mạng và an ninh (TP-Link), màn hình máy tính (AOC), card đồ họa màn hình MSI. Đồng thời, Công ty tích cực hợp tác với các thương hiệu mới, đẩy mạnh phát triển theo chiều dọc với định hướng rõ ràng hơn cho mô hình D2C gồm hai hướng là brandshops (cửa hàng thương hiệu) và đầu tư với mức cổ phần không chi phối vào các đơn vị bán hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Không phải đến khi thị trường đứng trước nguy cơ thương chiến, doanh nghiệp mới phải linh hoạt. Sản xuất linh hoạt đã trở thành xu thế bắt buộc các doanh nghiệp phải thích ứng.

Đối với ngành dệt may, năm 2025, Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (mã TNG) đặt kế hoạch đạt doanh thu 8.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 350 tỷ đồng, tăng so với mức nền cao của năm 2024. Trong kịch bản kinh doanh của Công ty có thảo luận đến khả năng Mỹ áp thuế cao hơn với hàng dệt may, hiện tỷ trọng xuất khẩu vào Mỹ của doanh nghiệp này là 50%. Do phần lớn hàng xuất khẩu theo hình thức FOB nên việc chịu thuế cao hơn (nếu có) sẽ tác động đến các khách hàng của TNG, họ có khả năng cắt giảm chi phí vận tải hoặc tiết giảm sản lượng, với đơn giá như hiện nay, nếu giảm thấp hơn thì các nhà máy Việt Nam khó có thể đảm nhiệm. Thực tế, dữ liệu minh bạch đến từng chi tiết nên khách hàng và nhà sản xuất đều có thể nắm được để từ đó đàm phán về giá.

Trong tháng 1/2025, Nhà máy Việt Đức của TNG đã hoàn thiện việc di dời và đầu tư mới tại Khu công nghiệp Sơn Cẩm (Thái Nguyên), giúp năng lực sản xuất của doanh nghiệp tăng mạnh. Theo kế hoạch, năm 2025, nhà máy sẽ chạy 50% công suất, trường hợp có nhu cầu lớn, TNG có thể gia tăng năng lực sản xuất và đơn hàng.

Hai vấn đề lớn mà TNG tập trung bao gồm giữ chân, tuyển dụng và đào tạo đủ nhân lực, song song với áp dụng công nghệ máy móc tự động hóa để tăng năng suất, giảm bớt các khâu thủ công, từ đó tối ưu hóa nguồn lực lao động.

“Lao động dệt may có đặc thù cần qua đào tạo mới có thể đảm nhận công việc, chủ yếu tuyển dụng người trên 25 tuổi. So với mặt bằng chung, chế độ lương và đãi ngộ của TNG đã cao hơn, nên việc tuyển dụng cũng có nhiều thuận lợi. Vấn đề quan trọng là nguồn nhân lực để đáp ứng trước tình trạng già hóa dân số và nhu cầu lao động lớn tại địa phương ở các doanh nghiệp khác”, đại diện TNG chia sẻ.

Không phải đến khi thị trường đứng trước nguy cơ thương chiến, doanh nghiệp mới phải linh hoạt. Theo lãnh đạo TNG, sản xuất linh hoạt đã trở thành xu thế bắt buộc các doanh nghiệp phải thích ứng. Khách hàng có thể thay đổi yêu cầu nhanh, là nhà sản xuất phải tăng giảm, bổ sung các chuyền may theo đặt hàng, bên cạnh đó là đào tạo đội ngũ phải phản ứng linh hoạt theo. Bởi thế, về xu hướng, các doanh nghiệp dệt may có nội lực và năng lực tốt sẽ ngày càng được nhà cung cấp lựa chọn, qua đó có thể đàm phán các điều kiện thuận lợi hơn trong sản xuất cũng như bảo đảm biên lợi nhuận.

Trong dịp Tết Nguyên đán 2025, nhà máy số 1 và số 2 thuộc Pha Lê Group sản xuất ván sàn SPC xuất khẩu sang Mỹ vẫn hoạt động và cán bộ lãnh đạo nhà máy đã có chuyến làm việc dài ngày tại Mỹ để gặp gỡ các nhà phân phối. Nhà máy số 1 (NEO Floor) dự kiến chạy hết công suất 15 triệu m2/năm trong năm 2025, còn Nhà máy số 2 mới đưa vào hoạt động từ đầu năm dự kiến chạy gần hết công suất (8 triệu m2/năm, theo kế hoạch sẽ tăng lên 12 triệu m2/năm).

Việc Mỹ áp thêm 10% thuế với hàng nhập khẩu Trung Quốc tạo thêm dư địa thuận lợi cho các nhà sản xuất, xuất khẩu như Pha Lê. Dù vậy, doanh nghiệp cũng không hẳn mừng, bởi hiện rất nhiều nhà sản xuất Trung Quốc trong lĩnh vực này đã sang Việt Nam đầu tư với 2 mục tiêu, một là sử dụng nguồn nguyên liệu đá trong nước, hai là hưởng chính sách thuế quan thuận lợi hơn.

Trong kịch bản kinh doanh, Pha Lê có xây dựng phương án hàng SPC Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ có thể bị đánh thuế thêm từ 5 - 10% để đảm bảo phương án sản xuất - kinh doanh. Mặt khác, doanh nghiệp nhìn bức tranh rộng hơn, tính đến phương án cạnh tranh khu vực khi gần đây một số nhà sản xuất Trung Quốc đã đầu tư sang Thái Lan với mục tiêu hưởng thuế quan thuận lợi (do Thái Lan là đồng minh của Mỹ).

Ngoài việc tối ưu hóa chi phí sản xuất, một giải pháp ứng phó được Pha Lê ưu tiên là tập trung vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) để tạo ra những sản phẩm khác biệt, có “chất xanh” riêng nhằm thu hút khách hàng. Công ty có kế hoạch hợp tác với đối tác Mỹ để phát triển lĩnh vực này. Ngay sau Tết, đối tác Mỹ đã bắt đầu vận chuyển máy móc về Việt Nam.

“Ảnh hưởng của thương chiến là có, nhưng nếu doanh nghiệp chuẩn bị kỹ, có chiến lược sản xuất bài bản, phát triển bền vững, thì trong rủi ro lại có nhiều cơ hội. Bởi lẽ, thị trường sẽ loại bỏ những nhà sản xuất không đủ năng lực đáp ứng các yêu cầu mới”, ông Mai Thanh Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Pha Lê Group nói.

Theo TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol (Anh Quốc), không ai có thể ước tính chính xác tác động của thương chiến đến đâu. Đó là vì họ không biết diễn biến của thương chiến sẽ như thế nào.

Trước tiên, những nhóm hàng nào sẽ chịu thuế suất bao nhiêu và có điều khoản miễn trừ không là một câu hỏi lớn. Trong “thương chiến 1.0”, có một danh sách “ngoại lệ” dài đối với nhiều nhóm hàng. Do đó, tác động của thuế quan có thể không lớn như vẻ bề ngoài, vì nhiều nhóm hàng, hoặc doanh nghiệp sẽ được đưa vào danh sách ngoại lệ đó.

Thứ hai, những cú “quay xe” với tốc độ rất nhanh của ông Trump, như chuyện hoãn thuế quan với Mexico và Canada cho thấy, không thể đưa ra những tính toán kinh tế chắc chắn trong bối cảnh một tổng thống hay thay đổi quyết sách. Ngay cả việc đưa ra nhiều kịch bản cũng trở nên khó khăn, vì kịch bản có thể có là vô số.

Dù vậy, có một số nỗ lực để tính toán tác động dựa trên tình huống xấu nhất, hoặc dựa vào giả định rằng, mọi việc rồi sẽ diễn ra như dự tính ban đầu. Ví dụ, các nhà nghiên cứu của Viện Brookings ước tính, nếu Canada và Mexico không đáp trả thương chiến, thì tổn thất của họ chỉ khoảng 1% GDP thực, còn Mỹ tổn thất khoảng 0,32% GDP, trường hợp đáp trả tương ứng với thuế suất 25% lên hàng hóa từ Mỹ, tổn thất có thể lên đến hơn 3%.

Tuy nhiên, những tính toán này chỉ dựa trên những giả định cứng nhắc về độ co giãn của nhu cầu hàng hóa và hành xử của doanh nghiệp. Tác động thực tế có thể được làm giảm nhẹ với sự linh hoạt của doanh nghiệp cũng như thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người dân.

Tin bài liên quan