Nhà đầu tư cần một chiến lược quản trị rủi ro chặt chẽ để bảo vệ danh mục trước áp lực tỷ giá

Nhà đầu tư cần một chiến lược quản trị rủi ro chặt chẽ để bảo vệ danh mục trước áp lực tỷ giá

Nhà đầu tư “thấp thỏm” với tỷ giá

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Từ đầu năm 2025 đến nay, VND mất 1,2% giá trị so với USD, tạo áp lực không nhỏ lên thị trường chứng khoán, bởi diễn biến những năm gần đây cho thấy, tỷ giá có mối tương quan chặt chẽ với các đợt điều chỉnh của VN-Index.

USD tăng giá và mối tương quan với VN-Index

Sức mạnh đồng USD gia tăng đáng kể là hiện tượng chung trên toàn cầu, nhiều đồng tiền khác trong khu vực Đông Nam Á như IDR, THB cũng chịu áp lực mất giá mạnh. Nguyên nhân cốt lõi nằm ở việc chỉ số đồng USD (DXY) duy trì ở vùng cao do khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể chậm lại quá trình giảm lãi suất khi lạm phát nhấp nhổm tăng trở lại, với lãi suất phi rủi ro xấp xỉ 4,5%/năm và kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng, giúp thu hút dòng vốn vào thị trường Mỹ.

Khi đồng USD mạnh lên, dòng vốn toàn cầu thường có xu hướng đầu tư vào thị trường Mỹ nói chung, các tài sản định giá bằng USD nói riêng, khiến các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam bị rút vốn. Hệ quả là nhà đầu tư nước ngoài có động thái bán ròng trên thị trường chứng khoán, góp phần tạo nên các đợt điều chỉnh ngắn hạn của VN-Index. Trong khi đó, tâm lý phòng thủ trước rủi ro toàn cầu khiến nhà đầu tư nội e dè hơn, nhất là khi chứng kiến những biến động khó lường trên thị trường tài chính quốc tế.

Diễn biến thị trường chứng khoán trong những năm gần đây cho thấy, có mối tương quan giữa tỷ giá USD/VND và các đợt điều chỉnh của VN-Index, dù không phải lúc nào cũng rõ ràng và trực tiếp. Tỷ giá tăng tạo áp lực lên VN-Index, bởi sức hấp dẫn của tài sản định giá bằng VND như cổ phiếu, trái phiếu giảm, nhà đầu tư nước ngoài rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam để đầu tư vào các tài sản bằng USD hoặc các đồng tiền mạnh khác.

Khi tỷ giá USD/VND tăng vượt quá mức 2% thì thị trường chứng khoán thường xuất hiện nhịp điều chỉnh.

Đối với các doanh nghiệp có hoạt động nhập khẩu, VND mất giá làm tăng chi phí nhập khẩu nguyên vật liệu và hàng hóa, ảnh hưởng đến lợi nhuận và giá cổ phiếu của các doanh nghiệp này. Đồng thời, sự mất giá của VND tạo áp lực lên lạm phát, do chi phí hàng hóa nhập khẩu gia tăng.

Trong năm 2024, câu chuyện tỷ giá trở thành vấn đề nóng và trải qua nhiều biến động đáng chú ý với các đợt tăng mạnh vào tháng 3, tháng 6 và tháng 10. Những biến động này chịu tác động của hàng loạt yếu tố như chênh lệch lãi suất USD - VND, đà tăng của chỉ số DXY trên toàn cầu, giá vàng và thị trường tiền số tăng mạnh, nhu cầu nhập khẩu trong nước tăng trở lại khi kinh tế phục hồi... Trong năm qua, tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD đã tăng 4,7%, gây áp lực không nhỏ đến diễn biến và tâm lý thị trường chung, nhất là khối ngoại.

Theo thống kê của ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VPBank, khi tỷ giá tăng và mức tăng vượt quá 2% thì thị trường chứng khoán thường xuất hiện nhịp điều chỉnh. Mức độ điều chỉnh có thể phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng khi tỷ giá tăng, khối ngoại bán ròng, tâm lý thị trường thận trọng, thị trường chịu áp lực trong ngắn hạn.

Trong những phiên giao dịch đầu năm 2025, đà tăng của tỷ giá có xu hướng quay trở lại trước những biến động từ chính sách thuế quan mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đánh thuế 10% với hàng hóa Trung Quốc, tạm hoãn áp thuế 25% với hàng hóa từ Canada và Mexico nhưng tiếp tục đánh thuế 25% vào thép và nhôm từ tất cả các nước nhập khẩu vào Mỹ. Trước việc chỉ số DXY mạnh lên trong giai đoạn hiện tại, dao động quanh mức 108 và sự nhiễu động từ các chính sách thuế quan mới của Mỹ, tỷ giá USD/VND trung tâm đã vượt đỉnh lịch sử ở mức 24.522 đồng, cho thấy Ngân hàng Nhà nước đang chủ động ứng phó với những biến động sắp tới. So với đầu năm nay, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã tăng 0,18%, đang giao dịch ở mức 25.530 đồng, thiết lập mức đỉnh mới.

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Khối Nghiên cứu Đầu tư, Công ty cổ phần FIDT cho rằng, so với các đồng tiền khác trong khu vực, VND nhìn chung vẫn giữ được mức ổn định tương đối, một phần nhờ chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước và dự trữ ngoại hối ổn định. Thêm vào đó, tác động của tỷ giá lên doanh nghiệp có sự phân hóa: các công ty có doanh thu bằng USD hoặc xuất khẩu lớn có thể hưởng lợi, trong khi doanh nghiệp nhập khẩu hoặc vay nợ bằng USD đối mặt với áp lực chi phí tăng cao.

Theo ông Huy, trong trung và dài hạn, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết là nhân tố chủ chốt định hướng xu thế của VN-Index. Các yếu tố vĩ mô như mặt bằng lãi suất, chính sách tài khóa và tốc độ tăng trưởng GDP sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hút dòng tiền vào thị trường chứng khoán.

Tác động 2 chiều

Tỷ giá tăng gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhập khẩu, do chi phí đầu vào tăng. Ngành vận tải cũng chịu tác động vì chi phí nhiên liệu và vận chuyển thường tăng theo. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng khiến giá hàng hóa nhập khẩu tăng, làm giảm sức mua, ảnh hưởng đến nhóm hàng tiêu dùng có đầu vào là hàng nhập khẩu. Ngoài ra, doanh nghiệp có nợ vay bằng USD chịu áp lực khi VND mất giá, do chi phí trả nợ tăng lên. Ngược lại, đây lại là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, diễn biến tỷ giá vẫn đang được các doanh nghiệp cũng như các tổ chức kinh tế, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao. Tỷ giá tăng “nóng” ảnh hưởng trực tiếp tới dòng vốn trên thị trường và tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, tùy thuộc vào từng ngành nghề.

Cụ thể, tỷ giá ở mức cao giúp hàng hóa Việt Nam cạnh tranh hơn tại các thị trường như Mỹ và châu Âu, từ đó thúc đẩy xuất khẩu và gia tăng doanh thu. Các nhóm ngành dự kiến hưởng lợi gồm thủy sản (VHC, ANV, IDI, FMC, MPC, CMX…), dệt may (TNG, TCM, STK…), hóa chất (DGC), săm lốp (DRC, CSM), dầu khí (PVS, PVT), nguyên vật liệu (PTB, VCS, VGC), tôn mạ (NKG, HSG)…

Ông Bùi Văn Huy khuyến nghị, nhà đầu tư cần một chiến lược quản trị rủi ro chặt chẽ để bảo vệ danh mục trước áp lực tỷ giá. Thực tế, áp lực này song hành với xu hướng rút ròng rất mạnh của khối ngoại, đẩy cung tăng cao trên nhiều mã cổ phiếu, gây mất cân bằng cung - cầu. Vì vậy, những danh mục ngắn hạn nên né tránh các ngành đang bị khối ngoại bán ròng như ngân hàng, chứng khoán, công nghệ, thép, thậm chí nhóm VN30. Ngược lại, nhà đầu tư có thể tăng tỷ trọng ở một số ngành phòng thủ, ít chịu tác động từ tỷ giá như điện, bán lẻ, dầu khí, hàng tiêu dùng.

Bên cạnh đó, áp lực tỷ giá tăng cao sẽ tạo gánh nặng trực tiếp cho những doanh nghiệp nhập khẩu nguyên vật liệu (sản xuất ô tô, thép…), hoặc có cơ cấu nợ vay USD lớn (một số doanh nghiệp dầu khí, điện, hàng không…). Đây là các nhóm chịu rủi ro chi phí đầu vào và chi phí lãi vay gia tăng, ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Vì vậy, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ về cơ cấu tài chính và mức độ phụ thuộc ngoại tệ của từng doanh nghiệp để tránh rủi ro tỷ giá.

Ở chiều ngược lại, tỷ giá tăng mang đến lợi thế cho các doanh nghiệp xuất khẩu ổn định, đặc biệt trong các lĩnh vực như hóa chất, phân bón, cao su, dệt may... Doanh nghiệp có thể được hưởng lợi nhờ doanh thu USD quy đổi sang VND cao hơn. Với các ngành nghề kinh doanh nội địa như bán lẻ, tiêu dùng, dịch vụ, thông thường ít chịu tác động từ biến động tỷ giá, do doanh thu, chi phí chính đều bằng VND.

Tin bài liên quan