Ảnh AFP

Ảnh AFP

Nhà đầu tư thận trọng trước hàng loạt mối lo

(ĐTCK) Sau phiên hào hứng hôm thứ Tư nhờ kỳ vọng vào đàm phán thương mại Mỹ - Trung, giới đầu tư nhanh chóng thận trọng trở lại trong phiên thứ Năm với hàng loạt mối lo.

Tiếp đà hưng phấn của cuối phiên thứ Tư sau thông tin Tổng thống Trump cho biết, Trung Quốc đã đặt mua số lượng lớn đậu nành từ Mỹ và 2 bên đang đàm phán thương mại thông qua điện đàm với sự tham gia của nhiều quan chức, phố Wall tiếp tục mở cửa với sắc xanh đậm. Tuy nhiên, đà tăng nhanh chóng hạ nhiệt khi trước mặt nhà đầu tư là hàng loạt mối lo.

Vừa kỳ vọng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, giới đầu tư đã nhanh chóng thận trọng về kết quả cuộc đàm phán này khi ông Trump đưa vấn đề của Giám đốc Tài chính Huawei vào, khiến tình hình trở nên khó xử hơn cho các nhà đàm phán. Ngoài ra, đường cong lãi suất và khả năng Fed tăng lãi suất trong cuộc họp sắp diễn ra cũng khiến nhà đầu tư trở nên thận trọng.

Ở châu Âu, dù Thủ tướng Anh đã vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Đảng Bảo thủ, nhưng mối lo về thỏa thuận Brexit vẫn còn, cùng với đó là mâu thuẫn giữa Ý và Liên minh châu Âu.

Trước những mối lo trên, nhóm cổ phiếu phòng thủ được ưa chuộng, còn cổ phiếu tài chính , tiêu dùng và công nghệ bị bán ra, khiến phố Wall sau đó gần như chỉ lình xình quanh tham chiếu và đóng cửa ít thay đổi, trong đó Dow Jones may mắn vẫn giữ được sắc xanh, còn S&P 500 và Nasdaq giảm nhẹ.

Kết thúc phiên 13/12, chỉ số Dow Jones tăng 70,11 điểm (+0,29%), lên 24.597,38 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,53 điểm (-0,02%), xuống 2.650,54 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 27,98 điểm (-0,39%), xuống 7.070,33 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Âu, những bất ổn về chính trị, cùng khả năng Fed tăng lãi suất cũng khiến chứng khoán khu vực này quay đầu giảm nhẹ trong phiên thứ Năm sau 2 phiên tăng mạnh liên tiếp trước đó.

Kết thúc phiên 13/12, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 2,69 điểm (-0,04%), xuống 6.877,50 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 4,73 điểm (-0,04%), xuống 10.924,70 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 12,52 điểm (-0,26%), xuống 4.896,92 điểm.

Trong khi đó, kỳ vọng về cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, chứng khoán châu Á đồng loạt tăng mạnh trong phiên thứ Năm, trong đó chứng khoán Nhật Bản lên mức cao nhất 1 tuần.

Kết thúc phiên 13/12, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 213,44 điểm (+0,99%), lên 21.816,19 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 31,9 điểm (+1,23%), lên 2.634,05 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 337,65 điểm (+1,29%), lên 26.524,35 điểm.

Dù có nhiều lo ngại, ảnh hưởng tới nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, nhưng giá vàng vẫn quay đầu giảm nhẹ do đồng USD tăng, gây áp lực lên giá kim loại quý này.

Kết thúc phiên 13/12, giá vàng giao ngay giảm 3,3 USD (-0,27%), xuống 1.241,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12 giảm 1,7 USD/ounce (-0,14%), xuống 1.242,7 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 năm 2019 giảm 2,6 USD/ounce (-0,21%), xuống 1.247,4 USD/ounce.

Trong khi đó, giá dầu thô bật tăng mạnh trở lại sau dữ liệu vừa công bố cho thấy, kho dự trữ dầu thô tuần trước của Mỹ giảm và nhà đầu tư kỳ vọng lượng cung toàn cầu sẽ thấp hơn so với kỳ vọng trước đó.

Kết thúc phiên 13/12, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ tăng 1,43 USD (+2,80%), lên 52,58 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,27 USD (+2,16%), lên 61,45 USD/thùng.

Tin bài liên quan