Ông Nguyễn Hữu Bình
Giao dịch của khối NĐT nước ngoài có sức ảnh hưởng lớn đến TTCK. Động thái mua ròng của khối ngoại đang có dấu hiệu chững lại và xu hướng mua bán của khối này vẫn đang là một ẩn số. Theo ông, điều này tác động như thế nào đến thị trường?
Theo dõi dòng tiền của khối ngoại, nhiều người thường hay tập trung vào các quỹ ETF. Trong thời gian gần đây, dòng tiền có xu hướng tăng lên tại Quỹ VNM ETF, trong tuần vừa qua, quỹ này hút ròng khoảng 15 triệu USD. Tuy nhiên, với mức độ tăng vừa phải, khoảng 150.000 chứng chỉ quỹ/lần, nên sức mua vào của Quỹ không đáng kể. Thế nhưng, có những phiên giao dịch, khối ngoại mua đột biến và dòng tiền này rất khó xác định.
Xét về chu kỳ thì giá chứng chỉ quỹ VNM ETF đang ở mức đáy. Tuy nhiên, khi đồng USD vẫn có xu hướng tăng có thể sẽ làm hạn chế dòng tiền vào các quỹ.
Tâm lý NĐT thực tế vẫn chưa ổn định và dòng tiền vừa qua đổ vào thị trường có thể xuất phát từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính. Vì thế, thị trường vẫn cần đến sự hỗ trợ từ khối ngoại nhằm đảm bảo mốc hỗ trợ 550 điểm của VN-Index trở nên mạnh hơn. Nếu giao dịch của khối ngoại là tích cực, xu hướng thị trường trong tháng 5 sẽ khả quan hơn, mặc dù có thể bị ảnh hưởng một phần bởi tâm lý “Sell in May - bán tháng 5 và đi chơi”.
TTCK sắp bước vào kỳ nghỉ lễ khá dài. Theo ông, liệu thị trường có bị ảnh hưởng bởi tâm lý “nghỉ ngơi”?
Gần đây, thanh khoản và tốc độ khớp lệnh đều ở mức thấp, cho thấy dòng tiền mới chưa gia nhập thị trường. Tuy nhiên, tình trạng này một phần liên quan đến nhịp phục hồi khá bất thường vừa qua, đẩy chỉ số VN-Index lên vùng 570 điểm, khiến nhiều NĐT chờ đợi một nhịp điều chỉnh. Đây cũng có thể là một yếu tố góp phần khiến thị trường giao dịch ảm đạm hơn so với tuần trước.
Nhìn vào diễn biến thị trường hiện nay, tôi có cảm nhận giống với giai đoạn này của năm 2013, đó là nhịp tăng và giảm điểm đều diễn ra rất ngắn. Thông thường, trước mỗi kỳ nghĩ lễ, thị trường hoạt động với tốc độ chậm hơn.
Không ít CTCK cho rằng, NĐT nên tận dụng nhịp điều chỉnh của thị trường tại các mốc cản kỹ thuật, mua vào các mã tốt cho danh mục nhằm đón đầu xu thế tăng sau kỳ nghỉ lễ. Quan điểm của ông như thế nào?
NĐT cần nhìn lại diễn biến thị trường trong khoảng 1,5 tháng vừa qua, kể từ nhịp rơi khỏi mốc 600 điểm của VN-Index. Tác động của Thông tư 36/2014/TT/NHNN, dự thảo sửa đổi Thông tư 210/2012/TT-BTC và khối ngoại bán ròng khiến nhiều NĐT nội lo ngại VN-Index có thể rơi về 500 điểm. Tuy nhiên, sau phiên bán tháo có hơi hướng của giải chấp ngày 1/4, VN-Index bất ngờ hồi phục, lấy lại mốc 570 điểm. Kể từ lúc này, tâm lý NĐT đã được giải tỏa.
Hiện tại, một số điểm có thể lý giải vì sao dòng tiền chưa quay lại mạnh mẽ, đó là: thứ nhất, VN-Index tăng lên 570 điểm chủ yếu là do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tăng giá, khiến chỉ số chứng khoán không phản ánh diễn biến thực của toàn thị trường; thứ hai, kỳ nghỉ lễ đang cận kề nên NĐT có tâm lý chờ đợi; thứ ba là tâm lý “bán tháng 5 và đi chơi”.
Do đó, NĐT ngại rủi ro vẫn nên thận trọng, bởi thị trường khá bất thường. Mặc dù sự bất thường của thị trường có thể làm xuất hiện những cổ phiếu có mức giá hấp dẫn do yếu tố ngoại cảnh, mang lại cơ hội tốt để mua vào, nhưng NĐT thận trọng nên chờ đợi tháng 5 khi dòng tiền quay lại, mà biểu hiện rõ nhất chính là thanh khoản.
Bước tranh hoạt động quý I/2015 của các DN niêm yết đang dần được hoàn thiện và kết quả kinh doanh đang được phản ánh vào giá cổ phiếu. Ở góc độ đầu tư, theo ông, NĐT nên chú ý đến cổ phiếu nhóm ngành nào?
Giai đoạn này, tôi nhận thấy sự phân hóa của thị trường rất mạnh. Thị trường dường như chưa định hình ra nhóm ngành nào, mà khá đặc trưng với từng DN. Do đó, nhiều khả năng thị trường trong giai đoạn tới cũng sẽ như vậy. Tuy nhiên, yếu tố mà NĐT chờ đợi có thể xuất phát từ câu chuyện nới “room” thông qua việc Nghị định 58/2012/N Đ-CP sửa đổi sẽ có điều chỉnh thích hợp.