Sau 5 phiên tăng điểm liên tiếp, phố Wall điều chỉnh giảm nhẹ (gần như không đổi) trong phiên giao dịch cuối tuần (11/1) do ảnh hưởng của nhóm cổ phiếu năng lượng khi giá dầu thô điều chỉnh, cùng thận trọng trước mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV, bắt đầu vào tuần này với Citigroup, JPMorgan và các ngân hàng lớn khác.
Kết thúc phiên 11/1, chỉ số Dow Jones giảm 5,97 điểm (-0,02%), xuống 23.995,95 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 0,38 điểm (-0,02%), xuống 2.596,26 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 14,59 điểm (-0,21%), xuống 6.971,48 điểm.
Dù điều chỉnh nhẹ phiên cuối tuần, nhưng với 4 phiên tăng điểm liên tiếp trong tuần nhờ kỳ vọng vào cuộc đàm phán thương mại Mỹ - Trung, cùng kỳ vọng Fed giãn thời gian tăng lãi suất, phố Wall tiếp tục có tuần tăng thứ 2 liên tiếp trong năm mới 2019. Cụ thể, Dow Jones tăng 2,40%, S&P 500 tăng 2,54% và Nasdaq tăng 3,45%.
Tương tự, các chỉ số chính của chứng khoán châu Âu cũng quay đầu giảm điểm trong phiên cuối tuần khi nhà đầu tư thận trọng trước cuộc đàm phán thương mại tiếp theo của Mỹ và Trung Quốc cũng như trước mua công bố kết quả kinh doanh quý IV.
Kết thúc phiên 11/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 24,69 điểm (-0,36%), xuống 6.918,18 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 34,13 điểm (-0,31%), xuống 10.887,46 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 24,31 điểm (-0,51%), xuống 4.781,34 điểm.
Dù điều chỉnh trong phiên cuối tuần, nhưng với những phiên tăng điểm tốt trước đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục có tuần tăng điểm thứ 2 liên tiếp trong năm mới. Cụ thể, chỉ số FTSE 100 tăng 1,18%, chỉ số DAX tăng 1,11% và chỉ số CAC40 tăng 0,93%.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, đà tăng tích cực của phố Wall đêm hôm trước giúp chứng khoán Nhật Bản tăng 1% trong phiên cuối tuần, qua đó giúp chỉ số Nikkei 225 có tuần tăng mạnh nhất trong 2 tháng. Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông cũng tăng điểm trong phiên cuối tuần nhờ triển vọng tích cực trong việc hạ nhiệt cuộc thương mại Mỹ - Trung.
Kết thúc phiên 11/1, chỉ số Nikkei 255 tại Nhật Bản tăng 195,90 điểm (+0,97%), lên 20.359,70 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 18,73 điểm (+0,74%), lên 2.553,83 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 145,84 điểm (+0,55%), lên 26.667,27 điểm.
Trong tuần, chỉ số Nikkei 225 tăng 4,08% sau khi giảm 2,26% trong tuần đầu năm. Chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông tiếp tục có tuần tăng điểm. Trong đó, chỉ số Hang Seng tăng 4,06% và Shanghai Composite tăng 1,55%.
Không chỉ chứng khoán, sự thận trọng cũng đến với nhà đầu tư trên thị trường vàng. Dù tăng giá, vượt qua ngưỡng 1.290 USD/ounce trong phiên Á - Âu, nhưng giá vàng hạ nhiệt trở lại cuối phiên Mỹ và đóng cửa gần như không đổi.
Kết thúc phiên 11/1, giá vàng giao ngay tăng 0,8 USD (+0,06%), lên 1.286,8 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2 tăng 0,5 USD (+0,04%), lên 1.287,9 USD/ounce.
Trong tuần, giá vàng giao ngay tăng 0,20% và giá vàng tương lai cũng chỉ tăng nhẹ 0,13%, tuần tăng nhẹ thứ 2 liên tiếp trong năm.
Theo cuộc khảo sát của Kitco, cả giới đầu tư và phân tích đều có cái nhìn rất tích cực về xu hướng của giá vàng trong tuần mới.
Cụ thể, trong 15 chuyên gia trả lời, có 11 người dự báo giá vàng sẽ tăng trong tuần mới, chiếm 73%, cao hơn nhiều con số 55% của tuần trước; có 2 người dự báo giá vàng sẽ giảm và 2 người dự báo giá vàng đi ngang, cùng chiếm 13, thấp hơn con số 30% và 15% của tuần trước.
Trong khi đó, trong 404 người tham gia thảo sát trực tuyến, có 230 lượt dự báo giá vàng sẽ tăng tuần tới, chiếm 57%, thấp hơn con số 77% của tuần trước; 99 người dự báo giá vàng giảm, chiếm 25%, cao hơn con số 14% của tuần trước và 75 người dự báo giá vàng sẽ đi ngang, chiếm 19%.
Trong khi đó, sau chuỗi tăng giá tốt do nhận tin hỗ trợ từ việc OPEC cắt giảm sản lượng, giá dầu thô đã đảo chiều giảm khá mạnh trong phiên cuối tuần.
Kết thúc phiên 11/1, giá dầu thô kỳ hạn Mỹ giảm 1,00 USD (-1,94%), xuống 51,59 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,20 USD (-1,98%), xuống 60,48 USD/thùng.
Dù đảo chiều giảm khá mạnh phiên cuối tuần, nhưng giá dầu thô vẫn tiếp tục duy trì đà khởi sắc tuần thứ 2 liên tiếp trong năm với giá dầu thô Mỹ tăng 7,57% và dầu thô Brent tăng 5,99%. Mức tăng trong tuần đầu năm lần lượt là 5,80% và 7,24%.