Nhiều nhà đầu tư không giấu nổi tâm lý chán nản khi thị trường “lình xình” kéo dài

Nhiều nhà đầu tư không giấu nổi tâm lý chán nản khi thị trường “lình xình” kéo dài

Nhà đầu tư “thấm mệt”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không ít nhà đầu tư tỏ rõ sự mệt mỏi sau nhiều tháng thị trường không có động lực đi lên rõ ràng, nhất là khi chỉ số có diễn biến giảm điểm trong 1 tháng qua.

Hụt hẫng kéo dài

Nhà đầu tư Phương Anh chia sẻ, so với đầu năm nay, danh mục đầu tư sau nhiều lần cắt lỗ và tái cơ cấu hiện giảm 37% giá trị.

“Tháng 4, thị trường sụt giảm, tôi cho rằng, thị trường chỉ điều chỉnh kỹ thuật sau 2 năm tăng điểm, cùng phản ứng tiêu cực từ vụ Tân Hoàng Minh và FLC. Không ngờ, thị trường lao dốc quá mạnh và giao dịch ảm đạm từ đó đến nay. Sau khi tạo đáy, chỉ số tăng giảm đan xen ở vùng thấp, nhưng nhiều cổ phiếu liên tục giảm giá, dần bào mòn giá trị tài khoản. Nhìn bảng điện tử đỏ lòe trong 1 tháng qua, đọc tin tức hàng ngày với nhiều thông tin tiêu cực cả trong nước và trên thế giới, đầu óc tôi cảm thấy quá mệt mỏi”, chị Phương Anh than thở.

Nhà đầu tư Hoàng Hùng có mức thua lỗ ít và vốn gốc không bị bào mòn nhờ có những khoản lãi trong giai đoạn thị trường thăng hoa cuối năm 2020 và năm 2021, nhưng cũng không giấu nổi tâm lý chán nản khi thị trường “lình xình” kéo dài.

“Xung quanh tôi, bạn bè, đồng nghiệp đang lỗ rất nhiều, ít thì 20 - 30%, nhiều thì 50 - 60%, có người gần cháy tài khoản do dùng full margin (vay mua tối đa). Tôi may mắn hơn họ vì kịp thời giảm tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục, nhưng chờ mãi vẫn chưa thấy cơ hội giải ngân rõ ràng”, anh Hùng nói.

Nhà đầu tư “may mắn” trên kể, một người bạn của anh giấu gia đình rút hơn 2 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm để “đánh lớn”, ôm “hàng” từ lúc VN-Index gần 1.500 điểm hồi cuối tháng 3. Khi chỉ số điều chỉnh giảm, anh bán cắt lỗ và khuyên bạn bán theo, nhưng người bạn vẫn kỳ vọng thị trường sẽ sớm tăng trở lại, đến khi mất mát quá lớn thì mới vội vàng bán ra để vớt vát vốn. Sau vài tháng, người bạn này vẫn chưa hết sốc.

“Nhiều người không thể kiên nhẫn chờ đợi thêm, mà chấp nhận cắt lỗ, rút vốn khỏi thị trường, với tâm lý vô cùng tiêu cực”, anh Hùng nhận xét.

Cố gắng bám trụ

“Đầu tư chứng khoán không có chuyện đúng hay sai. Quyết định đầu tư sẽ được đo lường bằng mức độ rủi ro hay lợi nhuận. Trong thời điểm thị trường chưa có xu hướng rõ ràng, tôi vẫn giữ trạng thái 80% là tiền mặt, không margin và chỉ nắm giữ một số mã cổ phiếu cơ bản”, anh Hùng chia sẻ.

Theo anh Hùng, thị trường đang có mức định giá hấp dẫn, nhưng anh không vội vàng mua vào. Tuy nhiên, sắp tới, anh sẽ giải ngân một phần nhỏ để thăm dò, chờ đợi thị trường có nhịp hồi phục rõ ràng mới gia tăng tỷ trọng. Anh sẽ theo dõi sát sao tình hình vĩ mô trong và ngoài nước, dành thời gian tìm hiểu về doanh nghiệp để biết giá trị cốt lõi, tiềm năng tăng trưởng, đồng thời kết hợp với phân tích kỹ thuật nhằm xác định cổ phiếu mục tiêu và vùng giá mua hợp lý.

“Tôi sẽ đánh giá kỹ tiềm năng doanh nghiệp trong tương lai, chứ không phải hiện tại. Nếu mua được cổ phiếu ở mức giá tốt thì sớm muộn gì cũng đến ngày hái quả”, anh Hùng nói.

Thực tế, trên thị trường luôn có cơ hội đầu tư, chỉ là cơ hội nhiều hay ít, phụ thuộc vào số lượng người bi quan so với người lạc quan. Hiện tại, nhiều nhà đầu tư đang có tâm lý chán nản, thậm chí sợ hãi, nhưng thị trường vẫn duy trì được thanh khoản và tiếp tục có thêm nhà đầu tư mới, dù số lượng dần ít hơn trước. Nhà đầu tư “mới toanh” chưa trải qua mất mát nên có thể dễ dàng chấp nhận diễn biến “khó chịu” của thị trường hiện nay.

Nhà đầu tư mới được bổ sung, nhưng một bộ phận nhà đầu tư cũ rời bỏ thị trường, rút vốn để chuyển sang kênh đầu tư khác. Dù vậy, lượng tiền mặt nằm trong tài khoản chứng khoán chực chờ cơ hội giải ngân vẫn xoay quanh con số 70.000 tỷ đồng như thống kê của FiinGroup vào cuối quý II/2022.

Tin bài liên quan