Tiền vay thận trọng…
Margin luôn được ví như một vũ khí cạnh tranh lợi hại của các CTCK nhằm gia tăng thị phần môi giới cũng như đem lại nguồn thu phí đáng kể.
Biến động số dư margin ngoài việc phụ thuộc vào chiến lược hoạt động của CTCK còn nương theo biến động của thị trường cũng như khẩu vị của nhà đầu tư.
Dễ nhận thấy những ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến thị trường chứng khoán quý I/2020 sụt giảm hơn 30% khi chỉ số VN-Index từ mức 960,99 điểm giảm xuống 662,53 điểm.
Thực tế này khiến tổng dư nợ margin tại thời điểm cuối quý I/2020 của các CTCK ước đạt 50.000 tỷ đồng, giảm gần 15% so với thời điểm đầu năm 2020.
Sang tháng 4/2020, chỉ số VN-Indexghi nhận đà hồi phục 16% so với thời điểm cuối tháng 3, nhưng tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán tại một số CTCK cho thấy, hoạt động margin có tăng nhưng không đáng kể.
Tại Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), dư nợ margin cuối tháng 4/2020 chỉ nhích nhẹ so với thời điểm cuối quý I/2020 ở mức khoảng 3.600 tỷ đồng và luân chuyển đều giữa các nhóm cổ phiếu.
Quan điểm của HSC là sẽ cố gắng đa dạng hóa cơ cấu doanh thu, giảm dần phụ thuộc vào các nguồn doanh thu bị cạnh tranh cao, trong đó có margin.
Anh Nguyễn Tiến Dũng, nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội chia sẻ, diễn biến của thị trường trong thời gian gần đây có sự khác biệt, gọi là tăng nhưng thực tế chỉ là sự hồi phục sau khi giảm về đáy, với mức hồi phục hiện tại vẫn chưa bù đắp được những thiệt hại nhà đầu tư gánh chịu trong tháng 3.
Hơn nữa, dòng tiền lưu chuyển thời gian qua có sự đóng góp của nhà đầu tư mới và điều đáng chú ý là nhóm này ít sử dụng margin.
Có thể thấy, thị trường tăng điểm trong thời gian qua nhờ sự nâng đỡ từ khối nội, trong đó, khối tự doanh của các công ty chứng khoán cũng tăng cường mua ròng, chủ yếu tập trung ở các mã trong VN30.
“Khác với thời điểm thị trường tạo đỉnh khiến nhiều CTCK cạn kiệt nguồn cho vay, dư địa margin hiện nay còn rộng. Tuy nhiên, nhiều CTCK cũng không bằng mọi giá cho khách hàng vay, mà cân đối giữa nhu cầu thực tế của khách hàng với mức rủi ro đối với từng mã chứng khoán. Cùng với đó, nhà đầu tư cũng lo ngại rủi ro nên hạn chế hoạt động vay hơn”, ông Dũng chia sẻ.
Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc CTCK MB (MBS) cho biết, dư nợ margin luôn được xem là một trong những chỉ báo tâm lý quan trọng, thường khi thị trường tích cực, dư nợ sẽ tăng theo và ngược lại.
Hiện tại, thị trường vẫn ở giai đoạn rủi ro, nên MBS cũng có phần thắt chặt hơn dòng tiền margin. Cùng với đó, nhà đầu tư cũng không quá mạo hiểm để vay margin nhiều.
“Ở giai đoạn thị trường còn rủi ro khó lường, việc thúc đẩy dòng tiền margin chảy mạnh để tăng thị phần không phải là hướng đi bền vững”, ông Hà nhấn mạnh.
Ông Ngô Thế Hiếu, Giám đốc Dịch vụ chứng khoán, CTCP Chứng khoán VNDirect cho biết, dư nợ margin của Công ty có biến động cùng chiều với biến động chung của toàn thị trường, sụt giảm quanh mức 20 - 30% so với đầu năm 2020.
“Hiện tại, VNDirect thận trọng trong hoạt động cho vay margin, trong suốt quá trình từ lúc đánh giá, quyết định cho vay cho tới việc quản lý rủi ro sau vay, tất toán khoản vay. Các thông tin vi mô, vĩ mô và diễn biến thị trường được cập nhật thường xuyên để đưa ra quyết định cho vay hoặc dừng giải ngân”, ông Hiếu nói.
Nhận biết được khó khăn trong việc đẩy mạnh hoạt động margin, VNDirect không chỉ chú trọng vào hoạt động margin, mà còn kết hợp với các sản phẩm dịch vụ đặc thù chuyên biệt khác để tối ưu hóa việc hỗ trợ khách hàng, từ đó đem lại nhiều giá trị đa dạng, nâng cao hiệu quả đầu tư cũng như đẩy mạnh giao dịch và thu hút nhà đầu tư.
Tại Công ty Chứng khoán VPS, dư nợ margin hiện nay ghi nhận giảm 40% so với thời điểm đầu năm 2020, từ 2.371 tỷ đồng về hơn 1.400 tỷ đồng trong bối cảnh VPS dồi dào nguồn tiền lỏng.
Sự sụt giảm sử dụng tiền margin ngoài lý do từ sự thận trọng của các công ty chứng khoán còn đến từ việc nhà đầu tư cũng giảm nhu cầu vay, chủ yếu giao dịch bằng dòng tiền thật khi thị trường đang trong giai đoạn diễn biến khó lường, đặc biệt sau các đợt giải chấp.
… Nhưng cạnh tranh hút khách vẫn nóng
Tại nhiều công ty chứng khoán khác, sự thận trọng với dòng tiền margin cũng tương tự, khi danh mục chứng khoán cho phép giao dịch ký quỹ có số mã ít hơn nhiều so với phạm vi được phép cấp margin và tỷ lệ ký quỹ cũng yêu cầu cao hơn so với mức nhà quản lý yêu cầu.
Cụ thể, số mã chứng khoán được giao dịch ký quỹ tại nhiều công ty chỉ dao động từ 100 - 180 mã, trong đó chỉ khoảng 20 - 30 mã có tỷ lệ ký quỹ yêu cầu 60%, một số mã từ 70 - 75%, còn lại các mã còn lại tỷ lệ ký quỹ yêu cầu là 80%.
Trong quá khứ, mỗi lần xảy ra tình trạng giải chấp margin thị trường thường có mức độ suy giảm rất lớn với những thiệt hại nặng nề cho nhà đầu tư.
“Chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp và nền kinh tế đang gồng mình kết nối lại hoạt động sản xuất, kinh doanh, nên bức tranh tương lai của thị trường chứng khoán cũng… chưa biết thế nào”, nhà đầu tư Hoàng Anh Tú chia sẻ.
Theo ông Tú, vay tiền mua chứng khoán lúc này nhà đầu tư chịu rủi ro kép, nên nhiều người tạm sử dụng nguồn vốn tự có. Tuy nhiên, khi nhìn thấy cơ hội rõ ràng hơn, nhà đầu tư sẽ có tâm lý tìm kiếm các nguồn tiền mới, hỗ trợ hoạt động đầu tư để gia tăng cơ hội kiếm lời.
Các công ty chứng khoán là những chủ thể hiểu rõ nhất tâm lý này của nhà đầu tư. Vì thế, trong giai đoạn dòng tiền thận trọng, cuộc cạnh tranh thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ môi giới, margin của mình vẫn diễn ra rất mạnh mẽ.
Khối công ty chứng khoán ngoại như Mirae Asset (MAS, hiện có số dư nợ tính tại thời điểm cuối quý I/2020 là 7.174 tỷ đồng), CTCK KIS (số dư là 2.422 tỷ đồng) hay CTCK KB Việt Nam (số dư 1.874 tỷ đồng), CTCK Yuanta Việt Nam… có lợi thế vốn rẻ từ tập đoàn mẹ nên áp dụng mức lãi suất khá hấp dẫn.
Chẳng hạn, tại CTCK Yuanta Việt Nam, từ nay đến ngày 5/7/2020, áp dụng mức lãi suất ưu đãi 8,8% cho tất cả các khoản nợ phát sinh mới, áp dụng cho tất cả khách hàng hiện hữu và khách hàng mới mở tài khoản trong thời gian ưu đãi.
Tại CTCK Mirae Asset Việt Nam, khách hàng mở tài khoản giao dịch ký quỹ sẽ được hưởng mức lãi suất margin từ 9,5 - 9,9%, còn KBSV có gói cho vay margin KB Dream với mức lãi suất chỉ 8,3 - 8,5%/năm…
Trong bối cảnh này, khối công ty trong nước cũng bắt đầu có những động thái điều chỉnh giảm phí hỗ trợ vốn nhằm giữ chân nhà đầu tư.
Cuộc đua chưa biết nghiêng về bên nào, nhưng rõ ràng, khi cạnh tranh cung cấp dịch vụ margin với lãi suất thấp dần diễn ra mạnh mẽ, các nhà đầu tư có nhu cầu dùng margin hiện tại và trong tương lai sẽ là những chủ thể hưởng lợi.