Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh trao giấy chứng nhận cho nhà đầu tư đến từ Singapore trong chiều 5/2/2021
Trong giai đoạn quyết liệt chống dịch Covid-19, Quảng Ninh phải bảo đảm vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế và các hoạt động khác, bên cạnh các hoạt động phòng chống dịch quyết liệt, các cơ quan quản lý nhà nước của Quảng Ninh đã đảm bảo hoạt động chuyên môn. Các thủ tục hành chính của tỉnh này vẫn được thực hiện cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư thông qua hình thức trực tuyến và chính quyền điện tử.
Trong chiều ngày 5/2, sau khi hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục tục, QEZA đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Công ty Singapore Lioncore Industries PTE., LTD đến từ Singapore để thực hiện dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam.
Dự án có tổng mức đầu tư là 698,1 tỷ đồng, tương đương 30 triệu USD.
Địa điểm thực hiện dự án là tại khu công nghiệp Đông Mai, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Nhà máy được xây dựng với mục tiêu là sản xuất và xuất khẩu tấm sàn Vinyl Tiles/Plank, với công suất 13.886.000 m2/năm (tương đương khoảng 108.000 tấn sản phẩm/năm).
Theo cám kết của nhà đầu tư, sau 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký, dự án sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động.
Luỹ kế từ đầu năm 2021 đến nay, Quảng Ninh đã thu hút mới được 2 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 40 triệu USD. Cụ thể là dự án Nhà máy sản xuất thiết bị gia dụng, xe đạp điện Multi Sunny Việt Nam, có mức vốn 10 triệu USD và dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam được cấp vào chiều nay.
Hiện nay, QEZA cũng đang tiến hành thẩm định và hướng dẫn các Nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu hoặc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án mới trong quý I/2021. Dự kiến tổng vốn đầu tư đăng ký cảủa 6 dự án này là khoảng 4.000 tỷ đồng và 33 triệu USD.
Các dự án này bao gồm: (1) Dự án đầu tư Nhà máy may tại khu nhà xưởng tiêu chuẩn số 2 Khu công nghiệp Texhong – Hải Hà do Công ty TNHH Khống chế cổ phần Hoa Lợi Đạt (Quảng Ninh) Việt Nam làm chủ đầu tư (8 triệu USD); (2) Dự án Hai Yun Việt Nam do Công ty Hai Yun Enterprise Company Limited làm chủ đầu tư (10 triệu USD); (3) Dự án Tổ hợp Nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà do Công ty cổ phần Phát triển giáo dục y tế Phúc Hưng làm chủ đầu tư (2.037 tỷ đồng); (4) Dự án Nhà máy sản xuất công cụ y khoa tại xã Quảng Phong, huyện Hải Hà do Công ty cổ phần Phát triển Tiến Phú làm chủ đầu tư (1.938 tỷ đồng); (5) Dự án Khu chế biến đá Cao lanh – pyrophilit Tấn Mài, xã Quảng Đức, huyện Hải Hà do Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Quảng Ninh làm chủ đầu tư (8,5 tỷ đồng); (6) Dự án xây dựng nhà xưởng may mặc, hoàn thiện sản phẩm may mặc tiêu chuẩn cho thuê do Công ty TNHH Bắc Giang Việt Nam làm chủ đầu tư (15 triệu USD).
Một dự án khác đang được điều chỉnh tăng vốn thêm khoảng 15 triệu USD là dự án IDEAL Đông Mai tại KCN Đông Mai do TNHH In màu Lí tưởng Việt Nam làm chủ đầu tư.
Như vậy, dự kiến tổng vốn đầu tư thu hút vào các KCN, KKT của tỉnh Quảng Ninh (không bao gồm KKT Vân Đồn) trong quý I/2021 đạt khoảng 6.000 tỷ đồng (bao gồm 88 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài và 4.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước). Như vậy, Quảng Ninh sẽ đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu hút đầu tư quý I/2021 đối với địa bàn KCN, KKT đã đặt ra tại Kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh.