Trả món nợ 7 năm
Câu chuyện Quỹ bảo vệ NĐT vừa rất cũ, lại vừa rất mới. Cũ là bởi khi đề cập về nghĩa vụ của CTCK, Điều 71 Luật Chứng khoán có hiệu lực cách đây 7 năm quy định: CTCK mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán tại công ty, hoặc trích lập quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật…
Còn rất mới, bởi suốt 7 năm qua, NĐT nhiều lần kiến nghị, đề xuất tới các cơ quan chức năng, để sớm có cơ chế bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho họ, nhưng đến nay, Quỹ vẫn chỉ tồn tại… trên giấy.
Tuy nhiên, món nợ… 7 năm này có hy vọng sắp được trả, khi Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quyết định về cơ chế trích lập và sử dụng Quỹ bảo vệ NĐT tại CTCK, công ty quản lý quỹ (QLQ). Dự thảo này vừa được công bố lấy ý kiến.
Có một sự trùng hợp là việc Bộ Tài chính đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế trích lập Quỹ bảo vệ NĐT trùng với thời điểm Bộ Tài chính vừa tổ chức ra mắt Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm.
Trở lại câu chuyện Quỹ bảo vệ NĐT trong lĩnh vực chứng khoán, như thấu hiểu được sự sốt ruột của thị trường suốt 7 năm chờ đợi, tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ: việc trích lập và sử dụng Quỹ bảo vệ NĐT được áp dụng từ năm tài chính 2014... Với lộ trình này, công chúng đầu tư kỳ vọng món nợ 7 năm về lập Quỹ bảo vệ NĐT sẽ được thanh toán ngay trong năm nay.
Trích Quỹ tối đa 5% doanh thu môi giới
Điểm đáng chú ý tại dự thảo là không chỉ điều chỉnh việc trích lập và sử dụng Quỹ bảo vệ NĐT tại CTCK, mà còn cả tại công ty QLQ theo quy định tại Điều 71, Điều 72 Luật Chứng khoán.
Theo đó, đối với CTCK, số tiền trích Quỹ tối đa bằng 5% doanh thu hoạt động môi giới hàng năm của công ty. CTCK không thực hiện trích Quỹ khi số dư Quỹ bằng 10% vốn điều lệ. Đối với công ty QLQ, số tiền trích Quỹ tối đa bằng 5% doanh thu từ hoạt động QLQ, công ty đầu tư chứng khoán và quản lý danh mục đầu tư hàng năm của công ty.
Tương tự như CTCK, công ty QLQ không thực hiện trích Quỹ khi số dư bằng 10% vốn điều lệ. HĐQT hoặc HĐTV của CTCK, công ty QLQ quyết định mức trích nộp Quỹ cụ thể hàng năm.
Chậm nhất vào ngày 31/3 hàng năm, căn cứ doanh thu hoạt động môi giới và các hoạt động liên quan đến môi giới của năm liền kề; doanh thu hoạt động QLQ và các hoạt động liên quan đến QLQ của năm liền kề, CTCK, công ty QLQ phải thực hiện trích Quỹ.
UBCK giám sát việc sử dụng Quỹ
Cũng theo dự thảo, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) có trách nhiệm giám sát, kiểm tra đối với việc trích lập và sử dụng Quỹ bảo vệ NĐT tại CTCK, công ty QLQ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Quy chế sử dụng Quỹ do HĐQT hoặc HĐTV của CTCK, công ty QLQ ban hành. Các đơn vị này phải báo cáo UBCK Quy chế sử dụng Quỹ trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày ban hành. CTCK, công ty QLQ có trách nhiệm công bố công khai Quy chế sử dụng Quỹ trên trang thông tin điện tử của công ty. Quỹ bảo vệ NĐT được thành lập tại CTCK, công ty QLQ và phải được hạch toán, theo dõi riêng.
Quỹ được sử dụng để chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho NĐT do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên tại CTCK, công ty QLQ trong trường hợp các đơn vị này không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Số tiền chi trả bồi thường thiệt hại cho NĐT căn cứ vào Quy chế sử dụng Quỹ và số dư Quỹ tại thời điểm bồi thường thiệt hại.
Theo dự thảo, NĐT được Quỹ chi trả tiền bồi thường thiệt hại phải đáp ứng 2 điều kiện: đã ký kết hợp đồng đầu tư với CTCK, công ty QLQ; có giấy tờ chứng minh quyền lợi hợp pháp đối với khoản tiền chi trả bồi thường thiệt hại bao gồm: giấy chứng minh nhân dân, hợp đồng ký kết với CTCK, công ty QLQ, đơn đề nghị chi trả tiền bồi thường thiệt hại, trong đó nêu rõ lý do, các tài liệu chứng minh cho giá trị đề nghị bồi thường thiệt hại... Trong thời hạn tối đa là 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được các tài liệu quy định, CTCK, công ty QLQ có trách nhiệm chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho NĐT.