Từ năm 2016 đến nay, nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có tên tuổi, quy mô lớn đã lần lượt tiến hành niêm yết trên sàn chứng khoán như Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội (Habeco), Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX), Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (NVL), Công ty cổ phần Hàng không VietJet (VJC)…
Sau niêm yết, các cổ phiếu này có sự tăng trưởng thị giá ấn tượng, tạo hiệu ứng tốt, khiến làn sóng săn cổ phiếu chưa niêm yết dường như nóng hơn.
Chẳng hạn, vào cuối năm 2016, cổ phiếu VJC giao dịch trên thị trường OTC trong khoảng 96.000 - 100.000 đồng/cổ phiếu, mặc dù trước đó, trên thị trường xuất hiện thông tin giá chào bán cho nhà đầu tư cá nhân là 86.500 đồng/cổ phiếu.
Ngày 28/2, VJC tiến hành niêm yết với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 90.000 đồng/cổ phiếu, đóng cửa phiên ngày 5/5 là 129.800 đồng/cổ phiếu, tăng gần 22.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, cổ phiếu NVL sau khi công bố giá tham chiếu 50.000 đồng/cổ phiếu cũng đã được nhà đầu tư săn lùng trên thị trường OTC, với mức giá dao động quanh 55.000 - 59.000 đồng/cổ phiếu.
Từ khi niêm yết đến nay, NVL có nhiều phiên tăng trần, có thời điểm tăng lên hơn 75.500 đồng/cổ phiếu. Chốt phiên ngày 5/5, thị giá NVL là 69.500 đồng/cổ phiếu.
Một cổ phiếu “hot” trong tháng 3 là KDF của Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh KIDO khi số lượng đăng ký mua gấp gần 4 lần số lượng chào bán.
Với mức giá 52.000 đồng/cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư không đăng ký mua thành công đã quay sang thị trường OTC chào mua, mức giá dao động 54.000 - 57.000 đồng/cổ phiếu.
Thậm chí, có nhà đầu tư vừa đăng ký thành công đã bán quyền mua sang tay, với giá khoảng 55.000 đồng/cổ phiếu. Một phân khúc nhà đầu tư khác lại nắm giữ bởi kỳ vọng cổ phiếu này sẽ về vùng 6x như các công ty chứng khoán định giá khi KIDO tiến hành niêm yết trong năm nay.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng được săn đón nhờ thông tin về kế hoạch sẽ tiến hành niêm yết, cụ thể là Techcombank, VIB và VPBank.
Hiện tại, thị trường đang quan tâm tới Công ty cổ phần Seol Metal Việt Nam (SMV), doanh nghiệp sản xuất ốc vít công nghệ cao cho các thiết bị công nghệ với khách hàng chính bao gồm Samsung, LG, Brothers…
SMV sắp phát hành 1 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành 38.000 đồng/cổ phần nhằm gia tăng năng lực sản xuất và tiếp cận thị trường ốc vít cho xe máy và ô tô.
Ngày 18/5 tới đây, các cổ đông đăng ký mua sẽ tiến hành đặt cọc, nhưng các môi giới hiện đã chào bán quyền mua vào khoảng 40.000 đồng/cổ phần. SMV cũng có kế hoạch sẽ niêm yết trên HOSE hoặc HNX trong nửa cuối năm 2017.
Mải mê theo đuổi đợt tăng giá của các cổ phiếu mới niêm yết, nhiều nhà đầu tư đã vội quên ngay những trường hợp “đi ngược xu hướng” như cổ phiếu của Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (HVN)…
Theo đó, đợt IPO lớn nhất năm 2016 của VEAM đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Mức giá khởi điểm của VEAM là 14.290 đồng/cổ phiếu và mức giá trúng không sai biệt 14.291 đồng/cổ phiếu.
Thế nhưng, theo chia sẻ của một môi giới, nhiều nhà đầu tư đã lỗ ngay khi “hành động nhanh” mua trên thị trường OTC với giá dao động 20.000 - 26.000 đồng/cổ phiếu.
Với trường hợp của Vietnam Airlines, cổ phiếu HVN đăng ký giao dịch trên UPCoM (ngày 3/1/2017) với giá tham chiếu 28.000 đồng/cổ phiếu, nhưng tại thị trường OTC, giá chuyển nhượng được rao ở mức 40.000 - 45.000 đồng/cổ phiếu.
Trong vài phiên giao dịch đầu tiên, thị giá cổ phiếu tiến đến vùng 50.000 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên, đến nay, thị giá HVN chỉ còn 25.700 đồng/cổ phiếu, giảm hơn 34% so với đóng cửa phiên ngày 3/1.
Theo chia sẻ của một số môi giới, một vài cổ phiếu trước khi đấu giá hoặc chào bán được săn đón là bởi doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, tiềm năng tăng trưởng tích cực, nhu cầu mua tăng trong khi cung hạn hẹp khiến giá cổ phiếu tăng nóng.
Tuy nhiên, cũng có những cổ phiếu được chào bán với mức giá cao dù ít người mua, mục đích của việc này là để tạo mặt bằng giá mới cho cổ phiếu, tạo đà cho đợt “niêm yết trong tương lai”.
Mặt khác, việc cổ phiếu tăng/giảm giá khi niêm yết chưa phản ánh đúng giá trị doanh nghiệp bởi còn nhiều yếu tố chi phối khác, chẳng hạn tỷ lệ cổ phiếu tự do giao dịch lớn hay động thái của cổ đông lớn.
Trong nhiều trường hợp, thay vì chú trọng đúng mực tới các yếu tố cơ bản như doanh thu, lợi nhuận, hoạt động kinh doanh lõi có tiềm năng tăng trưởng…, nhà đầu tư lại mải mê đuổi theo “ảo ảnh” về cổ phiếu chưa niêm yết và dễ phải chịu hậu quả.