Chuyện nhận cổ tức đặc biệt tại TAC…
Cuối tuần qua, CTCP Dầu thực vật Tường An (TAC) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ).
Khác với công ty cùng thành viên trong Tập đoàn KIDO (KDC) là KDF, đã thông qua tờ trình sáp nhập vào KDC với phương án khá rõ ràng, thì TAC chỉ có tờ trình xin thông qua chủ trương sáp nhập vào KDC và chia cổ tức đặc biệt 75%, tương đương 7.500 đồng/cổ phiếu. Song hành cùng đó, diễn biến giá cổ phiếu TAC đã có giai đoạn tăng ấn tượng.
Chính vì vậy, bên cạnh các câu hỏi liên quan đến diễn biến giá nguyên liệu đầu vào tác động tới TAC ra sao, cổ đông rất quan tâm tới việc khi nào sẽ chốt danh sách cổ đông để được nhận cổ tức đặc biệt và cụ thể tỷ lệ hoán đổi, thời gian sáp nhập TAC vào KDC ra sao?
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch KDC chia sẻ, Tổng công ty Công nghiệp dầu thực vật Việt Nam - VOC (cổ đông lớn của TAC đang sở hữu 26,5%) vẫn còn vốn nhà nước là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) 36,3%.
Theo đó, ĐHCĐ chỉ xin chủ trương sáp nhập, còn chi tiết phương án sẽ có ĐHCĐ bất thường dự kiến tổ chức tháng 7-8 tới để trình và xin ý kiến cổ đông thông qua nội dung này.
Theo ông Nguyên, sau khi sáp nhập, cổ đông sẽ thấy được sức mạnh của sự kết hợp giữa Tập đoàn và các thành viên. KDC sẽ không chỉ sáp nhập TAC, KDF mà sẽ cả VOC, đồng thời sẽ quay lại lĩnh vực cốt lõi trước đây.
Như vậy, 3 mảng kem, sữa, dầu ăn sẽ được phân phối trên 1 triệu điểm bán hàng, giảm bớt kênh logistic, được hỗ trợ về tài chính, quản trị.
Ở NTC là câu chuyện sở hữu chéo
Cổ phiếu NTC của Công ty cổ phần Khu công nghiệp Nam Tân Uyên cũng nhận được nhiều sự quan tâm của cổ đông.
Thậm chí, có cả nhóm cổ đông di chuyển từ các tỉnh khác và từ Hà Nội bay vào TP.HCM để trực tiếp tham dự Đại hội năm 2020 của NTC.
Tại đây, nội dung giảm sở hữu chéo của Công ty trong mối quan hệ PHR-SIP-NTC được cổ đông quan tâm, đặc biệt là Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn (SIP) và Công ty cổ phần Cao su Phước Hòa (PHR) đều có những giai đoạn cổ phiếu tăng rất mạnh.
Tại đây, cổ đông cũng thắc mắc về tiến trình bồi thường đất khu công nghiệp cho PHR. Ban lãnh đạo cho biết, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và PHR đã có thoả thuận xác định chi phí bồi thường, hỗ trợ thiệt hại kinh tế là 2,5 tỷ đồng/ha.
Mức bồi thương này làm phát sinh tăng tổng mức đầu tư dự án Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng giai đoạn 2 (NTC 3) lên 1.485 tỷ đồng.
Theo đó, NTC có tờ trình về nội dung muốn thanh toán sớm khoản hỗ trợ thiệt hại kinh tế do thanh lý sớm vườn cây cao su của PHR giá trị 865 tỷ đồng, tương ứng diện tích 345,86 ha trong thời gian thực hiện điều chỉnh tổng mức đầu tư với các cấp có thẩm quyền. Việc này giúp NTC sớm thực hiện về các thủ tục đất đai và nhận bàn giao đất triển khai dự án.
Chính nhờ thông tin trên, cổ phiếu PHR ngay lập tức đã có phiên tím trần và bật tăng mạnh mẽ.
GVR nóng việc thoái vốn tại SIP
Cuối tuần trước, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (GVR) cũng tổ chức Đại hội với câu chuyện được quan tâm nhất là thoái vốn tại CTCP Đầu tư Sài Gòn (SIP) và kế hoạch phát triển khu công nghiệp (vốn được thị trường xem là ngành sẽ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển nhà máy sang Việt Nam). Tại Đại hội, lãnh đạo GVR cho biết, VRG hiện đã thẩm định giá xong trong việc thoái vốn tại SIP.
Tuy nhiên, GVR muốn bán trực tiếp qua sàn, trong khi quy định trước đây là thoái vốn thông qua đấu giá. Đến nay, chưa có quyết định cuối cùng và GVR đang tiến hành thẩm định giá lần hai, dự kiến sẽ thoái vốn tại SIP trong năm 2020.
Ngoài ra, lãnh đạo GVR còn cho biết, giá trị cần phải thoái vốn của GVR theo phương án đã được phê duyệt là 2.061 tỷ đồng, trong đó khoản 1.079 tỷ đồng là ở 5 công ty thủy điện. GVR sẽ tiếp tục thoái vốn các doanh nghiệp khác, kể cả các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả để tập trung đầu tư các lĩnh vực có biên lợi nhuận cao là phát triển khu công nghiệp gắn liền với khu dân cư.
GVR hiện quản lý 16 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 6.566 ha.“Đây là lĩnh vực có lợi nhuận cao, tiềm năng và có nhiều lợi thế nên tập trung đầu tư mạnh trong năm 2020 và cho giai đoạn 2021-2025”, Tổng giám đốc GVR cho biết.
LCG: Dòng tiền triển khai dự án mới ở đâu?
Với CTCP Licogi16 (LCG), đơn vị vốn được xem sở hữu quỹ đất ở Đồng Nai - là “mỏ vàng” của doanh nghiệp khi đất khu vực này tăng giá trong nhiều năm qua, nhưng có kết quả quý I/2020 sụt giảm và bài toán dòng tiền yếu, khiến nhiều cổ đông lo lắng “tài sản tốt” nhưng lại không có tiền triển khai.
Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT cho biết, LCG có giải pháp, kế hoạch hành động cho quý II-IV để đạt mục tiêu năm 2020. Dự kiến, Công ty sẽ mang về 1.053 tỷ đồng doanh thu và 58 tỷ đồng lợi nhuận trong quý II.
Sau Đại hội, LCG khiến cổ đông vui mừng khi cổ phiếu tăng mạnh.
Liên quan đến câu chuyện phát hành không thành công trong năm 2019 có ảnh hưởng đến dòng tiền 2020, ông Hùng chia sẻ, dự án Điền Phước ước tính giá đất thương phẩm 13 triệu đồng/m2, trong khi dự án bên cạnh sân bay đang bán 26 triệu đồng/m2…
Theo ông Hùng, nếu bỏ vào đây 1.000 tỷ đồng thì giờ đã có ngay lợi nhuận không dưới 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, không phát hành được thì không có vốn triển khai.
“Chúng tôi đã phải bàn phương án kêu gọi đối tác đầu tư, nhưng họ yêu cầu chia lợi nhuận không dưới 50%. Còn phương án xấu nữa là chuyển nhượng dự án, chỉ được 400 tỷ đồng lợi nhuận, hạch toán trong năm 2020 là hết”, ông Hùng nói.
MWG - tâm điểm là chuỗi Bách Hóa xanh
Tại Đại hội của CTCP Đầu tư thế giới di động (MWG) năm nay cũng có rất đông cổ đông tham dự như mọi năm.
Để đảm bảo tổ chức ĐHCĐ an toàn trước dịch bệnh Covid-19, MWG tổ chức tại trụ sở Công ty để sử dụng các công nghệ, cơ sở vật chất và tổ chức dự online cho những cổ đông nước ngoài, cổ đông trong nước không thể tới tham dự trực tiếp.
Vấn đề được quan tâm ở MWG là mảng Bách Hoá Xanh (BHX)đang ở hiện trạng nào, bởi đây được xem là động lực tăng trưởng của MWG trong các năm tiếp theo.
Lãnh đạo MWG cho biết, MWG đang tập trung phát triển BHX online. Theo đó, Công ty sẽ quyết định mở nhiều DC (trung tâm phân phối) trước khi thúc đẩy kênh này. Tại thị trường phía Nam, quy hoạch từ 1 DC thì phải lên 9-10 DC vào cuối năm nay để giảm đoạn đường đi từ DC đến khách hàng.
Điểm hoà vốn tiếp tục là câu hỏi của nhiều cổ đông MWG. Lãnh đạo MWG chia sẻ, tháng 3/2020 là tháng đột biến mà BHX báo lãi, nhưng đó là lãi vì may mắn, doanh thu 1 cửa hàng là 1,6 tỷ đồng. Các tháng sau, biên lãi gộp 24-25%.
Với lãi gộp này, chi phí cửa hàng khoảng 19-20%, chi phí của trung tâm phân phối 5-6%. Tiền kiếm được đang bù đắp vừa vặn trang trải cho cửa hàng và DC. Để có lãi, doanh thu của các cửa hàng phải đẩy lên và gia tăng lãi gộp thêm nữa.
Có 2 định hướng chính của BHX nếu muốn bắt đầu tiệm cận điểm hoà vốn và sinh lời. Đó là phải giảm tốc độ mở rộng cửa hàng, vì mức sinh lời mỗi cửa hàng chưa đủ để bù đắp chi phí của trung tâm phân phối, đặc biệt ở các tỉnh nhỏ.
Còn nếu đi theo định hướng khác thì MWG sẽ đẩy mạnh việc tăng tốc, mở rộng cửa hàng để lấy thêm thị phần và đặc biệt, mở rộng ở các tỉnh mới phải đầu tư nhiều cho trung tâm phân phối.
Như vậy, kịch bản năm 2020, MWG sẽ tiếp tục mở nhiều cửa hàng và trung tâm phân phối nhỏ hơn, để các cụm tỉnh có 50-100 cửa hàng.
Với quy mô năm nay BHX đạt doanh thu gần 20.000 tỷ đồng (năm 2019, Co.op mart đạt doanh thu 33.000 tỷ đồng), tức quy mô hiện nay, BHX bằng trên 50% của Co.op mart, đủ để xây dựng niềm tin với các nhà cung cấp rằng, BHX sẽ lớn trong tương lai.
Đi qua nhiều đại hội của các doanh nghiệp lớn, có thể thấy, cổ đông năm nay tập trung nhiều hơn với các vấn đề doanh nghiệp bị tác động ra sao trước dịch bệnh và giải pháp ứng phó, hoặc những điểm tích cực có thể trông chờ mang lại nguồn thu tốt trong bối cảnh đặc biệt như năm 2020.
Đặc biệt, những doanh nghiệp có câu chuyện riêng, tái cấu trúc rất thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.