Nhà đầu tư "quay xe", thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index mất gần 18 điểm

Nhà đầu tư "quay xe", thị trường chìm trong sắc đỏ, VN-Index mất gần 18 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù chưa xảy ra bán tháo trên diện rộng nhưng việc "quay xe" trên toàn thị trường đã khiến tất cả các nhóm cổ phiếu đồng loạt mất điểm, chỉ số VN-Index giảm gần 18 điểm và thủng mốc 1.225 điểm.

Dường như “bức tường thành” 1.250 điểm vẫn tỏ ra khá kiên cố trong phiên giao dịch sáng ngày 11/9 khi VN-Index nhanh chóng quay đầu khi chạm vào vùng đỉnh cũ. Sự thất bại này đã khiến nhà đầu tư càng thận trọng hơn và quay ra bán chốt lời, đẩy chỉ số chung giật lùi về cuối phiên. Bảng điện tử trở nên nhuộm đỏ do áp lực bán lan rộng thị trường, tuy nhiên nhờ sự hỗ trợ của cặp đôi lớn SAB và VIC đã giúp VN-Index thoát hiểm và tạm dừng phiên sáng trong sắc xanh nhạt.

Tuy nhiên, những “vị cứu tinh” này cũng không thể đỡ nổi thị trường khi bước sang phiên giao dịch chiều. Áp lực bán tiếp tục gia tăng mạnh khiến các cổ phiếu lớn bé đua nhau nới rộng biên độ giảm và VN-Index lùi dần đều.

Mặc dù đà bán tháo chỉ diễn ra đơn lẻ với những mã có thông tin tiêu cực và không ồ ạt, nhưng lực bán khá mạnh trên toàn thị trường đã khiến VN-Index không thể “ngóc đầu” dậy.

Đây là lần thứ 2 trong khoảng 1 tháng qua thị trường tiếp cận ngưỡng 1.250 điểm và đều thất bại khá thảm hại. Tuy nhiên, cũng như phiên thất bại trước đó, thanh khoản thị trường trong phiên 11/9 tăng vọt và là phiên hiếm hoi thứ 2 trong khoảng hơn 1 năm qua với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE vượt xa mức 30.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào thị trường và chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Đóng cửa, sàn HOSE có tới 446 mã giảm, gấp tới hơn 5 lần số mã giảm (85 mã), trong đó chỉ có 10 mã giảm sàn, VN-Index giảm 17,85 điểm (-1,44%), xuống 1.223,63 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,39 tỷ đơn vị, giá trị 32.133,74 tỷ đồng, tăng 26,36% về lượng và 22,02% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 8/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 86,3 triệu đơn vị, giá trị 2.310,2 tỷ đồng.

Cũng trong xu hướng chung của thị trường, nhóm VN30 có tới 26 mã giảm, chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh. Trong đó, cổ phiếu SAB vẫn là điểm sáng dù có chút hạ nhiệt so với phiên sáng khi kết phiên tăng 4,3% lên mức 167.500 đồng/CP. Đây là mã có đóng góp lớn nhất giúp chỉ số chung bớt trượt dài, khi đóng góp gần 1,2 điểm cho VN-Indẽ.

Ngoài SAB, PLX và VPB cũng là số ít các mã đóng vai trò má phanh cho thị trường, kết phiên tương ứng tăng 1,1% và 0,5%. Trong khi đó, VIC quay đầu và đóng cửa ở mốc tham chiếu sau phiên sáng hỗ trợ khá tốt cho thị trường.

Ở nhóm vừa và nhỏ, các cổ phiếu vừa đón nhận thông tin tiêu cực về khả năng đình chỉ giao dịch như HPX, AGM, TGG, TTB, IBC đều đóng cửa trong trạng thái dư bán sàn chất đống, đặc biệt là HPX dư bán sàn tới gần 40 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, cùng xu hướng chung, toàn bộ các nhóm ngành trên thị trường đều mất điểm. Trong đó, đà lao dốc mạnh của VHM, GVR đã khiến nhóm bất động sản thuộc top giảm mạnh.

Đồng thời, nhiều mã vừa và nhỏ khác trong nhóm này cũng nằm trong rổ các cổ phiếu giảm sàn. Đáng chú ý là NVL bất ngờ bị xả ồ ạt trong phiên chiều và đóng cửa tại mức giá sàn 20.500 đồng/CP với thanh khoản dẫn đầu thị trường, đạt gần 71,7 triệu đơn vị; DXS cũng khoác áo xanh mắt mèo và khớp lệnh gần 10,5 triệu đơn vị; một số mã quen thuộc khác như SGR, HTN đều nằm sàn khi kết phiên. Ngoài ra, TDH, PHC, DRH, DXG cũng giảm tới hơn 6%; BCG, DIG, KBC, VCG, TCH… đều lùi về vùng giá thấp nhất trong ngày.

Nhóm vật liệu xây dựng với bộ 3 đáng chú ý của ngành thép đều lùi sâu, cụ thể, HPG giảm 2,6% và khớp 47,7 triệu đơn vị, HSG và NKG cùng giảm hơn 3% và khớp gần gần đạt 16 triệu đơn vị.

Nhóm trụ cột chính là ngân hàng cũng hầu hết chìm trong sắc đỏ, ngoại trừ OCB tăng tốt nhất hơn 2%, cùng VPB và LPB tăng nhẹ trên dưới 0,5%. Trong đó, gánh nặng chính là VCB giảm 1,12%, còn giảm sâu nhất ngành là MSB và SHB cùng giảm hơn 3%.

Các nhóm khởi sắc gần đây như phân bón, thủy sản, vận tải biển cũng đồng loạt đảo chiều điều chỉnh. Tuy nhiên, vẫn có những mã ngược dòng chung thành công, điển hình là PVT kết phiên tăng hơn 5,2% với thanh khoản tăng đột biến lên tới hơn 15 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng mạnh cũng thị trường chìm trong sắc đỏ, chỉ số HNX-Index lùi về mức giá thấp nhất ngày nhưng thanh khoản tăng vọt.

Đóng cửa, sàn HNX chỉ có 48 mã tăng và có tới 154 mã giảm, HNX-Index giảm 4,87 điểm (-1,9%) xuống 251,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 130,34 triệu đơn vị, giá trị 2.598,96 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,84 triệu đơn vị, giá trị 102,97 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, nhóm HNX30 chỉ còn 2 mã may mắn thoát hiểm là LAS và TNG, kết phiên lần lượt tăng 2,1% và 0,5%.

Cổ phiếu SHS vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với 22,37 triệu đơn vị khớp lệnh và kết phiên tại mốc tham chiếu 18.800 đồng/CP.

Trong khi các mã có thanh khoản cao khác đồng loạt tìm về mức giá thấp nhất ngày như CEO giảm 1,5% và khớp 12 triệu đơn vị; PVS giảm 3,2% và khớp 8,74 triệu đơn vị; HUT giảm 4,3% và khớp 5,97 triệu đơn vị, IDC giảm 3,4% và khớp 4,8 triệu đơn vị…

Thị trường UPCoM cũng không nằm ngoài xu hướng chung với sắc đỏ chiếm áp đảo bảng điện tử.

Chốt phiên, thị trường UPCoM có 185 mã giảm và 130 mã tăng, chỉ số UPCoM-Index giảm 1,01 điểm (-1,07%) xuống 93,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 78,6 triệu đơn vị, giá trị 1.151,82 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,42 triệu đơn vị, giá trị 54,17 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR rung lắc và đã đảo chiều giảm 1%, chấm dứt chuỗi ngày tăng tốc và đóng cửa đứng tại mức giá 20.800 đồng/CP, thanh khoản vượt trội với 12,97 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, cổ phiếu đứng thứ 2 về thanh khoản là SBS khớp 4,95 triệu đơn vị, kết phiên giảm 3,2% xuống mức thấp nhất trong ngày 9.100 đồng/CP.

Một số mã đáng chú ý khi ngược dòng thị trường chung như DDV kết phiên tăng 2,5%, CEN tăng 4,6%, đặc biệt là MSR tăng ấn tượng 9,8%, thanh khoản các cổ phiếu này đều đạt một đến vài triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm mạnh. Trong đó, VN30F2309 giảm 25,8 điểm, tương đương -2,1% xuống 1.224,1 điểm, khớp lệnh hơn 223.810 đơn vị, khối lượng mở đạt gần 47.280 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, trong đó CSTB2322 dẫn đầu thanh khoản với gần 4,85 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 10,1% xuống 1.600 đồng/cq. Tiếp theo là CVHM2308 khớp 3,19 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 12,1% xuống 290 đồng/cq.

Tin bài liên quan