Gần đây, nhà đầu tư ngoại tập trung giải ngân vào dòng cổ phiếu liên quan đến hàng hóa và cảng biển.

Gần đây, nhà đầu tư ngoại tập trung giải ngân vào dòng cổ phiếu liên quan đến hàng hóa và cảng biển.

Nhà đầu tư nước ngoài “xoay gió”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lướt sóng nhằm gia tăng hiệu quả đầu tư, thúc các doanh nghiệp thực hiện IR tốt để gia tăng giá trị cổ phiếu..., hành vi của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là quỹ ngoại có ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến giá nhiều mã cổ phiếu.

Lướt sóng tăng tiền

Tổng giám đốc một công ty bất động sản có vốn điều lệ trên 3.000 tỷ đồng chia sẻ, cổ đông lớn là một quỹ ngoại trong các cuộc họp với lãnh đạo doanh nghiệp năm 2021 liên tục thúc giục họ phải có giải pháp mời các nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực chứng khoán đến hợp tác nhằm đưa giá cổ phiếu tăng về đúng giá trị như họ đánh giá. Nhìn sang những “ông hàng xóm” không có quá nhiều yếu tố nổi trội so với công ty mà thị giá cổ phiếu cao gấp nhiều lần càng khiến họ sốt ruột.

Tuy nhiên, lãnh đạo công ty bất động sản không đồng ý và cho biết, họ chỉ tập trung vào đầu tư kinh doanh, chứ không muốn giá cổ phiếu biến động mạnh.

Được biết, quỹ ngoại trên vài năm trước đã công khai xuất hiện ở cuộc họp đại hội đồng cổ đông của FPT, cũng như các cuộc trao đổi trước đó yêu cầu lãnh đạo FPT phải có các giải pháp thúc đẩy hoạt động quan hệ nhà đầu tư (IR) để công chúng đầu tư hiểu hơn về FPT và thị giá cổ phiếu phản ánh chính xác hơn tiềm năng doanh nghiệp.

Đó chỉ là một số ví dụ cho thấy, các quỹ ngoại quy mô lớn cũng chịu những ảnh hưởng và biến động trên thị trường. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài gần đây thể hiện, họ mua không nhằm giữ dài hạn, mà giao dịch hàng ngày, hàng tuần và theo sóng thị trường.

Trước đây, chỉ có một số quỹ nước ngoài tập trung vào cổ phiếu nhỏ thì mới lướt sóng, nhưng hiện nay, các quỹ lớn cũng giao dịch lướt sóng, làm cho diễn biến thị trường khó đoán định hơn.

Lấy ví dụ ở cổ phiếu DXG của Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh, vào thời điểm đầu tháng 3 năm nay, giá cổ phiếu này loanh quanh trong vùng 36.000 - 38.000 đồng/cổ phiếu, nhà đầu tư nước ngoài liên tục mua vào lượng lớn cổ phiếu qua khớp lệnh trên sàn. Khi giá vọt lên 44.000 - 45.000 đồng/cổ phiếu, họ lại ồ ạt bán ra.

Giá cổ phiếu DXG sau đó giảm xuống vùng 39.000 - 40.000 đồng/cổ phiếu, trước khi dao động quanh mức 42.000 đồng/cổ phiếu gần đây. Mức chênh lệch giá 10 - 15% trong hơn 1 tuần với số lượng vài triệu cổ phiếu đem lại lợi nhuận không nhỏ cho khối ngoại.

Quý IV năm ngoái, nhóm quỹ Dragon Capital liên tục lướt sóng cổ phiếu KBC. Cụ thể, ngày 9/11/2021, Dragon Capital mua vào, trở thành cổ đông lớn của KBC, nhưng 2 ngày sau bán ra 500.000 cổ phiếu, không còn là cổ đông lớn. Ước tính, nhóm này thu về 26,5 tỷ đồng sau giao dịch đó. Nửa tháng sau, Dragon Capital mua vào 1.000.000 cổ phiếu KBC, khi giá cổ phiếu hạ nhiệt.

Hành động lướt sóng của khối ngoại cũng thấy rõ ở các cổ phiếu như HPG, VIC, hay nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Trong cả năm 2021, ở nhiều cổ phiếu, khi cổ đông lớn nước ngoài bán ra mạnh, giá cổ phiếu sau đó đều “bốc đầu”. Một lý do được các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm cho biết, khi cổ đông lớn nước ngoài chán bán ra, cổ phiếu mới có động lực gia tăng sở hữu mà không sợ bị quỹ nước ngoài “xả vào đầu”. Vì thế, những quỹ nước ngoài có nhiều kinh nghiệm và am hiểu thị trường Việt Nam hiện chọn phong cách lướt sóng một phần danh mục nhằm tối ưu giá trị, thay vì mua và “ngâm tôm”, nhìn thị trường sôi động như trước.

Một đặc điểm khác dễ nhận thấy là nhà đầu tư nước ngoài tận dụng các nhịp biến động mạnh của thị trường để lướt sóng. Cụ thể, trong các phiên thị trường giảm điểm mạnh, nhà đầu tư trong nước hoảng loạn, họ không bán ra, mà mua vào (đầu tháng 12/2021, đầu tháng 1 và đầu tháng 3/2022). Khi thị trường hồi phục, họ lại gia tăng bán ra.

Vốn ngoại dịch chuyển về đâu?

Năm 2021 ghi nhận đà bán ròng mạnh của khối ngoại trên thị trường với số liệu ghi nhận vào khoảng 62.237 tỷ đồng trên cả 3 sàn.

Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh trong năm qua liên quan trực tiếp đến việc họ lo ngại rằng, các thị trường cận biên sẽ phản ứng tiêu cực hơn với diễn biến của đại dịch Covid-19 so với các thị trường phát triển như Mỹ và châu Âu.

Do đó, khi rủi ro gia tăng do dịch Covid-19, các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút tiền khỏi các thị trường cận biên (rủi ro cao) và đầu tư vào các thị trường phát triển (rủi ro thấp), đặc biệt là Mỹ, trong bối cảnh lãi suất điều hành của ngân hàng trung ương nước này tiệm cận mức 0%.

Thị trường bây giờ thú vị, dòng tiền phân hoá lớn, nhà đầu tư cá nhân lướt sóng và nhà đầu tư nước ngoài cũng lướt sóng.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinPro

Bình luận về xu hướng bán ròng của nhà đầu tư ngoại, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Phân tích VNDIRECT nhận xét, trong những năm gần đây, dòng vốn ngoại ngày càng thắt chặt ở nhóm ASEAN và tập trung đầu tư nhiều vào Ấn Độ và Trung Quốc. Công nghệ, y tế, bán lẻ là những ngành thu hút dòng tiền đầu tư mạnh nhất, đặc biệt là những tập đoàn công nghệ lớn như Tesla, Apple. Trong khi đó, hầu hết doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam thuộc các lĩnh vực tài chính, bất động sản, nên khó thu hút dòng vốn nước ngoài.

Tuy nhiên, khẩu vị đầu tư của khối ngoại hoàn toàn có thể thay đổi, Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút dòng vốn nước ngoài khi xu hướng đầu tư quay về những dòng cổ phiếu truyền thống như năng lượng, F&B.

Gần đây, dòng vốn nước ngoài có sự chuyển dịch. Trong đó, dòng tiền của các quỹ lớn trong tháng 2/2022 có sự dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu tăng trưởng (ví dụ công nghệ) sang nhóm cổ phiếu giá trị (ví dụ năng lượng).

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI cho hay, dòng tiền ngoại mua ròng tại các quốc gia có thế mạnh xuất khẩu nguyên vật liệu thô. Xung đột giữa Nga và Ukraine khiến dòng vốn ngoại chuyển hướng tới các quốc gia có thế mạnh đó, đặc biệt là khu vực ASEAN như Indonesia hay Malaysia. Cả Indonesia, Malaysia, Phillipines và Thái Lan đều ghi nhận dòng vốn vào ròng từ các quỹ ETF trong tháng 2/2022.

Tại thị trường Việt Nam, khối ngoại bán ròng không nhiều, tổng giá trị vài trăm tỷ đồng trong tháng 2/2022 so với hàng ngàn tỷ đồng các tháng trước đó. Trong đó, các quỹ ETF rút ròng nhẹ. Dòng tiền từ các quỹ chủ động ghi nhận mức rút vốn mạnh trong 2 tuần giữa tháng 2 và hồi phục một phần trong tuần cuối tháng.

Xu hướng của các quỹ chủ động có phần nào tiêu cực hơn, khi ghi nhận mức bán ròng gần 970 tỷ đồng trong tháng 2. Mức rút ròng này được cải thiện trong tuần giao dịch cuối tháng, khi tâm lý thị trường ổn định hơn về xung đột giữa Nga và Ukraine.

Theo SSI, nhà đầu tư ngoại tập trung giải ngân vào dòng cổ phiếu liên quan đến hàng hóa và cảng biển. Công ty chứng khoán này duy trì quan điểm rằng, dòng vốn ngoại sẽ sớm quay trở lại Việt Nam, với sự phân kỳ của chính sách tiền tệ/tài khóa của Việt Nam và thế giới, cùng sự ổn định của tỷ giá.

Tin bài liên quan