Hội nghị được tổ chức trong bối cảnh thế giới có sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng, đầu tư sau giai đoạn chịu tác động của dịch bệnh Covid-19, dòng vốn quốc tế ưu tiên vào các dự án xanh, bền vững. Việt Nam đẩy mạnh kết hợp giữa các nguồn lực bên trong và bên ngoài, góp phần tạo lập các nền tảng tăng trưởng bền vững để phục vụ nhu cầu phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, cơ cấu lại nền kinh tế, bao gồm cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Hội nghị đã thảo luận về kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị cho Việt Nam về tiếp cận các nguồn tài chính quốc tế, bao gồm nguồn vốn của các quỹ đầu tư và tổ chức tài chính, phục vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển bền vững của Việt Nam.
Ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC cho biết, Hội nghị nằm trong chuỗi hoạt động thiết thực mà các cơ quan Chính phủ đã và đang thực hiện nhằm hỗ trợ phát triển và kinh doanh bền vững của các doanh nghiệp. Trong quá trình hội nhập quốc tế toàn diện, SCIC cũng như các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước được kỳ vọng sẽ tiếp tục phát huy vai trò và tiềm lực để đi tiên phong trong đối thoại, thương thảo với đối tác quốc tế để có thể thu hút nhiều hơn nguồn vốn tiềm năng, có chất lượng của các quỹ đầu tư cũng như nguồn tài chính xanh cho nền kinh tế Việt Nam.
Bản thân SCIC cũng đang tích cực kết nối với các quỹ đầu tư quốc gia các nước tìm kiếm cơ hội hợp tác để cùng hợp tác đầu tư thu hút nguồn tài chính xanh vào Việt Nam, từ đó góp phần nâng cao tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam, tạo động lực, sức lan tỏa cho tăng trưởng bền vững.
Tại Hội nghị COP26, Việt Nam cam kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế về việc đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Ngay sau COP26, Việt Nam đã khẩn trương cụ thể hóa, bắt tay thực hiện ngay những cam kết của mình trước cộng đồng quốc tế. Hội nghị lần này là một trong các hoạt động triển khai cam kết này.
Các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các quỹ đầu tư đã chia sẻ nhận định về tiềm năng tăng trưởng bền vững tại Việt Nam và tầm nhìn, kinh nghiệm quốc tế về thu hút các nguồn tài chính cho phát triển bền vững và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Đại diện Tập đoàn Credit Suisse dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt tăng trưởng khoảng 8% năm 2022, thuộc nhóm cao nhất tại Châu Á và ASEAN, đánh giá cao Việt Nam duy trì tốt động lực xuất khẩu nhờ hệ thống các Hiệp định thương mại tự do đang có hiệu lực, duy trì được tính ổn định của thị trường tài chính, tiền tệ trong nước trước các thách thức từ bên ngoài, không phải chịu áp lực nợ công, là một trong những điểm đến hàng đầu về thu hút đầu tư nước ngoài trong ASEAN, duy trì dòng vốn đầu tư hiệu quả dù bối cảnh Covid-19.
Quỹ đầu tư Warburg Pincus nhấn mạnh Việt Nam là một trong những địa bàn đầu tư hấp dẫn nhất tại Đông Nam Á và Quỹ đến nay đã đầu tư 2 tỷ USD vào Việt Nam; cho rằng trong thời gian tới, Việt Nam cần quan tâm đến ba yếu tố để thu hút hơn nữa nguồn vốn của các quỹ đầu tư, đó là: duy trì môi trường đầu tư ổn định, nhất là trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động; chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng và hạ tầng mềm của nền kinh tế về năng lực tài chính, hệ thống y tế, chuyển đổi năng lượng bền vững, năng lực thực thi chính sách hiệu quả...; và chú trọng tính bền vững của các dự án đầu tư nước ngoài.
Hội nghị cũng thảo luận, chia sẻ các mô hình quỹ đầu tư công trên thế giới và khuyến nghị đối với Việt Nam. Đại diện các quỹ đầu tư và tổ chức quốc tế như Temasek, Jardine Matheson, Standard Chartered Bank, Vina Capital... và các doanh nghiệp nhấn mạnh nhu cầu của Việt Nam đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển bền vững trong dài hạn; đưa ra nhiều đề xuất, khuyến nghị về nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và tiến trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước Việt Nam trong thời gian tới.