Nhà đầu tư nước ngoài rút vốn kỷ lục khỏi Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút lượng tiền kỷ lục 15 tỷ USD khỏi thị trường Trung Quốc trong quý II/2024, theo dữ liệu từ Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc.
Kho thép cuộn tại một nhà máy ở Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Kho thép cuộn tại một nhà máy ở Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Ảnh: AFP

Các khoản nợ đầu tư trực tiếp của Trung Quốc trong cán cân thanh toán đã giảm gần 15 tỷ USD trong quý II/2024, đánh dấu lần thứ hai con số này chuyển sang trạng thái âm, theo dữ liệu từ Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc. Tổng kết 6 tháng đầu năm, con số này đã giảm khoảng 5 tỷ USD.

Nếu đà suy giảm trên vẫn tiếp tục trong nửa cuối năm, 2024 sẽ lần đầu tiên ghi nhận dòng vốn ròng chảy ra khỏi Trung Quốc, kể từ năm 1990 - thời điểm bắt đầu ghi nhận dữ liệu đối chiếu.

Đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc đã giảm mạnh trong những năm gần đây sau khi đạt mức kỷ lục 344 tỷ USD vào năm 2021. Nền kinh tế Trung Quốc chững lại và căng thẳng địa chính trị gia tăng đã khiến một số công ty nước ngoài giảm mức độ tiếp xúc của họ với thị trường Trung Quốc, cộng với sự chuyển dịch nhanh chóng sang xe điện ở Trung Quốc cũng khiến các công ty ô tô nước ngoài trở tay không kịp, khiến một số công ty phải rút khỏi thị trường hoặc thu hẹp quy mô đầu tư.

Cách đây ít ngày, tập đoàn thép Nhật Bản Nippon Steel tuyên bố sẽ rút khỏi một liên doanh tại Trung Quốc khi các khách hàng hàng đầu của họ là những nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đang phải gồng mình để duy trì thị phần tại Trung Quốc.

Cụ thể, Baoshan Iron & Steel Co. đã đồng ý mua 50% cổ phần của Nippon Steel tại Baosteel-Nippon Steel Automotive Steel Sheets với giá 1,8 tỷ nhân dân tệ (tương đương 247 triệu USD). Thỏa thuận này sẽ biến nhà máy được thành lập vào năm 2004 thành công ty con do nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới sở hữu hoàn toàn.

Theo đánh giá của các nhà phân tích của Nomura Securities, quyết định rút khỏi liên doanh Baosteel của Nippon Steel là "có thể hiểu được trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung".

Sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đang buộc các công ty Nhật Bản - một trong những khách hàng mua thép tấm lớn nhất - phải cắt giảm sản lượng và nhân sự hoặc, trong trường hợp của Mitsubishi Motors phải rút lui hoàn toàn. Điều đó có nghĩa là đầu tư của Nhật Bản vào Trung Quốc giảm, với khối lượng trong quý I/2024 giảm xuống mức thấp nhất kể từ ít nhất năm 2014.

Các thương hiệu Nhật Bản chiếm 15% thị trường ô tô bán ra tại Trung Quốc trong quý I, giảm so với mức 21% của 5 năm trước. Trong khi đó, các nhà sản xuất Trung Quốc mà dẫn đầu là các hãng xe điện, hiện chiếm 53% thị phần, tăng vọt từ mức 37%.

Theo Bloomberg, Honda Motor sẽ cắt giảm 19% công suất sản xuất ô tô chạy bằng xăng tại Trung Quốc. Hãng xe Nhật Bản nêu trong một tuyên bố mới đây rằng họ sẽ đóng cửa một dây chuyền sản xuất và cho ngừng hoạt động một dây chuyền khác từ tháng 10.

Nippon Steel - nhà sản xuất thép lớn nhất Nhật Bản - được cho là doanh nghiệp giúp khởi động ngành công nghiệp thép Trung Quốc vào cuối những năm 1970 bằng cách cung cấp công nghệ và chuyên môn cho đối tác Baosteel.

Động thái cắt giảm hoạt động kinh doanh với thị trường Trung Quốc là một sự thay đổi chiến lược trong bối cảnh Nippon Steel đang tìm cách mở rộng kinh doanh tại Ấn Độ và Mỹ.

Sự sụt giảm đầu tư vào Trung Quốc diễn ra bất chấp những nỗ lực ngày càng lớn của Bắc Kinh nhằm thu hút và giữ chân đầu tư nước ngoài, sau khi mức tăng đầu tư nước ngoài vào nước này xuống thấp nhất vào năm ngoái.

Dữ liệu của Cơ quan quản lý ngoại hối nhà nước Trung Quốc theo dõi dòng tiền ròng có thể phản ánh xu hướng lợi nhuận của các công ty nước ngoài cũng như những thay đổi về quy mô hoạt động của họ tại Trung Quốc. Các công ty đa quốc gia có nhiều lý do hơn để giữ tiền mặt ở nước ngoài thay vì ở Trung Quốc, vì các nền kinh tế phát triển đã tăng lãi suất trong khi Bắc Kinh đang hạ lãi suất để kích thích nền kinh tế.

Các số liệu trước đó của Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài mới vào nước này trong nửa đầu năm này đạt mức thấp nhất kể từ khi đại dịch xuất hiện vào năm 2020.

Trong khi đó, đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc lại đạt kỷ lục trong quý II/2024, với 71 tỷ USD đầu tư ra các thị trường bên ngoài, tăng hơn 80% so với con số 39 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái.

Tin bài liên quan