Ông Hsieh Sheng Ming (quốc tịch Đài Loan) là nguyên đơn của vụ án.
Theo bản án sơ thẩm, từ năm 1991, ông Ming mở Công ty TNHH Hoa Trang tại Bình Dương và TPHCM. Khi đó, pháp luật Việt Nam không cho phép người nước ngoài đứng tên, ông Ming đã nhờ 2 người Việt Nam trong nước là ông Nguyễn Hữu Kh. Và bà Trần Yến S. thành lập công ty, đứng tên tài sản trong đó có căn nhà ở quận 12, TPHCM.
Ông Ming trả thù lao cho 2 người này bằng 3% giá trị căn nhà.
Trong đó ông Ming, đã bỏ ra 1,8 tỷ đồng để mua căn nhà trên và sửa chữa, cải tạo với diện tích 900m2.
Năm 2002, Công ty Hoa Trang hoạt động không hiệu quả nên giải thể. Công ty bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ông Ming đã thông báo cho ông Kh. và bà S. về việc bàn giao lại tài sản.
Tranh chấp xảy ra khi ông Kh. không thực hiện đúng cam kết, mà còn cầm giấy tờ nhà đất để làm thủ tục đứng tên căn nhà trên.
Năm 2003, ông Kh. mang căn nhà trên để góp vốn vào Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nhân Ái. Năm 2010, ông Kh. tiếp tục thế chấp căn nhà trên để bảo lãnh cho Công ty cổ phần Quản trị tài nguyên Tri thức vay 53 tỷ đồng. Hiện nay VAMC đã nhận mua khoản nợ trên.
Do đó, ông Ming khởi kiện ra tòa án, đề nghị tòa án công nhận quyền sở hữu của ông với căn nhà trên. Buộc ông Kh. trả lại sổ đỏ căn nhà. Đồng thời tuyên bố hợp đồng thế chấp căn nhà vô hiệu. Tuyên bố giao dịch góp vốn của ông Kh. vô hiệu. Hủy giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất do ông Kh. đứng tên.
Kết quả định giá xác định giá căn nhà trên là 39,8 tỷ đồng.
Phán quyết của tòa án
Trước yêu cầu khởi kiện, ông Kh. không đồng ý. Tuy nhiên, năm 2013, tòa sơ thẩm đã tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ming. Tòa án xác định ông Ming bỏ tiền mua tài sản trên nên có quyền sở hữu.
Vụ án bị kháng cáo. Năm 2016, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có quyết định giám đốc thẩm, đề nghị xét xử lại. Năm 2019, TAND TPHCM xét xử sơ thẩm lần 2, giữ nguyên quyết định chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Ming.
Sau phiên tòa trên, ông Kh. và VAMC kháng cáo. Mới đây, cấp phúc thẩm xem xét và xác định, giấy cam kết ngày 24/1/1994 và giấy xác nhận ngày 24/2/1994 của Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TPHCM có chữ ký, đóng dấu của Sở Ngoại vụ TPHCM.
Các giấy tờ thể hiện ông Kh., bà S. đã cam kết và tái xác nhận nhà đất trên là thuộc sở hữu của ông Ming. Hai người chỉ đứng tên giúp ông Ming, là người làm công ăn lương.
Tòa xác định, ông Ming đã đưa tiền ngoại tệ cho ông Kh. để mua căn nhà trên và đứng tên. Giao dịch này vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Đồng nghĩa là việc UBND quận 12 cấp sổ đỏ cho ông Kh. là không đúng pháp luật nên bị hủy bỏ.
Từ đó, các giao dịch góp vốn, thế chấp cũng vô hiệu.
Để giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, tòa án buộc ông Kh., Bệnh viện Nhân Ái phải bàn giao lại căn nhà ông Ming. Nhưng ông Ming là người nước ngoài nên được sở hữu giá trị đối với nhà đất trên.
Với hợp đồng thế chấp, Công ty Tri Thức và Bệnh viện Nhân Ái tự giải quyết với ngân hàng.
Còn tiền thù lao, ông Ming phải thanh toán cho ông Kh. 1,19 tỷ đồng.