Nhiều ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, tại Luật Chuyển giao công nghệ 2017 và Nghị định 76/2018/NĐ-CP, phạm vi yêu cầu đăng ký quá rộng đang cản trở hoạt động đầu tư, bởi quy trình chuyển giao công nghệ và việc thực hiện các thoả thuận chuyển giao công nghệ bị kéo dài.
Không chỉ vậy, định nghĩa về “công nghệ” quá rộng cho mục đích đăng ký được đưa vào Luật Chuyển giao công nghệ dường như làm các vấn đề này thêm trầm trọng. Bởi định nghĩa này áp dụng cho không chỉ giải pháp, quy trình và bí quyết trong lĩnh vực sản xuất, mà cả trọng lĩnh vực dịch vụ.
Do vậy, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2019, ông Frederick Burke, Trưởng nhóm công tác đầu tư - thương mại đề xuất, Bộ Khoa học và Công nghệ có thể thu hẹp các trường hợp phải đăng ký để chỉ áp dụng trong những trường hợp thực sự cần thiết. Đồng thời, làm rõ định nghĩa công nghệ để nhà đầu tư có thể nắm bắt chắc chắn những hoạt động và quy trình nào thuộc hoặc không thuộc phạm vi đăng ký.
Ngoài ra, một vấn đề cũng được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là các quy định trong Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Theo đánh giá của Nhóm công tác đầu tư - thương mại, Quyết định này, ở một mức độ nhất định, đã thể hiện sự linh hoạt trong việc nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng. Tuy nhiên, vẫn còn có những quy định thiếu tính thực tiễn, cụ thể là quy định về công suất còn lại và mức tiêu hao nhiên liệu so với thiết kế.
Phân tích cụ thể, ông Frederick Burke cho rằng, mục đích của quy định về nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng là đảm bảo các yếu tố an toàn, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và tránh công nghệ lạc hậu. Tuy vậy, các tiêu chí đặt ra không những không đảm bảo được mục tiêu đặt ra, mà còn gây phức tạp và tốn kém cho doanh nghiệp.
“Quy định về công suất còn lại và mức tiêu hao nhiên liệu so với thiết kế không có vai trò trong vấn đề an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường, do các điều kiện về đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn của các nước G7, Hàn Quốc đã làm tốt vai trò này”, ông Frederick Burke nhìn nhận.
Phản hồi những ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng chia sẻ, việc đăng ký với lĩnh vực chuyển giao công nghệ hiện nay được thực hiện nhằm giúp Việt Nam quản lý tốt những công nghệ lạc hậu, tránh biến Việt Nam trở thành bãi rác công nghệ, bãi rác trang thiết bị, điều đã xảy ra trong thực tế thời gian qua.
Nhưng dù như vậy, Bộ Khoa học và Công nghệ vẫn luôn nỗ lực nhằm tạo điều kiện cho hoạt động doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng việc đưa ra các giải pháp để đơn giản hóa thủ tục đăng ký, đơn cử quy trình đăng ký chỉ còn 5 ngày thay vì 15 ngày như trước đây.
“Những thủ tục đăng ký chuyển giao công nghệ của doanh nghiệp được chúng tôi đưa vào các quy định nhằm giúp cơ quan quản lý, nhưng không gây mất thời gian, gây phát sinh những thủ tục phức tạp với doanh nghiệp”, Thứ trưởng Tùng khẳng định.
Về những phản ánh liên quan đến Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg, Thứ trưởng Trần Văn Tùng cho rằng, trong Quyết định này đã có những quy định giúp doanh nghiệp nhập máy móc, trang thiết bị cũ về với cơ chế thuận lợi hơn trước đây. Nếu như trong các quy định cũ, quy định cứng máy móc, trang thiết nhập về phải là loại sử dụng chưa đến 10 năm, thì giờ đây, đã phân thành những dải thời gian để phù hợp với từng loại ngành nghề, lĩnh vực.
“Để đảm bảo Việt Nam không là bãi thải công nghệ, ngăn chặn tình trạng máy móc cũ tràn về Việt Nam, chúng tôi quy định các máy móc, trang thiết bị đó phải sản xuất theo tiêu chuẩn của các nước G7. Đồng thời, khi nhập về Việt Nam, mức độ về tiêu hao năng lượng, công suất còn lại phải ở mức chấp nhận được. Điều này đảm bảo máy móc, dây chuyền nhập về Việt Nam là máy móc đang hoạt động và đáp ứng yêu cầu, phục vụ sản xuất của doanh nghiệp”, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ phản hồi.