Nhà đầu tư nước ngoài đua mua cổ phiếu họ Vin, VN-Index lên cao nhất gần 1 năm

Nhà đầu tư nước ngoài đua mua cổ phiếu họ Vin, VN-Index lên cao nhất gần 1 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù chịu áp lực chốt lời khá lớn, nhưng lực mua vào vẫn chiếm ưu thế giúp VIC duy trì sắc tím vững chắc, cùng với đà tăng của 2 người anh em khác là VHM và VRE, góp phần kéo VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất gần 1 năm.

Tâm điểm của phiên giao dịch hôm nay chính là nhóm cổ phiếu nhà Vingroup khi Vinfast đã có phiên chào sàn chứng khoán Nasdaq của Mỹ quá rực rỡ. Sự kiện được ví như “cậu út” giành huy chương vàng Olympic, giúp cả nhà thơm lây.

Ngay khi thị trường chưa mở cửa, nhiều nhà đầu tư đã dự báo về phiên giao dịch đầy sắc tím của VIC và diễn biến sau đó đã không nằm ngoài dự đoán này. Dòng tiền ồ ạt được tung vào giúp VIC tăng trần ngay từ khi mở cửa phiên. Dù có đôi lúc rung lắc do áp lực chốt lời của một số nhà đầu tư “thạo tin” đi tắt đón đầu 2 tuần trước, giờ đã có mức lợi nhuận lớn, nên tin ra là bán, nhưng do lực cầu quá lớn giúp VIC nhanh chóng trở lại với mức trần với thanh khoản rất tốt.

Không chỉ nhà đầu tư trong nước, mà nhà đầu tư nước ngoài cũng tranh mua, đặt niềm tin vào VIC sau pha chào sân quốc tế ấn tượng của Vinfast. Trong phiên hôm nay, nhà đầu tư nước ngoài mua ròng tới 2,46 triệu cổ phiếu VIC, tương đương giá trị mua ròng 186 tỷ đồng, góp phần hấp thụ hoàn toàn lượng cung chốt lời.

Trong phiên chiều, áp lực chốt lời tiếp tục được tung vào, nhưng do lực cầu đợi mua quá lớn, nên không có tác động nhiều về giá, mà chỉ giúp thanh khoản của VIC tăng thêm, còn lượng dư mua trần giảm xuống.

Chốt phiên, VIC đứng ở mức trần 75.600 đồng/CP với tổng khối lượng khớp 19,4 triệu đơn vị, đứng Top 8 về thanh khoản trên sàn HOSE, dư mua trần chỉ còn hơn 3 triệu đơn vị, so với 6,3 triệu của phiên sáng.

Không chỉ VIC, 2 mã khác của nhà Vingroup cũng được nhà đầu tư nước ngoài ưu ái trong phiên hôm nay, trong đó VHM được mua vào 2,17 triệu đơn vị, đứng thứ 4 trong số các mã được mua vào nhiều nhất, nhưng khối ngoại cũng bán ra mạnh mã này với 2,84 triệu đơn vị, nên chung cuộc bán ròng 670.000 đơn vị. Tuy nhiên, lực cầu trong nước đủ mạnh giúp VHM cũng có mức tăng khá tốt 1,9%, lên 62.900 đồng, khớp 6,37 triệu đơn vị.

Trong khi đó, VRE lại là mã được mua vào nhiều nhất với 5,24 triệu đơn vị, trong khi chỉ bán ra 1,84 triệu đơn vị, theo đó khối ngoại mua ròng 3,4 triệu cổ phiếu VRE, cao nhất về khối lượng, tương đương giá trị mua ròng 107,6 tỷ đồng, đứng thứ 2 sau VIC. Tuy nhiên, về mức giá, VRE là mã có mức tăng khiêm tốn nhất trong nhà khi chỉ tăng 0,6% lên 31.500 đồng, khớp 11,8 triệu đơn vị.

Riêng bộ 3 cổ phiếu nhà Vin đã mang về cho VN-Index khoảng 6 điểm trong phiên giao dịch hôm nay.

Ngoài nhà Vin, hôm nay nhóm ngân hàng cũng có phiên giao dịch tích cực với sắc bao phủ trong nhóm, chỉ có 2 sắc đỏ nhạt tại CTG và SHB, cùng SSB đứng giá tham chiếu. Sự khởi sắc của các mã trụ đã giúp VN-Index có phiên giao dịch tích cực khi tăng hơn 9 điểm, đóng cửa ở mức cao mới của năm và là mức đóng cửa cao nhất kể từ 15/9/2022.

Chốt phiên, VN-Index tăng 9,21 điểm (+0,75%), lên 1.243,26 điểm với 217 mã tăng và 243 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 930,7 triệu đơn vị, giá trị 20.918,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 65 triệu đơn vị, giá trị 1.898,6 tỷ đồng.

Trong nhóm ngân hàng, STB là mã có thanh khoản tốt nhất với 44,95 triệu đơn vị và cũng là mã tăng tốt nhất nhóm khi đóng cửa tăng 4,4% lên 32.900 đồng. Tiếp đến là VPB khớp 39,59 triệu đơn vị, đứng thứ 4 trên sàn và đóng cửa tăng 1,8% lên 22.400 đồng. TCB có mức tăng 3,7% lên 35.300 đồng… Trong khi đó, dù giảm nhẹ 0,4% xuống 12.900 đồng, nhưng SHB có thanh khoản tốt với 16,73 triệu đơn vị.

Nhóm bất chứng khoán và bất động sản hôm nay cũng hút tiền khi mã đứng thứ 2 về thanh khoản trên sàn là VIX với 43,47 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,4% lên 18.250 đồng; VND cũng khớp 26,66 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,9% lên 21.300 đồng; SSI tăng 0,5% lên 28.850 đồng, khớp 15 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản có NVL khớp 41 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa giảm nhẹ 0,5% xuống 20.650 đồng, trong khi DIG tăng 4% lên 28.500 đồng, khớp 31,5 triệu đơn vị; DXG cũng tăng 1,7% lên 20.750 đồng, khớp 22,61 triệu đơn vị. Trong khi đó, dù có thanh khoản không cao, nhưng TDH lại đóng cửa ở mức kịch trần 6.430 đồng. Các mã tăng mạnh khác trong nhóm bất động sản có NHA tăng 4,4% lên 24.000 đồng, DXS tăng 3% lên 11.900 đồng, SJS và VPH tăng trên dưới 2%, hay PDR cũng tăng 1,8% lên 22.800 đồng.

Trong khi đó, nhóm thép lại có vẻ yếu thế hơn khi các mã dẫn dắt đều chìm trong sắc đỏ, dù mức giảm không lớn, riêng HPG đứng tham chiếu 27.950 đồng.

Trên sàn HNX, nửa đầu phiên chiều giằng co nhẹ quanh tham chiếu, sau đó bứt lên và giữ đà tăng tốt cho đến khi hết phiên.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,11 điểm (+0,44%), lên 252,56 điểm với 79 mã tăng và 109 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 109,4 triệu đơn vị, giá trị 2.099 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6 triệu đơn vị, giá trị 98 tỷ đồng.

CEO hôm nay là ngôi sao sáng của sàn HNX sau thông tin Chủ tịch HĐQT và thành viên Ban lãnh đạo đăng ký mua lượng cổ phiếu phát hành thêm. Chốt phiên, CEO tăng 8,1% lên 25.300 đồng, khớp 21,15 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX, đẩy SHS xuống vị trí số 2 về thanh khoản với 14,71 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,6% lên 16.700 đồng.

PVS đứng thứ 3 về thanh khoản với 5,92 triệu đơn vị và đóng cửa tăng nhẹ 0,3% lên 34.700 đồng. Tiếp đến là HUT với 3,81 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 27.000 đồng.

Thị trường UPCoM chủ yếu giao dịch dưới tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên chiều, nhưng bất ngờ đảo chiều đi lên trong những phút cuối phiên và cuối cùng cũng kịp vượt vạch xuất phát khi đóng cửa.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,19 điểm (+0,2%), lên 93,67 điểm với 153 mã tăng và 136 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,7 triệu đơn vị, giá trị 1.053,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,1 triệu đơn vị, giá trị 201,9 tỷ đồng.

Khác với 2 sàn niêm yết, cả 3 mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM hôm nay đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, BSR đóng cửa giảm 2,4% xuống 20.200 đồng, khớp 12,19 triệu đơn vị, C4G giảm 0,6% xuống 15.400 đồng, khớp 2,54 triệu đơn vị, DGT giảm 1% xuống 9.800 đồng, khớp 2,18 triệu đơn vị.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ hôm nay có 3 lệnh giao dịch với tổng khối lượng 850.400 trái phiếu, giá trị 82,62 tỷ đồng, trong đó riêng BID12203 của BID đã có 850.000 đơn vị được chuyển nhượng, giá trị gần 82,6 tỷ đồng, số còn lại là VIF12207 của Vinfast với 400 đơn vị, giá trị gần 40 triệu đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 hôm nay đều tăng tương đương thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 8 là VN30F2308 tăng 14,3 điểm (+1,2%), lên 1.255,3 điểm với 186.888 hợp đồng được chuyển nhượng, tương đương giá trị 23.385,6 tỷ đồng, khối lượng mở 38.532 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, thanh khoản hôm nay khá tốt với 11 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó mã có thanh khoản tốt nhất là CVPB2214 do HSC phát hành với 3,64 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 12,6% lên 1.430 đồng. Có 3 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là CSTB2304 do KIS phát hành, CVRE2220 do HSC phát hành và CMBB2211 do SSI phát hành, trong đó chỉ có CMBB2211 là đóng cửa giảm 16,7% xuống 50 đồng, 2 mã còn lại đều tăng lần lượt là 16% lên 1.160 đồng và 18% lên 590 đồng.

Tin bài liên quan