Luôn chọn hai chữ: tử tế
Gần đây, Lê Hàn Tuệ Lâm, Tổng đối tác của Nextrans quyết định gia nhập Shark Tank Việt Nam. Động thái này được nhiều người cho rằng, các nhà đầu tư “cá mập” (Shark) đang tìm kiếm những khoản đầu tư bền vững vào các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giáo dục (edTech), công nghệ nông nghiệp (agriTech) và công nghệ xanh.
Với sự chú trọng đầu tư giai đoạn đầu và tiếp tục hỗ trợ các start-up trong các đợt tài trợ tiếp theo, Tuệ Lâm mang đến hương vị đầu tư bền vững cũng như các ngành công nghiệp được cho là gắn bó chặt chẽ với các giá trị cốt lõi của Việt Nam. Các khoản đầu tư này có giá trị từ 100.000 đến 500.000 USD. Trong các trường hợp đặc biệt, các nhà khởi nghiệp với mô hình kinh doanh triển vọng và những nhà sáng lập thực sự có tầm nhìn có thể nhận được khoản đầu tư lên đến 1 triệu USD hoặc 2 triệu USD.
Để đưa ra quyết định đầu tư, Shark Tuệ Lâm dựa vào 3 tiêu chí: đội ngũ sáng lập, thị trường và sản phẩm. “Những người sáng lập tốt, nhưng một thị trường không đủ lớn hoặc một sản phẩm không đề cập đến ‘điểm đau’ của thị trường không phải là những công ty mà tôi đang tìm kiếm”, Tuệ Lâm chia sẻ.
Khi thông tin Tuệ Lâm có cơ hội ngồi vào chiếc ghế “quyền lực” của Chương trình Shark Tank được công bố, trên mặt báo và mạng xã hội tràn ngập những bài phân tích đủ các góc cạnh về nhà đầu tư nữ này.
Tuy nhiên, đối với Tuệ Lâm, đó đơn thuần là vị trí cho cô cơ hội gặp nhiều nhà sáng lập, tìm kiếm cơ hội đầu tư và học hỏi từ chính họ, cũng như từ các Shark đàn anh trong Chương trình.
Từ triết lý đầu tư của Quỹ Nextrans và phương châm làm việc của mình, cô mong muốn được tập trung vào lĩnh vực chuyên môn: đánh giá các cơ hội đầu tư và đồng hành cùng những nhà sáng lập tài năng.
“Tôi còn trẻ, tôi không phủ nhận trong nhiều tình huống tôi có thể xử lý chưa trọn vẹn, nhưng tôi sẽ luôn cố gắng học hỏi và rút kinh nghiệm, như cách mà tôi đã làm suốt gần 5 năm qua tại Nextrans”, Tuệ Lâm nói.
Cần phải nhắc lại là, nhà đầu tư này trước và sau khi lên Shark Tank không có gì thay đổi. Cô khẳng định: “Tôi vẫn sẽ giữ vững triết lý đầu tư và quan điểm sống của mình. Và nếu cần một từ để mọi người nhớ về mình, tôi chỉ chọn hai chữ: tử tế”.
Tìm kiếm những góc nhìn khác biệt
Theo báo cáo do Investing In Women và Value For Women công bố, 80% các thương vụ đầu tư qua lăng kính nữ giới trong khu vực Đông Nam Á được thực hiện tại 3 quốc gia là Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Đầu tư qua lăng kính giới là một khái niệm khá mới. Phong cách đầu tư qua lăng kính giới đề cập các yếu tố liên quan đến bình đẳng giới trong phân tích và đưa ra quyết định đầu tư. Với cách tiếp cận đầu tư này, phụ nữ không chỉ là người hưởng lợi, mà còn là đối tượng tạo ra thay đổi. Họ có thể làm việc để tạo ra thu nhập, hoặc chính họ là khách hàng.
Bà Virginia Tan, đối tác đầu tư sáng lập của Teja Ventures cho rằng, cùng với những tác động tích cực, đầu tư có tính đến yếu tố giới vẫn còn những định kiến về mặt nhận thức về cách tiếp cận.
Là một quỹ đầu tư mạo hiểm tiên phong và kiên trì với triết lý đầu tư qua lăng kính giới tại châu Á, Teja Ventures ứng dụng 3 góc nhìn chính khi lựa chọn doanh nghiệp: start-up có ít nhất một thành viên sáng lập là nữ; có sản phẩm hoặc dịch vụ dành cho hoặc tạo thuận lợi cho phụ nữ; và tạo tác động tích cực cho phụ nữ trong hệ sinh thái. Trong đó, phụ nữ có thể đóng vai trò là khách hàng, người lao động, hoặc nhà phân phối.
Theo thống kê của Hiệp hội CFA, chỉ có 1 người phụ nữ trong tổng số 5 thành viên của Hiệp hội, tức là chỉ chiếm khoảng 20%. Số lượng nữ giới là thành viên của hiệp hội và quản lý quỹ hay lãnh đạo công ty quản lý quỹ chiếm khoảng 10%.
Thống kê này cho thấy, hầu hết ngành quản lý quỹ là do nam giới làm chủ. Nguyên do bởi ngành này yêu cầu sự di chuyển nhiều, đặc biệt là những quỹ đầu tư ở trên toàn thế giới hay đầu tư vùng. Đó là một cản trở rất lớn cho các nhà đầu tư nữ.
Vicky Saunders, nhà sáng lập tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp SheEO, người có bề dày kinh nghiệm vận hành các doanh nghiệp khởi nghiệp tại châu Âu và Silicon Valley cho rằng, những đổi mới sáng tạo luôn sinh ra ở những vùng ngoại vi, những yếu tố không cố định. Cô khuyến khích các nhà đầu tư, nữ doanh nhân hãy mạnh dạn “phá vỡ bong bóng” và tìm kiếm những góc nhìn khác biệt, ở những thị trường còn nhiều tiềm năng.
Đặc biệt, hiện việc đầu tư xuyên biên giới mở ra những cơ hội rất lớn cho danh mục đầu tư. Virginia Tan đã làm việc với các đối tác ở nhiều hệ sinh thái khác nhau từ các châu lục, với những quỹ đầu tư lớn như
Sequoia, Temasek, Tim Draper hay Google, Amazon. Nhà sáng lập Quỹ Teja Ventures cũng tiết lộ sẽ đầu từ vào các thị trường đang nổi tại Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia, nhằm tạo động lực thúc đẩy tinh thần kinh doanh cho phụ nữ trẻ, bởi khu vực này đang ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư.
“Khu vực Đông Nam Á đang trong thời kỳ dân số vàng và trong khoảng 10 năm kế tiếp, tầng lớp trung lưu sẽ thúc đẩy sự phát triển. Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ là những đầu tàu của khu vực kinh tế lớn thứ tư thế giới này”, bà Virginia Tan nhận định.
Còn theo Vicky Saunders, nhìn từ lăng kính giới, có thể thấy, phụ nữ đặc biệt quan tâm vào đối tượng mà họ đầu tư thực sự tạo ra tác động và góp phần thay đổi tích cực cho cộng đồng.
Xu hướng đầu tư này đang thâm nhập mạnh mẽ vào thế giới đầu tư. Nếu đi ngược lại xu hướng, đồng nghĩa nhà đầu tư đánh mất lợi thế cạnh tranh bằng cách tận dụng tài nguyên từ doanh nghiệp và giới thiệu doanh nghiệp này tới toàn hệ sinh thái.
Tránh cú rơi khốc liệt của thị trường
Trên thực tế, rất khó để đánh giá và so sánh “tài năng” của một nhà đầu tư nữ giới với một nhà đầu tư nam giới, vì phong cách đầu tư của hai giới khác nhau. Nhìn vào danh mục đầu tư của nữ giới, chúng ta thường thấy sự an toàn nhất định (với những nhà đầu tư lâu năm), đôi khi có cả sự phi logic (với những nhà đầu tư mới), vì họ tiếp nhận thông tin từ nhiều nguồn và nhiều khi lựa chọn đầu tư theo bản năng.
Là nữ giới, nhưng Lê Hàn Tuệ Lâm cũng không thể “bênh” phái nữ khi thấy khá nhiều chị em bị cảm xúc chi phối trong đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, có một điều phái yếu làm tốt hơn phái mạnh trong đầu tư, đó là họ biết sợ. Vì thế, họ có khả năng tránh được những cú rơi khốc liệt của thị trường hơn nam giới.
Theo số liệu gần nhất ở Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), khoảng 48,5% nhà đầu tư là nữ và chiếm khoảng 49,5% về giá trị.
Tuy nhiên, nếu so sánh 2 quỹ thành lập gần nhau là quỹ cổ phiếu hàng đầu VCBF-BCF và quỹ cân bằng chiến lược VCBF-TBF, thì quỹ cân bằng chiến lược lại có tỷ lệ nhà đầu tư nữ tham gia nhiều hơn, chiếm trên 51% và giá trị đầu tư chiếm gần 54%.
Những số liệu này cho thấy, nhà đầu tư nữ có xu hướng lựa chọn các khoản đầu tư có tính rủi ro thấp hơn, an toàn hơn.
Tuy vậy, cũng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, dù nhà đầu tư nữ ít mạo hiểm, nhưng lợi nhuận mà họ đạt được lại cao hơn so với nhà đầu tư nam.
Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó tổng giám đốc VCBF, phụ nữ ngày càng tham gia đầu tư tài chính nhiều hơn. Với đặc tính tỉ mẩn, chỉn chu và luôn chuẩn bị cho những tình huống có thể xảy ra trong tương lai…, mà kết quả đầu tư của nữ giới thường hiệu quả hơn nam giới, nhất là trong bối cảnh khó khăn.
Với Lê Hàn Tuệ Lâm, thì việc đầu tư từ nhiều năm nay đã trở thành kênh tích lũy tài sản. Quan điểm của cô cũng rất rõ ràng: chỉ đầu tư vào những thứ mình biết và hiểu rõ.
“Tôi tin rằng, không có phương thức nào làm giàu nhanh chóng. Chúng ta đều cần tích lũy: tích lũy kiến thức, tiền bạc và mạng lưới, rồi hãy nghĩ đến chuyện làm giàu”, Tuệ Lâm chia sẻ.
Trong khi đó, Hoàng Thị Kim Dung, Giám đốc Genesia Ventures tại Việt Nam cho rằng, trong nghề đầu tư khởi nghiệp, nhà đầu tư phải không ngừng phải học hỏi, hoàn thiện và phát triển cùng các start-up. Do đó, cô luôn có một “áp lực tích cực”, đó là mình của hôm nay phải tốt hơn hôm qua và ngày mai phải phát triển hơn hôm nay.
Có thể nói, công việc đầu tư đòi hỏi một guồng quay làm việc và phát triển bản thân liên tục, nếu không, rất dễ bị bỏ lại sau.
“Điều tệ nhất là mình trở thành ‘nút thắt cổ chai’, làm cản trở sự phát triển cho quỹ cũng như các start-up mình đầu tư ở hiện tại và tương lại”, Giám đốc Genesia Ventures tại Việt Nam chia sẻ.