Nhà đầu tư nói gì về lô đất đấu giá 262 triệu đồng/m2 tại quận Hà Đông?

0:00 / 0:00
0:00
Các nhà đầu tư đang có nhìn nhận trái chiều về lô đất đấu giá cao kỷ lục tại quận Hà Đông. Có người còn khẳng định, người đấu trúng thửa đất có giá cao nhất sẽ dùng để xây nhà ở, thay vì rao bán như các lô khác.

Trước thông tin về phiên đấu giá 27 lô đất tại quận Hà Đông (Hà Nội), đặc biệt là lô đất có giá trúng 262 triệu đồng/m2, phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với những nhà đầu tư có nhiều năm kinh nghiệm “chinh chiến" tại khu vực này để ghi nhận ý kiến.

Với góc nhìn của anh T.N, người đã trực tiếp tham gia phiên đấu giá này, mức giá 262 triệu đồng/m2 không phải là một con số quá “trên trời" đối với một lô góc tại phường Phú Lương. Người này còn tiết lộ thêm rằng, người đấu trúng thửa đất trên là một vị đại gia và đã nhắm tới mảnh đất này từ năm 2019.

“Lô đất 1A - 03 tại khu Đồng Đanh - Đồng Cộc, phường Phú Lương được vị đại gia mua để ở chứ không bán. Trong khi đó, hầu hết các lô đất đấu giá khác đều do các ‘thợ' đấu trúng. Bản thân tôi cũng đã góp tiền mua một lô 166 triệu đồng/m2 tại khu Hạ Khâu”, anh T.N cho biết.

Bản đồ khu đất đấu giá Đồng Đanh - Đồng Cộc, phường Phú Lương.

Bản đồ khu đất đấu giá Đồng Đanh - Đồng Cộc, phường Phú Lương.

Nhân vật này còn chia sẻ thêm rằng, nhiều lô đất đấu giá tại Hà Đông đang được các hội, nhóm rao bán lại với mức chênh khoảng 600 triệu đồng so với giá trúng. Tuy nhiên, con số này không hề cố định. Sau các phản ứng ban đầu của thị trường, khoản chênh nay đã hạ xuống còn khoảng 260 triệu đồng.

“Khả năng phiên đấu giá đất tại quận Hà Đông sẽ không bỏ cọc nhiều như phiên đấu giá 68 lô đất ở huyện Thanh Oai. Nếu chấp nhận hạ mức giá chênh xuống, các đội vẫn sẽ túc tắc bán được hàng", anh T.N đánh giá.

Nhân vật T.N từng là người tiết lộ các thông tin đấu giá đất tại huyện Thanh Oai, Hoài Đức và đưa ra kết quả bỏ cọc tương đối chính xác. Tuy nhiên, các nhận định liên quan đến phiên đấu giá tại quận Hà Đông của người này vẫn cần được thời gian kiểm chứng.

Trái với những ý kiến của anh T.N, chị Mai Hương, một nhà đầu tư chuyên phân khúc thổ cư, lại cho rằng mức giá 262 triệu đồng/m2 đối với một lô đất tại phường Phú Lương là quá cao. Thị trường chỉ chấp nhận giá bán “kịch kim" khoảng 220 triệu đồng/m2. Nếu vượt qua mức trên, khả năng thanh khoản sẽ sụt giảm nghiêm trọng.

Theo quan điểm của chị Xuân Trang, một nhà đầu tư chuyên “lướt sóng" đất nền, cùng với số tiền 15 tỷ đồng - mức giá của lô đất đắt nhất trong phiên đấu giá vừa qua tại Hà Đông, người mua hoàn toàn có thể sở hữu một mảnh đất đấu giá có diện tích 75 m2, đường rộng 25 m tại phường Cự Khối, quận Long Biên.

“Khi đặt các bất động sản lên cùng một bàn cân thì nhà đầu tư mới thấy, liệu giá trị lô đất có xác đáng hay không. Với mức giá trúng dao động từ 146 -183 triệu đồng/m2, chưa tính đến khoản tiền bán chênh, tôi e là phiên đấu giá tại Hà Đông sẽ bỏ cọc tương đối nhiều", chị Trang bình luận.

Tại phiên đấu giá 27 lô đất tại quận Hà Đông, mức tiền đặt cọc đang dao động trong khoảng 221 - 436 triệu đồng/thửa. Trước đó, tại phiên đấu giá 68 lô đất tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai - nơi có 55/68 lô đất bị bỏ cọc, mức tiền đặt trước cao nhất cũng chỉ khoảng 214 triệu đồng/thửa.

Hiện các luồng quan điểm chỉ mang tính chất tham khảo. Kết quả cuối cùng chỉ có thể được đưa ra vào ngày nộp tiền theo quy định. Căn cứ vào Nghị định 10/2023/NĐ-CP, trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc nộp không đủ tiền trúng đấu giá đất trong vòng 120 ngày, kể từ ngày có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá, UBND cấp có thẩm quyền sẽ hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá đất.

Như vậy, dự kiến đến tháng 2/2025, thị trường mới có câu trả lời chính xác nhất về tính hợp lý của mức giá 262 triệu đồng/m2. Trước đó, tại phiên đấu giá tại xã Thanh Cao, huyện Thanh Oai, mức giá kỷ lục 100,5 triệu đồng/m2 đã không được người mua chấp nhận và các hội, nhóm đã phải “ngậm ngùi” mất tiền cọc. Không chỉ vậy, khu vực này còn bị “mang tiếng" thổi giá, đội giá, khiến khả năng thanh khoản bị ảnh hưởng đáng kể.

Tin bài liên quan