Trong đó, hoạt động M&A lĩnh vực tài chính, ngân hàng cũng không ngoại lệ, sẽ rất “nóng” trong thời gian tới. Điều quan trọng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài ở lĩnh vực này là cần được nới thêm room ngoại.
Ông có thể chia sẻ lý do tại sao Aozora lại chọn OCB làm đối tác tại Việt Nam?
Thực ra, từ năm 1997, AOZ trở thành 1 trong những cổ đông sáng lập ra Công ty Việt Nam Internation Leasing (VILC) và đã đầu tư vào VILC, với tỷ lệ nắm giữ 20% cổ phần trong vòng 20 năm. Tuy nhiên, nhìn vào triển vọng của thị trường Việt Nam, chúng tôi nghĩ rằng nên tìm một công ty, tổ chức tài chính có tiềm lực phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Vào năm 2017, sau một thời gian làm thành viên Hội đồng quản trị công ty VILC, tôi trở về Nhật Bản. Sau thời điểm đó, tôi cùng một số thành viên khác của Aozora thực hiện tìm các ngân hàng Việt Nam có chiến lược phù hợp.
Từ năm 2018 trở đi, tôi hầu như đã đi gặp tất cả các ngân hàng Việt Nam, thậm chí AOZ đã tiến hành thẩm định 4 ngân hàng, tổ chức tài chính. Sau tất cả chúng tôi chọn OCB.
Thứ nhất, việc chọn những đối tác có cùng hướng đi và thấu hiểu nhau rất quan trọng. OCB chỉ thuần kinh doanh ngân hàng và không có hoạt động ngoài ngành. Lý do thứ 2 là trước đây, BNP Paribas cũng đã đầu tư vào OCB, ngân hàng cũng có mối quan hệ với IFC, VinaCapital, ADB...
Với một ngân hàng liên tục được các tổ chức định chế nước ngoài tin tưởng đầu tư, điều này cho thấy hiệu quả kinh doanh, chất lượng tài sản, hệ thống quản trị rủi ro… của OCB được đánh giá rất cao. Thêm nữa là trong quá trình tìm hiểu, cấu trúc, cơ cấu vận hành… tất cả mọi thứ về ngân hàng này rất rõ ràng, minh bạch.
Đồng thời, chúng tôi nhìn ra được tiềm năng tăng trưởng của OCB rất tốt trong 3 - 5 năm tới. Và tất nhiên, khi đầu tư, mọi người đều quan tâm đến lợi nhuận. Khi ngân hàng tăng trưởng tốt thì sẽ kéo theo lợi nhuận, các chỉ số tài chính ổn định, an toàn, phát triển bền vững, đặc biệt là định hướng, giá trị cốt lõi của người lãnh đạo cao nhất – đó là những điểm chính mà chúng tôi rất quan tâm.
Aozora không phải là 1 ngân hàng lớn ở Nhật, nhưng tỷ suất lợi nhuận của chúng tôi được đánh giá là một trong những ngân hàng tốt nhất tại Nhật Bản, khoảng 21-25% một năm.
Cũng giống như Aozora, OCB không phải ngân hàng quá lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận của OCB luôn nằm trong top dẫn đầu. Triết lý kinh doanh của 2 lãnh đạo ngân hàng rất tương đồng phù hợp nhau. Aozora chọn OCB làm đối tác chiến lược bởi cùng quy mô, định hướng kinh doanh và hiệu quả hoạt động.
AOZ có ý định tăng vốn sở hữu tại OCB khi được nới thêm room ngoại hoặc khi Ngân hàng này phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn?
Tất nhiên là có! Hiện chúng tôi đang nắm 15% cổ phần tại OCB và nhìn vào góc độ dài hạn, chúng tôi xem đây là khoản đầu tư rất quan trọng của ngân hàng Aozora.
Tuy nhiên, ngoài việc là đối tác chiến lược với 15% cổ phần thì chúng tôi còn có các hiệp định ký kết hợp đồng hợp tác với nhau trong 10 năm. Cứ sau 10 năm là hiệp định này mặc định tự động làm mới lại.
Tại AOZ, chúng tôi luôn tăng vốn theo OCB để duy trì mức tối thiểu 15%, nhưng nếu có cơ hội, chắc chắn chúng tôi sẽ thỏa thuận để tăng thêm tỷ lệ sở hữu vốn tại Ngân hàng OCB khi được nới thêm room ngoại.
Với tỷ lệ sở hữu tối đa theo quy định hiện nay tại ngân hàng Việt Nam, nhiều nhà đầu tư ngoại cho rằng còn hạn chế và chưa có được tiếng nói mạnh mẽ. Vậy việc sở hữu 15% cổ phần tại OCB, AOZ đã phát huy được tiếng nói của mình hay chưa, khi cùng OCB có những chiến lược lâu dài?
Trong mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa 2 tổ chức, 2 định chế tại 2 đất nước khác nhau thì việc duy trì và tìm “được tiếng nói chung” vô cùng quan trọng.
Chúng tôi đánh giá rất cao OCB về tinh thần phối hợp, sự chủ động trao đổi và luôn lắng nghe, đây cũng là một trong những yếu tố để chúng tôi đầu tư và chọn OCB. Tôi cũng đã được nghe các câu chuyện về các nhà đầu tư Nhật, đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam, có mối quan hệ thực sự là không được tốt lắm.
Tiếng nói của các đối tác Nhật cũng không được lắng nghe và ghi nhận đầy đủ. Tuy nhiên, về mặt thực tế, trong quá trình hợp tác với OCB thì chúng tôi luôn duy trì mối quan hệ rất tốt. Ngoài ra, trong hợp đồng hợp tác chiến lược giữa 2 tổ chức, điều khoản này cũng được thỏa thuận và đồng ý bởi 2 bên.
Khi qua Việt Nam làm việc, chúng tôi cũng được HĐQT, Ban điều hành của OCB sắp xếp văn phòng làm việc gần với Chủ tịch, Tổng giám đốc Ngân hàng, từ đó chúng tôi rất dễ dàng trao đổi ngay các vấn đề cần thiết và rất cởi mở, luôn sẵn sẵn sàng lắng nghe. Bản thân tôi và AOZ rất trân trọng về điều này.
Với tư cách là một nhà đầu tư, cổ đông chiến lược nước ngoài, ông có thể cho biết về định hướng của AOZ sẽ cùng OCB phát triển trong thời gian sắp tới?
Đầu tiên là những hỗ trợ cơ bản được triển khai thời gian vừa qua như: hỗ trợ nguồn vốn giá rẻ, tư vấn thêm về hạng mục quản trị rủi ro. Hay vấn đề biến động nhân sự sau covid, ảnh hưởng đến thế giới nói chung và ngành ngân hàng tại Việt Nam nói riêng.
Chúng tôi hỗ trợ OCB bằng cách đẩy mạnh chất lượng nhân sự như gửi người từ Việt Nam sang Nhật Bản học tập hay cử người từ Nhật Bản qua Việt Nam làm việc. Ngoài ra, kế hoạch trung hạn AOZ định hướng chính và chủ lực ở 2 mảng: khách hàng FDI Nhật Bản (có vốn đầu tư nước ngoài) và tư vấn M&A.
Về phát triển mảng khách hàng FDI Nhật Bản, theo đánh giá của chúng tôi, hiện nay mảng ngân hàng bán lẻ của OCB đang được đẩy mạnh phát triển nhưng khách hàng FDI chiếm tỷ trọng ít, đặc biệt là Nhật Bản.
Do vậy, chúng tôi thực hiện giới thiệu đến OCB những khách hàng chất lượng, uy tín để sử dụng các dịch vụ ngân hàng là thế mạnh của OCB như tiền gửi, chuyển tiền quốc nội, quốc tế, internet banking, các sản phẩm về trade.
Tiếp đến là hoạt động tư vấn M&A, dựa trên thế mạnh là sở hữu một mạng lưới khách hàng doanh nghiệp hiện hữu rộng khắp Việt Nam cùng với mối quan hệ thân thiết với các đối tác tổ chức tài chính trong và ngoài nước, OCB sẵn sàng cung cấp dịch vụ tư vấn M&A từ giai đoạn khởi tạo deal đến giai đoạn kết thúc deal.
AOZ cũng có thế mạnh là kinh nghiệm sâu và rộng ở mảng M&A tại thị trường nội địa Nhật Bản và với chiến lược mở rộng cung cấp dịch vụ M&A và kết hợp kinh doanh cho các nhà đầu tư Nhật tại thị trường quốc tế, đặc biệt là với thị trường Việt Nam.
Chính sách của OCB trong thời gian tới dành cho doanh nghiệp FDI, nhất là Nhật Bản trong thời gian tới có gì đột phá hơn so với hiện nay không?
Hiện tại, với chiến lược mở rộng khách hàng FDI, đặc biệt là khách hàng Nhật thì OCB đang triển khai rất nhiều chương trình, ưu đãi hấp dẫn như: tài khoản số đẹp, số ngắn, giảm 100% phí chuyển tiền, chi lương, nộp thuế điện tử, miễn phí 100% phí thường niên cho khách hàng sử dụng OCB OMNI, miễn phí SMS banking, 100% phí phát hành, phí thường niên cho thẻ ghi nợ doanh nghiệp, phí triển khai giải pháp thanh toán OCB Propay.
Ngoài ra, đối với dịch vụ tài trợ thương mại thì tháng đầu tiên miễn 100% phí chuyển tiền quốc tế, chiết khấu 70% phí điện tín cho 3 giao dịch đầu tiên, các tháng tiếp theo thì ưu đãi 20-50%.
Bên cạnh chính sách thu hút CASA (tiền gửi không kỳ hạn) và tiền gửi từ doanh nghiệp, OCB còn linh hoạt hỗ trợ khách hàng thông qua các giải pháp quản lý dòng tiền mà doanh nghiệp FDI nào cũng cần, nhất là trong bối cảnh Việt nam vẫn còn ít nhiều bị ảnh hưởng Covid-19.
Với chiến lược “chậm mà chắc” như đã nêu trên, qua thống kê sơ bộ của Ngân hàng, lượng tiền gửi mà khách hàng FDI Nhật Bản đặt tại OCB chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng quy mô tiền gửi của phân khúc khách hàng có vốn FDI, và lượng tiền gửi này có khuynh hướng tăng rất mạnh trong 6 tháng cuối năm 2022 - theo quan sát của chúng tôi.
Với lĩnh vực tài chính – ngân hàng, sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản ra sao? Liệu hoạt động M&A có sôi động trong năm 2022 hay không?
Hoạt động M&A nói chung và trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói riêng cũng không ngoại lệ, sẽ rất “nóng” trong thời gian tới do tác động của đại dịch trong 2 năm qua.
Hiện tại, tôi được biết Chính phủ Việt Nam có những chính sách như tư nhân hóa các doanh nghiệp, ngân hàng quốc doanh, hay thực hiện tái cơ cấu các ngân yếu kém, thiếu vốn, không đủ đạt chuẩn và đây chính là cơ hội để cho các tổ chức nước ngoài tham gia vào đầu tư.
Hiện đã có 3 ngân hàng lớn nhất của Nhật Bản đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam, trở thành cổ đông chiến lược nước ngoài và chúng tôi là ngân hàng Nhật Bản thứ 4. Các ngân hàng cỡ trung, vừa của Nhật Bản cũng đang tìm hiểu nhiều về thị trường tài chính, M&A tại Việt Nam.
Việt Nam có nên nới room ngoại trong lĩnh vực ngân ngân để thu hút vốn ngoại so với quy định hiện hành ở mức tối đa 30%?
Thực ra, không chỉ riêng AOZ, bản thân tôi nhận thấy các nhà đầu tư Nhật Bản khác đều mong muốn Chính phủ Việt Nam, NHNN nới thêm room ngoại trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng để có thêm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực này tại Việt Nam. Tất nhiên, chúng tôi muốn 100%, nhưng chắc chắn khó về mặt chính sách nên tôi mong muốn tối thiểu là 49%. Như vậy, các nhà đầu tư Nhật Bản, cũng như các nhà đầu tư nước ngoài có thể an tâm để đầu tư mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam hơn nữa.