NĐT Nhật Bản quan tâm nhiều đến ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ tiêu dùng, nông nghiệp…

NĐT Nhật Bản quan tâm nhiều đến ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ tiêu dùng, nông nghiệp…

Nhà đầu tư Nhật “lên lịch” vào Việt Nam

(ĐTCK) “Chắc chắn NĐT Nhật Bản sẽ tham gia các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của các doanh nghiệp Việt Nam sắp tới”, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức, CTCK Sài Gòn (SSI) nhận định.

Tham gia Hội nghị xúc tiến đầu tư “Việt Nam - điểm đến của NĐT Nhật Bản” do Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì, diễn ra mới đây tại Nhật Bản, bà thấy sự quan tâm của NĐT Nhật Bản hiện nay như thế nào?

NĐT Nhật Bản luôn dành mối quan tâm đặc biệt tới Việt Nam. Ngay trong hội nghị này, hơn 100 NĐT tổ chức của Nhật Bản tham dự đã phản ánh điều đó. Đặc biệt, khi trao đổi với các NĐT Nhật Bản cho thấy, họ luôn hướng về tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam nhờ vào các yếu tố như: dân số trẻ, năng động, sức cầu lớn, nhu cầu đầu tư lớn… Trong khi đó, nhu cầu đi đầu tư của NĐT Nhật Bản hiện rất lớn, nên mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam trong thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản.

Đâu là những doanh nghiệp, ngành, lĩnh vực của Việt Nam mà NĐT Nhật Bản đang quan tâm và muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư, thưa bà?

Nhà đầu tư Nhật “lên lịch” vào Việt Nam ảnh 1

 Bà Hoàng Việt Phương

Các NĐT có khẩu vị đầu tư rất khác nhau. Xét về điểm chung lớn nhất thì nhiều NĐT quan tâm đến ngành hàng tiêu dùng, dịch vụ tiêu dùng và nông nghiệp, vì các ngành này có nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Bên cạnh đó, một số NĐT quan tâm đến lĩnh vực hạ tầng, lĩnh vực ngân hàng…

Qua trao đổi, tiếp xúc với các NĐT, tôi cho rằng, các đợt IPO lớn sắp tới của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) chắc chắn sẽ thu hút được nhiều sự quan tâm của NĐT Nhật bản.

Họ đang có những động thái cụ thể nào chứng tỏ sẽ tham gia các đợt IPO của một số DN lớn sắp diễn ra?

Những gì chúng tôi ghi nhận được cho thấy, chắc chắn NĐT Nhật Bản sẽ tham gia các đợt IPO sắp tới. Chúng tôi đã trao đổi cụ thể với một số NĐT tiềm năng, qua đó được biết, họ đang chuẩn bị để tham gia đầu tư vào Việt Nam. Họ quan tâm tới cả phương diện đầu tư tài chính và đầu tư chiến lược, tùy theo chiến lược đầu tư của các quỹ đầu tư.

Thông qua hoạt động tiếp xúc trực tiếp với NĐT Nhật Bản nói riêng, NĐT nước ngoài nói chung trong thời gian gần đây, bà có thể cho biết, họ đề xuất, kiến nghị Việt Nam nên ưu tiên triển khai các biện pháp gì để tăng cường thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài?

Kế hoạch nới “room” áp dụng đối với NĐT nước ngoài vẫn được NĐT Nhật Bản quan tâm cao nhất. NĐT nước ngoài cũng mong đợi Việt Nam có thêm các biện pháp góp phần làm tăng thanh khoản cho TTCK. Gần đây, việc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng dẫn thực hiện Thông tư 74/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính về giao dịch trên TTCK, theo hướng cho phép CTCK nước ngoài sử dụng tài khoản tổng để đặt lệnh mua, bán cùng một loại chứng khoán trong một phiên giao dịch, đã thu hút sự chú ý của các NĐT nước ngoài. Một vấn đề quan trọng bao trùm khác mà NĐT nước ngoài cũng luôn trông đợi là Việt Nam cần tiếp tục tăng cường minh bạch thông tin thị trường, dù ở trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Diễn biến dòng vốn đầu tư gián tiếp đến từ Nhật Bản nói riêng, dòng vốn ngoại nói chung từ đầu năm đến nay có những điểm gì đáng chú ý, thưa bà?

Có thể nói, từ đầu năm đến nay, cái tên Việt Nam đã trở nên quen thuộc hơn đối với các NĐT nước ngoài. Lý do là trong số các thị trường cận biên (Frontier Markets), Việt Nam là thị trường có mức tăng điểm ấn tượng. Các quỹ đầu tư mà chúng tôi tiếp xúc đều có danh mục đầu tư đạt mức tăng trưởng mạnh tại thị trường Việt Nam trong năm 2013, cũng như quý I/2014. Các NĐT nước ngoài đều muốn biết những gì đang thực sự diễn ra tại Việt Nam. Trong đó, một câu hỏi lớn mà họ luôn đi tìm câu trả lời là câu chuyện tăng trưởng của TTCK Việt Nam sẽ được viết tiếp như thế nào.

Tin bài liên quan