Ảnh minh họa.
Triển vọng hợp tác đầu tư
Đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ sản xuất, xây dựng, đến y tế, ngân hàng, bán lẻ, dịch vụ... Một số trường hợp điển hình về tỷ lệ sở hữu cao của nhà đầu tư Nhật Bản là khoản đầu tư của Taisho Pharmaceutical để sở hữu 51,01% cổ phần của Dược Hậu Giang, khoản đầu tư của Sumitomo Life để sở hữu 22,09% cổ phần Tập đoàn Bảo Việt, khoản đầu tư của Tokyo-Mitsubishi UFJ để sở hữu 19,73% cổ phần VietinBank…
Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, ông Soichi Nakajima, Giám đốc bộ phận Nhóm doanh nghiệp châu Á (Viện nghiên cứu Mitsubishi) đánh giá cao sức hấp dẫn của Việt Nam đối với dòng vốn đầu tư ròng từ nước ngoài.
“GDP của Việt Nam tăng lên cùng với sự gia tăng của lượng vốn FDI được cấp phép. Chất lượng đầu tư cũng đang thay đổi, với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài vào các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với tư cách là nhà đầu tư chiến lược”, ông Nakajima đánh giá.
Theo ông Nakajima, về mặt văn hóa, Việt Nam và Nhật Bản có nhiều nền tảng giá trị chung, doanh nghiệp Nhật Bản có rất nhiều thế mạnh về uy tín thương hiệu, công nghệ…, nên nếu trở thành nhà đầu tư chiến lược của các DNNN Việt Nam, thì có thể giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.
Vị chuyên gia này nêu ví dụ về hợp tác trong lĩnh vực sản xuất dược phẩm. Hiện nay, số lượng nhà máy dược phẩm đạt chuẩn GMP của Việt Nam chưa nhiều, nhưng nếu có sự tham gia của doanh nghiệp Nhật Bản, thì có thể chuyển giao công nghệ. Ngoài ra, doanh nghiệp Nhật Bản có thể giúp các DNNN tại Việt Nam nâng cao hiệu quả bảo trì trong ngành hàng không.
“Mặc dù đầu tư vào các DNNN Việt Nam không phải bài toán dễ, nhưng tôi tin rằng, khối DNNN đang dần hướng tới quản trị minh bạch hơn. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy việc thoái vốn nhà nước, tạo điều kiện tốt hơn cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia quá trình này”, ông Nakajima phân tích.
Mong đợi từ DNNN Việt Nam
Tại Quyết định số 1479/QĐ-TTg, ngày 29/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch Sắp xếp lại DNNN, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 theo các hình thức: duy trì công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; cổ phần hóa, sắp xếp lại; chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn nhà nước giai đoạn 2022 - 2025
Theo Kế hoạch Thực hiện cổ phần hóa, sáp nhập, giải thể giai đoạn 2022 - 2025 (ban hành kèm theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg), sẽ thực hiện cổ phần hóa 19 doanh nghiệp, sắp xếp lại 5 doanh nghiệp; thực hiện thoái vốn nhà nước tại 141 doanh nghiệp.
Ông Hoàng Minh Khôi, Phó tổng giám đốc Lilama chia sẻ, các mảng mà Lilama có thế mạnh và mong muốn có sự giúp sức của nhà đầu tư chiến lược từ Nhật Bản là tổng thầu EPC, xây lắp nhà máy công nghiệp và chế tạo cơ khí.
“Việt Nam là nước đang phát triển về xây dựng công nghiệp, do vậy, đầu tư vào Lilama là bước nối dài để nhà đầu tư Nhật Bản thi công các dự án trọng điểm tại Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á. Các dự án điện và năng lượng trong thời gian tới sẽ có nhiều ‘dấu chân’ của Lilama, đây là cơ hội hợp tác tốt cho 2 bên”, ông Khôi bày tỏ.
Nhấn mạnh, thời gian qua, Việt Nam đã cổ phần hóa thành công một số doanh nghiệp nhà nước, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viglacera cho biết, một số nhà đầu tư Nhật Bản đã tham gia quá trình này và giúp doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh hiệu quả, như trường hợp Vietcombank - Mizuho.
“Tôi hy vọng, thời gian tới, các nhà đầu tư Nhật Bản có thể tham gia quá trình cổ phần hóa tại nhiều doanh nghiệp Việt hơn nữa. Tại Viglacera, với các mảng sản xuất như kính, sứ vệ sinh, vật liệu xây dựng mới, chúng tôi mong muốn nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản có kinh nghiệm, năng lực tài chính và có thế mạnh về công nghệ có thể giúp Viglacera mở rộng thị trường và phát triển bền vững hơn”, ông Tuấn kỳ vọng.