Lo ngại về cuộc chiến thương mại và áp lực lạm phát khiến phố Wall tiếp tục chìm trong sắc đỏ khi bước vào phiên giao dịch ngày 1/5. Các chỉ số chính của phố Wall có lúc đã giảm hơn 1% trong phiên thứ Ba (1/5) và tưởng chừng sẽ tiếp tục có phiên giảm sâu thứ hai liên tiếp, thì bất ngờ giới đầu tư nhận được thông tin tích cực cuối phiên.
Cụ thể, chứng khoán Mỹ đang trên đà giảm, thì bật lên thoát khỏi mức đáy khi đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết, không muốn thay đổi hệ thống kinh tế của Trung Quốc, mà chỉ muốn hạn chế thiệt hại từ các chính sách của Bắc Kinh gây ra cho Mỹ và khuyến khích cạnh tranh nước ngoài nhiều hơn.
Tiếp đó, các chỉ số tiếp tục hồi phục với S&P 500 và Nasdaq đảo chiều thành công khi Bộ trưởng Thương mại Mexico cho biết, nước này sẽ phản hồi đề xuất của Mỹ về các quy định đối với mặt hàng ôtô trong NAFTA vào tuần tới, và một thỏa thuận có thể sẽ được ký nếu các nhà đàm phán hai nước chứng tỏ được đủ sự sáng tạo và linh hoạt.
Dù đảo chiều thành công trong phiên thứ Ba, nhưng giới phân tích cho biết, nỗi lo vẫn còn với các nhà đầu tư, nhất là vấn đề chi phí gia tăng đối với các doanh nghiệp.
Cụ thể, theo Viện Quản lý nguồn cung Mỹ, chi phí nguyên liệu thô cho các công ty Mỹ tăng, một phần nguyên nhân do chính quyền Tổng thống Trump tăng thuế nhập khẩu với thép và nhôm. Trong khi đó, giá dầu đang tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014.
Dữ liệu từ cơ quan này cũng cho thấy, hoạt động nhà máy của Mỹ đã chậm lại tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 4.
Tuần này, giới đầu tư sẽ hướng sự tập trung vào cuộc họp kéo dài 2 ngày của Fed bắt đầu từ thứ Ba với dự báo cơ quan này sẽ không tăng lãi suất trong cuộc họp này, nhưng sẽ tăng vào tháng Sau trước áp lực lạm phát.
Kết thúc phiên 1/5, chỉ số Dow Jones giảm 64,10 điểm (-0,27%), xuống 24.099,05 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 6,75 điểm (+0,25%), lên 2.654,80 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 64,44 điểm (+0,91%), lên 7.130,70 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Âu, trong khi chứng khoán Đức và Pháp nghỉ lễ ngày lao động 1/5, thì chứng khoán Anh vẫn giao dịch và tiếp tục có mức tăng điểm nhẹ.
Kết thúc phiên 1/5, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 11,06 điểm (+0,15%), lên 7.520,36 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, trong các thị trường đáng chú ý, chứng khoán Trung Quốc và Hồng Kông nghỉ giao dịch ngày quốc tế lao động, còn chứng khoán Nhật Bản giao dịch trở lại sau 1 ngày nghỉ lễ trước đó và có được mức tăng nhẹ nhờ nhóm cổ phiếu cổ phiếu lớn như ast Retailing, Fanuc, Hitachi, nhưng đà tăng không mạnh khi Sony bất ngờ đưa ra mức dự báo lợi nhuận thấp hơn dự kiến, khiến cổ phiếu giảm tới 6,1%.
Kết thúc phiên 1/5, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 40,16 điểm (+0,18%), lên 22,508,03 điểm.
Trên thị trường vàng, nỗi lo Fed sẽ tăng lãi suất và đồng USD tiếp tục tăng mạnh lên mức cao nhất năm 2018 (mức cao nhất kể từ 28/12/2017) khiến giá vàng tiếp tục giảm mạnh trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 1/5, giá vàng giao ngay giảm 11,3 USD/ounce (-0,86%), xuống 1.303,6 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 6 giảm 12,4 USD/ounce (-0,94%), xuống 1.306,8 USD/ounce.
Trên thị trường dầu thô, sau khi liên tiếp tăng giá lên mức cao nhất từ năm 2014, giá dầu thô đã đồng loạt điều chỉnh mạnh trong phiên thứ Ba khi BP cho biết, giá dầu thô có thể vể mức 50 - 60 USD/thùng do sản lượng dầu đá phiến của Mỹ gia tăng.
Kết thúc phiên 1/5, giá dầu thô Mỹ giảm 1,32 USD (-1,96%), xuống 67,25 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,56 USD (-2,08%), xuống 73,13 USD/thùng.