Nhà đầu tư ngoại vẫn đợi tin nới room

Nhà đầu tư ngoại vẫn đợi tin nới room

(ĐTCK) Ông Don lam, Tổng giám đốc Tập đoàn VinaCapital cho rằng, trong bối cảnh hiện tại, TTCK Việt Nam đang rất thích hợp để đầu tư trung và dài hạn. Nhà đầu tư ngoại vẫn chờ đợi tin mới về nới room. 

Tình hình thu hút vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và gián tiếp (FII) vào Việt Nam đến nay thế nào, thưa ông?

Vốn đầu tư FDI tiếp tục vào Việt Nam mạnh. Từ đầu năm 2014 đến nay, vốn FDI đổ vào VinaCapital khoảng 25 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là nền kinh tế Việt Nam đang ổn định, chẳng hạn lạm phát thấp, lãi suất thấp và việc Samsung tiếp tục đầu tư thêm vào Việt Nam cũng là tín hiệu tốt.

Đối với FII, trong ngắn hạn thì ảnh hưởng phần nào, nhưng những NĐT nước ngoài lớn như VinaCapital vẫn đang tiếp tục đầu tư thêm, do TTCK Việt Nam có P/E trung bình thấp 30% so với các thị trường ở ASEAN. Trong bối cảnh lãi suất giảm, một số doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng tốt dẫn đến P/E tiếp tục giảm.

Với mức định giá rẻ như hiện nay, liệu có nguồn vốn mới vào TTCK Việt Nam?

Đối với NĐT nước ngoài mới thì rất khó. Trước khi quyết định đầu tư, họ mất 6 tháng để tiếp cận thị trường, làm từng bước từ mở tài khoản.

Giả sử, nếu đã đi đến quyết định đầu tư trước khi xảy ra căng thẳng trên biển Đông, thì nay họ sẽ tạm ngừng để tiếp tục theo dõi.

Lại đặt giả thiết, 6 tháng sau, room sẽ chính thức được mở cho NĐT nước ngoài, khi đó họ lại phải thực hiện “quy trình tìm hiểu” từ đầu. Những báo cáo tổng quan về thị trường Việt Nam được thực hiện, rồi chi tiết đến từng công ty và đương nhiên, họ cũng đặt ra một mức giá thích hợp để mua vào, chứ không phải xong các khâu trên là giải ngân được ngay.

Vậy rủi ro từ căng thẳng biển Đông ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn ra sao, thưa ông?

Về tình hình biển Đông, trong thời gian ngắn, một số NĐT trong nước bán ra là chính, nhưng NĐT nước ngoài lại mua vào, giúp thị trường ổn định. Nếu không có vốn ngoại thời gian này thì thị trường còn giảm nhiều hơn nữa. VN-Index đến nay đã lên cao hơn thời điểm bắt đầu có tin về tình hình biển Đông. Điều này cho thấy, TTCK đã phục hồi lại.

Cần lưu ý rằng, vốn ngoại thời gian qua xuất phát từ những quỹ đầu tư lớn đã hiện hữu ở Việt Nam, chứ không phải từ NĐT nước ngoài mới. Lý do như tôi nói ở trên, họ cần thời gian nghiên cứu, có mức giá phù hợp thì mới ra quyết định.

Cơ cấu danh mục đầu tư của VinaCapital thay đổi thế nào khi xuất hiện căng thẳng trên biển Đông?

Trong 6 tháng đầu năm, danh mục đầu tư của VinaCapital tập trung vào một số cổ phiếu thuộc DN ngành thực phẩm, dược phẩm, bởi những doanh nghiệp thuộc ngành này phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, nên sẽ tiếp tục hoạt động tốt kể cả trong điều kiện căng thẳng leo thang hay không.

Thị trường hiện đang kiến nghị Chính phủ cho phép NĐT nước ngoài được đầu tư đến 100% vào CTCK trong nước, thay vì hoặc dưới 49% hoặc 100% như hiện nay. Nếu được chấp thuận, điều này sẽ tác động thế nào tới TTCK, thưa ông?

Tiến trình tái cơ cấu ngân hàng, đổi mới chính sách của Việt Nam trong con mắt NĐT nước ngoài là đang rất chậm trễ, họ kỳ vọng đáng lẽ những việc này phải xong từ 2 - 3 năm trước.

Đối với câu chuyện xin phép mở room từ 49% trở lên cho NĐT nước ngoài đầu tư vào CTCK trong nước, nếu được cho phép sẽ không ảnh hưởng tới TTCK nhiều. Bởi hiện tại, NĐT nước ngoài trung và dài hạn tập trung vào các DN lớn nói chung chứ không riêng CTCK.

Riêng đối với chứng chỉ không có quyền biểu quyết (NVDR), đây là giải pháp tốt, nhưng không nên kỳ vọng NVDR hút vốn được ngay, do những NĐT nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam chủ yếu chờ đợi tin nới room.

Nếu được nới room lên đến 60% là một điều rất tốt cho DN, vì có thêm vốn để đầu tư sản xuất, đồng thời nhận được sự hỗ trợ về mặt quản trị.

Tin bài liên quan