Nỗi niềm của quỹ đầu tư
Hơn 2 năm kể từ khi Thông tư 32/2016/TT-NHNN ngày 26/12/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán được ban hành, nhiều nhà đầu tư nước ngoài như “ngồi trên đống lửa”.
Trong nhóm 4 kiến nghị trình lên Chính phủ nhằm thúc đẩy TTCK Việt Nam, kiến nghị đầu tiên được ông Dominic Scriven, Chủ tịch Công ty Quản lý quỹ Dragon Capital đưa ra chính là kiến nghị của nhóm Công tác Diễn đàn thị trường vốn (VBF) lên Chính phủ về những lo lắng liên quan đến tài khoản tiền gửi của các quỹ đầu tư. Nếu không có chính sách kịp thời, từ 1/3/2019, hàng loạt quỹ đầu tư ngoại có nguy cơ phải tạm dừng hoạt động.
“Quy định về mở tài khoản của khách hàng tổ chức không có tư cách pháp nhân tại Thông tư 32/2016/TT-NHNN và Thông tư số 23/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đang gây ra một lo lắng đối với văn phòng đại diện các loại, các quỹ đầu tư và các ngân hàng lưu ký đại diện cho các nhà đầu tư nước ngoài. Ở đây, chúng tôi hiểu là đến ngày 1/3 năm nay, có một khả năng các đơn vị này không thể hoạt động thông qua ngân hàng vì họ không có tư cách pháp nhân theo Bộ Luật Dân sự. Chúng tôi kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Ngân hàng Nhà nước đưa ra hướng dẫn, sửa đổi thống nhất nhằm đảm bảo hoạt động tài chính bình thường của tất cả các loại hình kinh tế hợp pháp tại Việt Nam”, ông Dominic nói.
Vì sao nhà đầu tư lo ngại như vậy?
Khoản 6, Điều 1, Thông tư 32 sửa đổi Điều 11, Thông tư 23/2014/TT-NHNN hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán quy định, chỉ có 2 đối tượng được mở tài khoản thanh toán, bao gồm: cá nhân và các tổ chức có tư cách pháp nhân.
Điều 4, Thông tư 32 quy định, trong vòng 3 tháng kể từ khi Thông tư 32 có hiệu lực (Thông tư 32 có hiệu lực từ ngày 1/3/2017); các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài rà soát hồ sơ, hợp đồng mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng là hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được mở trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực thi hành, để thông báo cho khách biết về việc thực hiện chuyển qua hình thức thanh toán cá nhân hoặc tài khoản thanh toán chung trong vòng 3 tháng.
Trong vòng 12 tháng kể từ khi Thông tư có hiệu lực (tức đến ngày 1/3/2018), các hộ gia đình, tổ hợp tác và các tổ chức khác không có tư cách pháp nhân phải ký lại hợp đồng, chuyển tài khoản thanh toán sang cá nhân hoặc qua tài khoản thanh toán chung; ngân hàng, chi nhánh ngân hàng sẽ thực hiện đóng tài khoản thanh toán nếu chưa hoàn thành ký lại hợp đồng chuyển tài khoản thanh toán mới theo quy định.
Về diễn tiến chính sách, ngày 12/2/2018, thời điểm 16 ngày trước ngày Thông tư 32 có hiệu lực thi hành, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số Thông tư số 02/2018/TT-NHNN, sửa đổi Điều 4 với lùi thời gian có hiệu lực Thông tư 32 từ 12 tháng kể từ ngày ký (tương đương có hiệu lực từ 1/3/2018) sang 24 tháng kể từ ngày ký (tức có hiệu lực từ 1/3/2019).
Nếu thực hiện quy định trên, các nhà đầu tổ chức không có tư cách pháp nhân như các quỹ đầu tư, văn phòng đại diện… sẽ buộc phải chuyển tài khoản thanh toán từ tên tổ chức sang tên cá nhân. Đây là điều rủi ro mà các tổ chức này đã nhìn thấy, nhưng nếu không chuyển, các tổ chức này sẽ bị đóng tài khoản thanh toán.
Cái gốc của câu chuyện
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, vấn đề trên phát sinh do quy định từ Luật Dân sự, phía Ủy ban Chứng khoán cùng Ngân hàng Nhà nước đã rất nỗ lực để gỡ rối chính sách, nhưng rõ ràng, đây là câu chuyện lớn.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển TTCK 2019, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo phải giải quyết vấn đề này, đảm bảo giao dịch bình thường cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy nhiên, giải pháp lùi thời hạn hiệu lực Thông tư 32 không phải là cách giải quyết triệt để. Nếu cứ lùi Thông tư 32 thì lại gây khó cho Ngân hàng Nhà nước và nếu lùi tiếp thì sẽ lùi đến khi nào? Cái gốc của câu chuyện nằm ở quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015. Cụ thể, Bộ Luật Dân sự 2015 đã gộp các tổ chức không có tư cách pháp nhân vào một nhóm chung; dẫn đến việc gây khó cho các loại hình nhà đầu tư tổ chức không có tư cách pháp nhân tại Việt Nam.
Gỡ vấn đề này cần gỡ từ Bộ Luật Dân sự hoặc văn bản hướng dẫn dưới Luật. Trong lúc chờ xử lý điểm gốc này, quỹ đầu tư, nhất là các quỹ ngoại phải sống trong cảnh phập phồng thế khó.