Bùng nổ giao dịch NĐT nước ngoài
Ngày 9/2/2015, NĐT nước ngoài mua vào16,224 triệu cổ phiếu trên HOSE, chiếm 22,76% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường, trong khi chỉ bán ra gần 4,2 triệu cổ phiếu. Trên HNX, khối ngoại cũng mua vào tới gần 1,82 triệu cổ phần trên tổng khối lượng 25,7 triệu cổ phiếu khớp lệnh toàn thị trường.
Tâm điểm của giao dịch khối ngoại phiên 9/2 trên HOSE chính là nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong đó, khối ngoại mua vào mạnh ở các mã còn “room” như: BID (1,36 triệu cổ phiếu), CTG (1,32 triệu cổ phần), VCB (gần 660.000 cổ phiếu), STB (gần 218.000 cổ phiếu).
Bên cạnh nhóm cổ phần ngân hàng, cổ phiếu BVH thuộc nhóm tài chính - bảo hiểm với mức vốn hóa lớn cũng được khối ngoại mua vào, với khối lượng mua là xấp xỉ 680.000 cổ phiếu. Cùng trong nhóm này, trên HNX, cổ phiếu SHB cũng được mua vào hơn 785.000 cổ phiếu, VNR được mua ròng hơn 140.000 cổ phiếu.
Ngoài nhóm cổ phiếu ngân hàng, tài chính - bảo hiểm, cổ phiếu bất động sản cũng được khối ngoại tích cực mua, với các cổ phiếu được mua nhiều nhất là FLC (gần 2,4 triệu cổ phiếu), KBC (hơn 1,8 triệu cổ phiếu), DXG, SD6, SD9, VCG… Ngoài 2 nhóm cổ phiếu này, cổ phiếu cổ phiếu SBT, PVD, PVS cũng được khối ngoại giao dịch lớn trong phiên 9/2.
Việc giao dịch tích cực của khối ngoại đã giúp các mã chứng khoán duy trì được mức dao động giá thấp, do các NĐT trong nước vẫn đang bán ra. Đơn cử, cổ phiếu FLC trước phiên ATC chủ yếu được mua ở mức giá dưới tham chiếu. Tuy nhiên, việc NĐT ngoại mua ồ ạt phiên ATC với giá cao đã giúp FLC duy trì được mức giá tham chiếu vào cuối ngày giao dịch.
Cơ hội đón sóng tái cấu trúc danh mục khối ngoại
So sánh định giá tương đối với TTCK các nước trong khu vực, TTCK Việt Nam vẫn được coi là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn rẻ trên thế giới, do nền kinh tế phát triển ổn định, vẫn ở giai đoạn tăng trưởng tốt. Năm 2015, Ngân hàng Thế giới (Word Bank) dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 5,6%, là mức hấp dẫn so với tình trạng bất ổn của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới.
Đặc biệt hơn, định giá chung của chứng khoán Việt Nam vẫn rẻ hơn so với các nước trong khu vực (dựa trên so sánh P/E, P/B), trong khi VN-Index vẫn cho thấy xu hướng tăng trưởng trong dài hạn. Đây chính là yếu tố giúp NĐT có thể yên tâm bỏ tiền vào thị trường, nhưng cơ hội tăng giá không giải đều cho các mã. Vấn đề là lựa chọn nhóm ngành nào có cơ hội sinh lời?
Lý giải về động cơ giao dịch của NĐT nước ngoài phiên 9/2, nhiều ý kiến cho rằng, đây là kết quả của quá trình tái cấu trúc danh mục đầu năm.
“Dòng tiền nước ngoài có xu hướng tập trung tăng giải ngân vào các mã có khối lượng vốn hóa lớn, nhất là cổ phiếu bất động sản và ngân hàng, là 2 nhóm được kỳ vọng nhiều trong năm 2015”, giám đốc phân tích một CTCK cho biết.
Trao đổi với ĐTCK, vị này cho hay, định giá ngành ngân hàng của Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với khu vực. Thêm vào đó, kinh nghiệm từ TTCK Thái Lan cho thấy, sau giai đoạn khủng hoảng, cổ phiếu ngành này cũng tăng trưởng rất tích cực, với mức tăng bình quân tới 10 lần so với giai đoạn đáy. Thêm vào đó, Thông tư 36 ra đời và có hiệu lực sẽ góp phần làm lành mạnh hóa lĩnh vực ngân hàng, khiến lĩnh vực này trở nên hấp dẫn hơn.
Thực tế cho thấy, nhóm cổ phiếu ngân hàng, vốn được coi là cổ phiếu “vua” đã gần như bị lãng quên suốt mấy năm qua, nhưng từ đầu năm 2015 đến nay đã giao dịch sôi động trở lại, đặc biệt các mã có cơ bản tốt, còn room khối ngoại lớn và có vốn hóa lớn như VCB, CTG, BID...
Với nhóm cổ phiếu bất động sản, sự kỳ vọng vào việc phục hồi thị trường bất động sản cũng khiến nhóm ngành này - vốn là nhóm cổ phiếu được nhiều NĐT ưa thích lướt sóng - trở nên có nhiều cơ hội đầu tư hơn cho cả các quỹ đầu tư chỉ số, NĐT lướt sóng hay những người theo trường phái cơ bản.
Các mã có vốn hóa lớn, có thông tin hỗ trợ về kết quả kinh doanh FLC, KBC, VCG, DXG, ITA… cũng được kỳ vọng sẽ được khối ngoại tích cực mua vào do đáp ứng tiêu chí về thanh khoản, vốn hóa lớn và còn room.
Năm 2014, NĐT đã từng chứng kiến phiên mua vào kỷ lục của NĐT nước ngoài trên TTCK Việt Nam, khi bỏ ra hơn 450 tỷ đồng mua vào 37,8 triệu cổ phiếu FLC trong phiên giao dịch ngày 19/9, giúp cổ phiếu FLC tăng 2,6% trong phiên... Trong năm nay, câu chuyện tương tự hoàn toàn có thể xảy ra, có thể với FLC hoặc một vài mã khác.
Đón đầu cơ hội tăng giá nhờ việc mua vào của khối ngoại, đặc biệt là giao dịch mua vào của các quỹ đầu tư chỉ số là một trong những cách giúp NĐT kiếm được lợi nhuận khá trên TTCK. Với dự báo mua vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, bất động sản của NĐT nước ngoài, việc lựa chọn những mã có vốn hóa lớn, còn room và có định giá tốt có thể là một lựa chọn hợp lý cho NĐT trong năm 2015.