Theo ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), từ đầu năm đến nay, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chưa đạt tiến độ đề ra một phần do điều kiện thị trường, phần khác liên quan đến vấn đề nội bộ của doanh nghiệp.
Trong đó, câu chuyện định giá là vấn đề gây lấn cấn đối với nhà đầu tư chiến lược, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài. Điêu này ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cổ phần hóa, thoái vốn.
Ông Eckardt cho rằng, về mặt nguyên tắc, định giá tài sản cần dựa trên yếu tố thị trường để đưa ra mức giá phù hợp, tạo sức hấp dẫn các nhà đầu tư. Để nâng cao hiệu quả bán vốn nhà nước, cần mạnh dạn thử nghiệm những biện pháp định giá phù hợp thông lệ quốc tế.
"Định giá theo quy định là rất quan trọng, nhưng cũng cần thử nghiệm các phương pháp mới mà luật pháp cho phép và dựng sổ là biện pháp cần cân nhắc. Việt Nam có thể áp dụng phương pháp này như giải pháp định giá tốt nhất hiện nay bởi sự phù hợp và thông dụng với thông lệ quốc tế”, ông Eckardt gợi mở.
Trên thực tế, định giá doanh nghiệp là vấn đề được nhiều nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài quan tâm khi tìm kiếm cơ hội từ hoạt động cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước hiện nay. Đây cũng là nguyện vọng được Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đề xuất tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam năm nay nhằm cải thiện quy trình định giá khi bán vốn nhà nước.
“Chúng tôi hiểu rằng, bên bán là Chính phủ Việt Nam mong muốn bán cổ phần với giá cao, nhưng mức giá đưa ra không hợp lý thì bên mua là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ rất khó mua”, ông Koji Ito, Chủ tịch JCCI nói.
Hiện nay, việc xác định giá bán cổ phần tại các doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Nghị định 126/2017 và Nghị định 32/2018 đang khiến nhà đầu tư e ngại do có sự khác biệt giữa phương pháp định giá của tổ chức định giá với tiêu chuẩn định giá quốc tế. Ngoài ra, tính thanh khoản kém của cổ phiếu nhiều doanh nghiệp sau cổ phần hóa cũng là yếu tố gây quan ngại.
“Để thu hút được nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ cần xem lại các phương pháp định giá hiện tại, bao gồm cả việc áp dụng phương pháp dựng sổ, cũng như có những giải pháp nhằm tăng tính thanh toán của cổ phiếu...", ông Ito đề xuất.
Bên cạnh đó, đại diện JCCI cũng cho rằng, quy mô của các doanh nghiệp nhà nước chủ lực là rất lớn, nhiều trường hợp nhà đầu tư nước ngoài khó nắm rõ các ngành nghề kinh doanh của các doanh nghiệp này. Do đó, sẽ hiệu quả hơn nếu tách riêng các công ty con, công ty cháu trong các doanh nghiệp theo nội dung ngành nghề để ưu tiên đầu tư.
Đồng quan điểm, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Hà Nội cho rằng hiện, nay việc định giá doanh nghiệp và giá cổ phiếu còn bất hợp lý bởi quy trình phức tạp, phương thức bán cổ phần thiếu linh hoạt.
Trên thực tế, đã có không ít trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mong muốn được tham gia vào quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, nhưng trong quá trình tìm hiểu đã phát hiện nhiều vấn đề chưa được giải quyết, khiến sự quan tâm bị sút giảm. Việc kém minh bạch trong quy trình định giá cũng như công bố thông tin làm nản lòng nhiều nhà đầu tư.
“Trong thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, một trong những vấn đề khiến nhà đầu tư quan ngại đó là việc công bố thông tin, định giá doanh nghiệp chưa thực sự minh bạch.
Khi tham gia tìm kiếm cơ hội từ các thương vụ bán vốn nhà nước, điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cần xem quy trình định giá doanh nghiệp có đúng chuẩn mực quốc tế hay không thì mới mạnh dạn tham gia vào quá trình cổ phần hóa.
Nhà đầu tư rất cần sự thoải mái, cân bằng khi xem xét và đưa ra quyết định lựa chọn đầu tư vào một doanh nghiệp. Do vậy, Chính phủ Việt Nam cần có những thay đổi để tăng sức hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài trong quá trình bán vốn”, đại diện Amcham khuyến nghị.