Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Nhà đầu tư ngoại chờ vận hội mới năm 2019

(ĐTCK) Theo kịch bản thuận lợi, tháng 9/2019, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được xem xét nâng hạng. Nếu vậy, đây sẽ là tin vui, giúp thị trường nâng cao khả năng thu hút dòng tiền. 

Ðã qua một năm nhiều biến động

Năm 2018, nhiều quỹ đầu tư ngoại đã phải "ngậm đắng nuốt cay" khi tăng trưởng giá trị tài sản ròng (NAV) bị âm. PYN Elite là một trong số này.

Năm qua, PYN Elite có đến 8/12 tháng NAV tăng trưởng âm. Mặc dù đã có sự cải thiện trong tháng cuối cùng của năm, tuy nhiên, tổng kết năm 2018, quỹ đầu tư Phần Lan này vẫn phải chứng kiến mức sụt giảm 9,9%. Ðây là mức thua lỗ lớn nhất của PYN trong 8 năm qua.

Nói về vấn đề này, PYN Elite đã nêu ra hàng loạt những điểm sáng vĩ mô của Việt Nam, khi GDP tăng trưởng 7,08%, mức cao nhất trong 10 năm qua và vượt mục tiêu đề ra của Chính phủ; chỉ số PMI nằm trong nhóm cao nhất tại ASEAN; lạm phát được kiểm soát tốt với CPI bình quân năm 2018 tăng 3,5%.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh tư nhân cũng bùng nổ với hơn 131.000 công ty đăng ký mới vào năm 2018; lượng khách du lịch tiếp tục đổ về với các con số ấn tượng.

Vậy nhưng, "tình hình kinh tế vĩ mô màu hồng lại không được phản ánh trên thị trường chứng khoán Việt Nam", PYN khẳng định khi thị trường đã trải qua một năm đầy biến động. Tuy nhiên, cần đặt trong bối cảnh chỉ số MSCI Frontier Emerging Markets đã giảm đến 17% trong năm 2018, để thấy rằng, thị trường Việt Nam vẫn có màn biểu diễn tích cực so với nhóm thị trường mới nổi, cận biên.

Theo chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính đến cuối tháng 12/2018, nhà đầu tư nước ngoài vẫn thực hiện mua ròng hơn 44.000 tỷ đồng tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, việc mua ròng được thực hiện qua hình thức giao dịch thỏa thuận với các thương vụ lớn như VHM: 28.500 tỷ đồng; MSN: 14.600 tỷ đồng; VRE: 4.700 tỷ đồng và NVL 3.300 tỷ đồng.

Qua hình thức khớp lệnh, khối ngoại bán ròng trên 16.000 tỷ đồng. Việc bán ròng được thực hiện mạnh kể từ giữa tháng 2/2018. Giá trị bán ròng tập trung lớn ở cổ phiếu VIC: 6.900 tỷ đồng (kể từ tháng 4/2018, giá trị bán ròng là 10.400 tỷ đồng), VJC: 3.000 tỷ đồng và VHM 2.500 tỷ đồng.

Xu hướng bán ròng thông qua khớp lệnh tại thị trường chứng khoán Việt Nam chịu nhiều tác động bởi xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, khiến các quỹ đầu tư theo chỉ số, các quỹ đầu tư DR, hay P-notes phải rút vốn nhanh (cùng xu hướng dòng tiền lớn trên thế giới).

Nhà đầu tư ngoại chờ vận hội mới năm 2019 ảnh 1

 Giá trị giao dịch của khối ngoại trong năm 2018 (Đơn vị: Tỷ đồng).

Dòng tiền ngoại chờ thông tin tích cực

Ông Bùi Nguyên Khoa, Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường - Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng, tương tự các nhà đầu tư cá nhân, việc thua lỗ của nhiều quỹ ngoại khi đầu tư vào cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có ảnh hưởng đến việc giải ngân năm 2019. Khi lãi lớn, nhà đầu tư sẽ tự tin bỏ vốn tiếp, nhưng khi thua lỗ, họ sẽ dừng lại để xem xét các yếu tố còn phù hợp để đầu tư hay không.

Tuy nhiên, các quỹ ngoại sẽ xem xét nhiều yếu tố khác rộng hơn như tiềm năng tăng trưởng của thị trường, xu hướng dòng tiền, nền tảng vĩ mô... và cẩn thận hơn trong việc rà soát các yếu tố, cũng như chọn lựa các thương vụ phù hợp hơn để đầu tư.

Ðáng chú ý, năm 2018, Việt Nam đã rất thành công trong việc thu hút khối ngoại trên nhiều phương diện, khi là điểm đến của dòng tiền từ các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, sau đó là Nhật Bản... "Vậy nhưng năm 2019, mọi thứ sẽ khó khăn hơn, ngay cả những thương vụ lớn cũng khó thực hiện", ông Khoa khẳng định, nhất là khi ngay cả dòng tiền từ Hàn Quốc cũng bắt đầu có dấu hiệu chững lại.

Ông Khoa cho rằng, năm nay, các thành viên thị trường sẽ kỳ vọng vào việc thị trường được nâng hạng nhằm gia tăng sức hấp dẫn. Theo kịch bản thuận lợi, tháng 9/2019, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được xem xét nâng hạng. Nếu vậy, đây sẽ là tin vui, giúp thị trường nâng cao khả năng thu hút dòng tiền.

Bên cạnh đó, dù Luật Chứng khoán sửa đổi được đánh giá sẽ có tác động lớn và lâu dài tới thị trường, nhưng những ảnh hưởng này sẽ chưa thể hiện trong năm nay.

Do vậy, trong bối cảnh hiện tại, dòng tiền sẽ thận trọng hơn trong giai đoạn đầu năm, nhưng sẽ không rút ra mà ở trong trạng thái "chờ" những thông tin tích cực để quay trở lại, ít nhất là với dòng tiền nóng. Tiền vào thị trường đã nhiều, áp lực rút ra chưa có, nhưng áp lực giải ngân cũng không lớn, nên diễn biến khối ngoại trong giai đoạn tới chưa thực sự rõ rệt.

Về vấn đề này, Bộ phận Phân tích Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, năm 2019, khi các ngân hàng trung ương tiếp tục thực hiện việc thắt chặt tiền tệ, dừng các gói nới lỏng định lượng (QE), việc huy động vốn sẽ khó khăn hơn, hoạt động mua ròng của các quỹ chỉ số, DR, P-Notes sẽ khó tăng trưởng mạnh.

Nhưng thị trường Việt Nam vẫn có thể thu hút được dòng vốn từ Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua các thương vụ thoái vốn, thỏa thuận lô lớn. Bên cạnh đó, các quỹ đầu cơ nâng hạng sẽ sớm tham gia vào thị trường ở các cổ phiếu vốn hóa lớn.

Theo dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng là 100%, ngoại trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc pháp luật chuyên ngành có quy định cụ thể thấp hơn về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Ðiểm tích cực của việc sửa đổi này là đã loại bỏ thủ tục công ty đại chúng cần thông qua đại hội đồng cổ đông và việc mở rộng giới hạn này sẽ tạo điều kiện cho nhiều cổ phiếu của công ty Việt Nam đủ điều kiện tham gia vào chỉ số MSCI các thị trường mới nổi.

Trong bối cảnh này, cơ hội sẽ đến với ngành bảo hiểm, khi đây là ngành không hạn chế tỷ lệ sở hữu của khối ngoại và nhà đầu tư hoàn toàn có thể nâng tỷ lệ sở hữu mà không cần sự thông qua của đại hội đồng cổ đông. Trong đó, những doanh nghiệp nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu lên trên 50% có thể kể tới như PVI, BMI…

Cơ hội cũng đến với các cổ phiếu hiện đang kín “room” mà nhà đầu tư nước ngoài ưa thích mua vào như REE, PNJ… Trong khi đó, cổ đông của nhiều doanh nghiệp sẽ chịu áp lực mua vào để nâng tỷ lệ sở hữu trước khi nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ tỷ lệ đa số. Tuy nhiên, với những cổ phiếu này, điều kiện trước tiên là loại bỏ các ngành nghề đang bị hạn chế theo quy định chuyên ngành.

Theo tính toán của BVSC, nếu thị trường chứng khoán Việt Nam được MSCI và FTSE nâng hạng lên thị trường mới nổi vào năm 2020 thì sẽ có khoảng 1 tỷ USD đầu tư thụ động vào thị trường do các quỹ ETFs phải tái cơ cấu để đưa các cổ phiếu của các công ty Việt Nam vào danh mục.

Ở góc độ của nhà đầu tư, PYN Elite cho rằng, danh mục đầu tư cốt lõi của PYN vẫn bị định giá thấp. P/E cốt lõi ước tính của Quỹ trong năm 2019 là 7,8 và 6,9 lần cho năm 2020. Ðối với các công ty cốt lõi trong danh mục, PYN dự báo tăng trưởng lợi nhuận 25% hàng năm trong giai đoạn từ 2018 - 2020, cao hơn so với mức dự báo tăng trưởng lợi nhuận 15% của Việt Nam trong năm 2019.

Ví dụ MWG, cổ phiếu đang chiếm tỷ trọng 16,3% trong danh mục của PYN, đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận ròng năm 2018 vào cuối tháng 11/2018. Mục tiêu doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2019 lần lượt đặt mốc 108.468 tỷ đồng (tăng 26%) và 3.571 tỷ đồng (tăng 37%).

Cổ phiếu MWG hiện đang hấp dẫn với P/E 2018 ở mức 12,5 và P/E 2019 ở mức 10. PYN cho biết, Quỹ sẽ tiếp tục nắm giữ cổ phiếu này vì định giá của cổ phiếu rất khiêm tốn, trong khi tiềm năng tăng trưởng là rất rõ ràng.

Về tình hình năm 2019, Chính phủ Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 2019 là 6,8%, đảm bảo cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát. Ngoài ra, PYN đánh giá, Luật Chứng khoán sửa đổi sẽ cải thiện quyền sở hữu của khối ngoại tại các công ty đại chúng Việt Nam.

Tin bài liên quan