Nhà đầu tư Mỹ quay lưng lại với chứng khoán Trung Quốc khi rủi ro chính sách ngày càng tăng

Nhà đầu tư Mỹ quay lưng lại với chứng khoán Trung Quốc khi rủi ro chính sách ngày càng tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đối với các nhà đầu tư Mỹ, chứng khoán Trung Quốc đang trở thành loại tài sản không nên sở hữu vì quá rủi ro.

Các nhà đầu tư có ảnh hưởng như George Soros đã cắt tỷ trọng cổ phiếu Trung Quốc và quỹ đầu tư ARKK ETF của nhà đầu tư nổi tiếng Cathie Wood cũng không còn nắm giữ bất kỳ cổ phiếu Trung Quốc nào. Tại London, Marshall Wace - một trong những quỹ đầu cơ lớn nhất thế giới - cho biết ADR (chứng chỉ lưu ký tại Mỹ) của Trung Quốc hiện đã không thể đầu tư vì quá rủi ro.

Đây là một sự thay đổi lớn so với đầu năm 2021 khi các nhà đầu tư toàn cầu bơm nhiều tiền vào cổ phiếu Trung Quốc hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử và Chỉ số MSCI Trung Quốc có thời điểm tăng lên mức cao nhất trong 27 năm.

Chỉ số MSCI China so với Chỉ số S&P 500

Chỉ số MSCI China so với Chỉ số S&P 500

Giờ đây, các nhà quản lý quỹ toàn cầu đang phải vật lộn với khoản lỗ hàng nghìn tỷ đô la khi chính phủ Trung Quốc nhắm mục tiêu kiểm soát một số lĩnh vực. Áp lực bán tháo tiếp tục diễn ra trong tuần này và chỉ số MSCI China Index đang giao dịch ở mức thấp nhất kể từ năm 2005 so với S&P 500.

Áp lực pháp lý ở cả Trung Quốc và Mỹ đều đang gia tăng. Hôm thứ Hai (16/8), Gary Gensler, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) đã cảnh báo về những rủi ro khi đầu tư vào các công ty Trung Quốc và yêu cầu nhân viên SEC “tạm dừng ngay bây giờ” trong việc phê duyệt IPO của các SPAC mà các công ty Trung Quốc sử dụng để niêm yết.

Chỉ số Nasdaq Golden Dragon China - theo dõi 98 công ty lớn nhất của Trung Quốc được niêm yết tại Mỹ - đã giảm ngày thứ sáu liên tiếp vào thứ Ba (17/8) sau khi Bắc Kinh ban hành một bộ quy tắc mới nhằm ngăn chặn cạnh tranh trực tuyến không lành mạnh.

Paul Marshall, đồng sáng lập quỹ đầu tư 59 tỷ USD Marshall Wace cho biết, việc Trung Quốc đàn áp các lĩnh vực công nghệ và giáo dục đã khiến nhà đầu tư rút khỏi các lĩnh vực này ngay cả khi các nhà chức trách đã tìm cách hạn chế thiệt hại.

Chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm gần 30% kể từ mức đỉnh vào tháng 2 trong khi chỉ số S&P 500 tăng 13% trong giai đoạn này và chỉ số MSCI Word Index tăng 6,9%. Trong bối cảnh đó, các chiến lược gia Phố Wall tiếp tục khuyến nghị hạ tỷ trọng về Trung Quốc và đang lạc quan về các công ty thuộc S&P 500 nhất trong hai thập kỷ.

Các giao dịch đang thu hút các nhà quản lý quỹ lớn tham gia nhất
Các giao dịch đang thu hút các nhà quản lý quỹ lớn tham gia nhất

Theo khảo sát mới nhất của Bank of America về các nhà quản lý quỹ, khoảng 11% các nhà quản lý quỹ được khảo sát xem việc “short” cổ phiếu Trung Quốc là giao dịch thu hút nhiều nhà đầu tư nhất, chỉ đứng sau vị thế “long” cổ phiếu Công nghệ của Mỹ và “long” các cổ phiếu đáp ứng tiêu chí ESG.

Khoảng 16% những người được khảo sát cho biết chính sách Trung Quốc đang là rủi ro lớn nhất hiện nay, tăng từ mức gần như bằng không vào tháng 7. Rủi ro chính sách Trung Quốc chỉ xếp sau các rủi ro lạm phát, mối lo ngại khi chính sách tiền tệ nới lỏng bị đảo ngược, Covid-19 và bong bóng tài sản.

Sự thay đổi của cổ phiếu Trung Quốc khiến các công ty Trung Quốc đang biến mất khỏi bảng xếp hạng các công ty lớn nhất thế giới theo vốn hóa thị trường. Tencent là công ty Trung Quốc duy nhất vẫn nằm trong số 10 công ty niêm yết công khai lớn nhất và sắp bị Visa vượt qua về quy mô vốn hoá.

Tin bài liên quan