Theo ông, hiện Việt Nam có những điều kiện thuận lợi gì để thu hút mạnh hơn dòng vốn đầu tư từ Mỹ?
Vài năm sắp tới sẽ là thời gian nền kinh tế Việt Nam cất cánh. Nếu các NĐT, trong đó có NĐT Mỹ, muốn đầu tư vào thị trường Việt Nam, đặc biệt là đầu tư tài chính, thì không nên để vuột mất cơ hội “đi tắt đón đầu” ngay từ bây giờ.
Lý do là bên cạnh nhiều điểm mạnh hiện hữu như ổn định chính trị, dân số vàng và thu nhập người dân gia tăng, Việt Nam còn đang đứng trước những cơ hội lớn để vươn xa, thông qua các chương trình cải cách ngành ngân hàng, cổ phần hóa DNNN, thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn.
Vận hội cho Việt Nam còn là Cộng đồng kinh tế ASEAN sắp được thành lập, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp được ký kết. 12 nước thành viên TPP hiện chiếm 40% tổng GDP và 30% tổng lượng giao thương toàn thế giới; sau khi gia nhập TPP, Việt Nam được dự đoán sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Ông đánh giá những ngành, lĩnh vực nào của Việt Nam có cơ hội gọi vốn từ NĐT Mỹ?
Tôi cho rằng, NĐT Mỹ mong muốn nhất là thị trường Việt Nam phải mở rộng hơn. Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài, việc Việt Nam có thể tham gia TPP là một trong những yếu tố tăng tính hấp dẫn. Cộng đồng kinh tế ASEAN đang từng bước hình thành cũng là một bước tiến mà NĐT trông đợi.
Về đầu tư tài chính, để thu hút thêm nhiều NĐT quốc tế, chúng tôi nghĩ, điều quan trọng nhất là phải mở rộng quy mô thị trường thông qua việc có thêm nhiều sản phẩm đầu tư từ chương trình cổ phần hóa các DNNN gắn với niêm yết và nới "room" cho NĐT nước ngoài.
NĐT quốc tế cũng mong muốn các DN niêm yết áp dụng các nguyên tắc tài chính chuẩn mực, cải thiện chất lượng quản trị DN; đồng thời kỳ vọng vào các quy định, các chế tài của cơ quan quản lý để tăng cường tính minh bạch và bảo vệ NĐT trong hoạt động kinh doanh của DN và hoạt động của thị trường vốn.
Với đầu tư tài chính, bất kỳ NĐT nào cũng đều quan tâm đến các công ty có định giá hấp dẫn và triển vọng tăng trưởng. Gần đây, theo quan sát của chúng tôi, đã có các NĐT chiến lược tập trung vào một vài nhóm ngành cụ thể, như Mondelez International mua 80% cổ phần tại CTCP Kinh Đô Bình Dương để tham gia lĩnh vực tiêu dùng tại Việt Nam, hay Standard Chartered tham gia lĩnh vực nông nghiệp thông qua CTCP Bảo vệ thực vật An Giang...
VinaCapital đã và sẽ có nỗ lực gì để thúc đẩy sự kết nối giữa NĐT Mỹ với DN, với TTCK Việt Nam, thưa ông?
VinaCapital luôn nỗ lực quảng bá sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam tại nhiều hội nghị và diễn đàn kinh tế lớn. Bên cạnh đó, hàng năm, Tập đoàn tổ chức Hội nghị các NĐT, mời các NĐT tận mắt chứng kiến những bước tiến của Việt Nam và giới thiệu các cơ hội đầu tư tốt nhất.
Chúng tôi cũng thường xuyên thực hiện các hoạt động quảng bá đầu tư và kêu gọi thêm vốn từ các NĐT Mỹ, cũng như các nước khác. Các quỹ đầu tư nước ngoài khi bắt đầu tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam thường tìm đến VinaCapital như một địa chỉ tham vấn đáng tin cậy.
Riêng với chương trình quảng bá các cơ hội đầu tư Việt Nam tại Mỹ lần này, VinaCapital cùng với một số đơn vị khác trong ngành quản lý đầu tư tại Việt Nam đã mời các NĐT thực sự quan tâm đến Việt Nam đến tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính tại New York, tham gia các phiên trao đổi trực tiếp với lãnh đạo Chính phủ cũng như các DN đầu ngành của Việt Nam.
Ngoài ra, chúng tôi sắp xếp các cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Bộ Tài chính và UBCK với các nhà quản lý của các quỹ đầu tư có quy mô toàn cầu và quan tâm đến Việt Nam, trong đó có Blackstone, Lazard, Carlyle Group, Warburg Pincus...