Theo thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Trung Quốc sẽ cho phép các tổ chức Mỹ nộp đơn xin giấy phép hoạt động đối với loại hình công ty quản lý tài sản (bắt đầu tại một số khu vực).
Điều này cho phép các doanh nghiệp có thể tiến hành thu mua các khoản nợ xấu trực tiếp từ các nhà băng Đại lục.
Trước đó, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép hoạt động tại thị trường thứ cấp, tức là mua lại các khoản nợ xấu ngân hàng từ các công ty quản lý tài sản Trung Quốc.
Theo giới chuyên gia, nhà đầu tư bắt đầu được chào đón tại thị trường này bởi Trung Quốc cần dòng tiền mới để giải quyết các vấn đề liên quan tới nợ xấu hiện nay.
Khối lượng nợ xấu tại hệ thống ngân hàng Đại lục vào khoảng hơn 2.200 tỷ nhân dân tệ, tương đương 319 tỷ USD.
Các công ty quản lý tài sản của tổ chức tín dụng (được gọi là ngân hàng nợ xấu) được giao nhiệm vụ quản lý khối nợ này, nhưng không có nhiều cải thiện.
Bên cạnh 4 ngân hàng nợ xấu được thành lập kể từ những năm 1990, trong 3 năm qua, đã có hơn 50 công ty quản lý tài sản được thành lập tại các địa phương để giải quyết câu chuyện nợ xấu.
Ban đầu, đây được xem là giải pháp tiềm năng, khi các công ty quản lý tài sản không được thiết lập như tổ chức tài chính, đồng nghĩa với việc không phải chấp hành các quy định về vốn.
Các doanh nghiệp này trực tiếp mua nợ xấu từ các nhà băng địa phương, sau đó bán ra tại thị trường thứ cấp.
Tuy nhiên, cho tới nay, chính các tổ chức này đang đối diện với vấn đề về thanh khoản và đối diện rủi ro tái huy động vốn.
Điều này dẫn tới việc Baoshang Bank Co đã phá sản trong năm 2019 - lần đầu tiên một nhà băng Trung Quốc phá sản trong nhiều thập kỷ qua.
Theo chiến lược gia tại KPMG LLP, bối cảnh hiện tại khiến Trung Quốc tìm tới các nhà đầu tư nước ngoài nhằm thúc đẩy sự phát triển của thị trường nợ xấu.
Nhưng tại sao nhà đầu tư Mỹ lại muốn tham gia vào lĩnh vực này, nhất là khi theo đánh giá của Moody’s Investors Service Inc, các công ty quản lý tài sản Trung Quốc hoạt động với nguyên tắc mù mờ, hệ thống kết nối kém minh bạch?
Thị trường nợ xấu tại đây duy trì tình trạng thiếu sự quản lý có hệ thống, tầm nhìn hạn chế và không công khai?
Bên cạnh đó, chất lượng của các khoản nợ xấu cũng là vấn đề lớn.
Một trong những lý do Trung Quốc thành lập nhiều công ty quản lý tài sản tại các địa phương là bởi sự nhức nhối của những khoản nợ xấu tại các ngân hàng này, khi dòng tiền được đổ ra nền kinh tế thiếu sự kiểm soát.
Tại các thành phố nhỏ, nợ xấu của nhà băng tăng tới 78% trong quý III/2019 so với cùng kỳ năm trước đó.
Hiện tại, khối nợ xấu tại đây chiếm hơn 1/3 tổng số nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và giữ xu hướng tăng. Thậm chí, một số nhà băng địa phương công bố tỷ lệ nợ xấu ở mức 4%, so với mức 1-2% tại các ngân hàng lớn.
Theo thỏa thuận thương mại, các nhà đầu tư tổ chức Mỹ sẽ được đối xử công bằng với doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng thực tế cho thấy, mối liên hệ chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các nhà băng khó có thể bị “phá vỡ”.
Chưa kể, các trường hợp phá sản tại Trung Quốc chứng minh một thực tế, quyền lợi của chủ nợ tại đây khá mơ hồ và việc đòi hỏi lợi ích trong các vụ phá sản là rất khó khăn với cả các chủ nợ là doanh nghiệp Đại lục.
Những yếu tố kể trên có thể khiến nhà đầu tư Mỹ chần chừ bước chân vào thị trường nợ xấu tại Trung Quốc, ngay cả khi quốc gia này đã mở cửa chào đón.