Thoái vốn nhà nước chưa như kỳ vọng
Năm 2017, theo Quyết định 1232/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước sẽ thoái vốn tại 135 doanh nghiệp. Nhưng theo Bộ Tài chính, trên thực tế chỉ có 10 đơn vị thực hiện thoái vốn, trong đó có 8 đơn vị nằm trong danh sách thoái vốn năm 2017 và 2 đơn vị nằm trong danh sách thoái vốn năm 2018.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2018 tại Bộ Tài chính và Bộ Công thương mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn kết quả thoái vốn tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) như là hình mẫu thành công của các đợt thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp đã cổ phần hóa, đang niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Riêng hoạt động thoái 53,59% cổ phần Sabeco trong tháng 12/2017 đã mang về cho Nhà nước 110.000 tỷ đồng, gấp 1,8 lần mục tiêu thu ngân sách nhà nước đạt 60.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước năm 2017.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trong năm 2017 phải tập trung thoái vốn như hình mẫu Vinamilk và Sabeco nhằm mang lại hiệu quả cao nhất cho Nhà nước, đồng thời thúc đẩy cải cách để doanh nghiệp hoạt động ngày một hiệu quả và minh bạch.
Theo nhìn nhận của ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, tiến độ thoái vốn nhà nước chậm so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân của tình trạng này là một số bộ, ngành, địa phương còn bị động, chưa quyết liệt trong tổ chức thực hiện thoái vốn.
Chia sẻ góc nhìn từ phía thị trường, ông Vương Tuấn Dương, Phó giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn chưa có nhiều sự lựa chọn về hàng hóa cho nhà đầu tư. Nhiều cổ phiếu tốt đã hết “room” cho nhà đầu tư nước ngoài, trong khi lượng cổ phần bán ra ở các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước rất thấp, phổ biến từ 5 - 15%.
“Điều này rất khó thu hút các nhà đầu tư tổ chức lớn tham gia rót vốn vào các đợt IPO, qua đó góp phần cải thiện hoạt động công ty, tăng tính minh bạch và cạnh tranh cho doanh nghiệp”, ông Dương nói.
Tỷ lệ sở hữu của nhà nước nên giảm về 0%
Ông Dương cho rằng, nhà đầu tư hiện rất quan tâm đến tiến trình thoái vốn, IPO các doanh nghiệp nhà nước. Quá trình này sẽ sôi động hơn, thu hút nhiều dòng vốn lớn hơn nếu cổ đông nhà nước công bố lộ trình cụ thể giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp về 0%.
Cùng quan điểm, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam nhìn nhận, quá trình cổ đông nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp vừa qua đã được thúc đẩy, nên dần gia tăng thu hút nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài tham gia.
Theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, Nhà nước sẽ thoái vốn tại 406 doanh nghiệp trong giai đoạn 2017 - 2020, trong đó năm 2017 là 135 doanh nghiệp, năm 2018 là 181 doanh nghiệp, năm năm 2019 là 62 doanh nghiệp, năm 2020 là 28 doanh nghiệp.
Tuy nhiên, các đợt cổ đông nhà nước thoái vốn sẽ còn thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia hơn nữa nếu trong phương án thoái vốn tại các doanh nghiệp đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn chứng khoán, hay các đợt IPO doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa, cổ đông nhà nước thoái toàn bộ vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm cổ phần, hoặc cần nắm nhưng không chi phối.
Liên quan đến giải pháp thúc đẩy tiến trình thoái vốn nhà nước, đồng thời gia tăng tính hấp dẫn cho các đợt thoái vốn, giải pháp mà nhà quản lý đang thúc đẩy, theo ông Tiến, là đôn đốc các doanh nghiệp thoái toàn bộ vốn ở những doanh nghiệp không thuộc danh mục Nhà nước cần nắm giữ cổ phần, để chuyển giao doanh nghiệp cho khu vực tư nhân quản lý, đổi mới phát triển.
Nếu cơ quan quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp cố tình xây dựng phương án thoái vốn theo hướng cổ đông nhà nước tiếp tục nắm giữ cổ phần với tỷ lệ cao, không hấp dẫn nhà đầu tư tham gia, dẫn đến kết quả thoái vốn không đạt, thì sẽ phải chịu trách nhiệm.