Nhà đầu tư mất kiên nhẫn, thị trường giảm gần 10 điểm

Nhà đầu tư mất kiên nhẫn, thị trường giảm gần 10 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trong thời điểm thị trường vẫn thiếu vắng thông tin hỗ trợ mạnh, cùng những điểm tựa chính không xuất hiện đã khiến VN-Index có phiên giảm về 1.270 điểm.

Sau phiên sáng giảm điểm nhẹ với giao dịch có phần cởi mở hơn khi thanh khoản có tín hiệu gia tăng, thị trường bước vào phiên chiều tiếp diễn trạng thái giằng co nhẹ dưới vùng giá thấp.

Tuy nhiên, sau thời điểm 14h đôi chút, áp lực bán đột ngột gia tăng trên diện rộng, cũng như một bộ phận nhà đầu tư mất kiên nhẫn khi nắm giữ mà chưa thấy thành quả ở nhiều nhóm cổ phiếu và lựa chọn xả hàng giá thấp, khiến VN-Index có nhịp lao dốc mạnh về gần 1.265 điểm.

Tại ngưỡng điểm này, lực cầu đỡ giá xuất hiện và giúp chỉ số bật hồi lên trên ngưỡng hỗ trợ 1.270 điểm và thêm một lần lùi nhẹ dưới mốc điểm trên ở những phút cuối.

Đóng cửa, sàn HOSE có 107 mã tăng và 269 mã giảm, VN-Index giảm 9,88 điểm (-0,77%), xuống 1.269,89 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 793,9 triệu đơn vị, giá trị 19.090,7 tỷ đồng, tăng 27% về khối lượng và 33% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 65,4 triệu đơn vị, giá trị 1.550,5 tỷ đồng.

Nhóm bluechip chỉ còn HDB, TCB, PLX, MWG và VHM tăng nhẹ 0,2% đến 0,9%, cùng SSB, VNM về tham chiếu, còn lại đều giảm.

Trong đó, cổ phiếu GVR bị bán mạnh và có lúc đã giảm sàn, trước khi đóng cửa còn -4,1% xuống 33.750 đồng. Các cổ phiếu theo sau là POW, BCM, VIB và VRE khi để mất 2% đến 2,6%, những cái tên khác như CTG, ACB, MSN, FPT, BID cũng nới đà giảm so với cuối phiên sáng, dù chỉ mất trên dưới 1,5%.

Thanh khoản ở những cổ phiếu ngân hàng vẫn đáng kể nhất khi dẫn đầu nhóm và thuộc top cao nhất sàn, với VPB, VIB và TPB có từ 22,3 triệu đến hơn 31 triệu đơn vị, các mã ACB, STB, TCB, SHB, MBB khớp từ hơn 12 triệu đến hơn 20 triệu đơn vị.

Nhóm các cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là những cái tên từ cuối phiên sáng đứng vững, như SMC giữ giá trần +7% lên 7.530 đồng, khớp 1,63 triệu đơn vị và QCG +5,2% lên 11.050 đồng, khớp 2,14 triệu đơn vị.

Ngoài ra còn một vài cái tên khác nhận lực cầu tốt và tăng khá mạnh như ICT tăng trần +6,6% lên 12.900 đồng, GMC +6,2% lên 8.800 đồng, HDC +3,8% lên 27.200 đồng, BFC +3,8% lên 39.950 đồng, NHA +3,5% lên 26.600 đồng, GMD +3,5% lên 62.800 đồng, CTD +3,2% lên 67.100 đồng.

Đáng chú ý nhất vẫn là cổ phiếu EIB, khi thanh khoản chỉ đứng sau TPB trên sàn với hơn 29 triệu đơn vị và tăng gần 4% lên 21.600 đồng, mức cao nhất trong gần 2 năm qua.

Ở chiều ngược lại, RDP bị bán tháo và giảm về gần giá sàn -6,5% xuống 1.870 đồng, khớp 0,71 triệu đơn vị. Các mã giảm đáng kể khác xuất hiện ở nhiều nhóm ngành khác nhau, với những cái tên CMG, KPF, DGW, VDS, HCD, HVH, KBC, OCB, IMP, YEG, khi để mất từ hơn 3% đến hơn 4%.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có nhịp giảm mạnh vào đầu phiên chiều, trước khi chững lại và thu hẹp đà giảm vào cuối ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 61 mã tăng và 93 mã giảm, HNX-Index giảm 1,92 điểm (-0,85%), xuống 225,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,8 triệu đơn vị, giá trị 992,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7 triệu đơn vị, giá trị 524,9 tỷ đồng.

Các mã lớn đều giảm, nhưng mức giảm cũng được chặn lại và đa phần chỉ còn mất điểm nhẹ, như SHS, MBS, PVS, PVI giảm 1,6% đến 2%, còn IDC -3,1% xuống 53.900 đồng, còn CEO, TNG, BVS về được giá tham chiếu, đó. Trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn khi có hơn 12,8 triệu đơn vị.

Tăng điểm ngoài DDG giữ sắc tím tại 2.800 đồng, thì LAS và NRC nhích 1,9% và 2,9%, khớp 1,1 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng nới đà giảm trong phiên chiều và chững lại ở những phút cuối.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,41 điểm (-0,45%), xuống 91,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 34,2 triệu đơn vị, giá trị 467 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 8 triệu đơn vị, giá trị 80,8 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu LTG và DFF bị bán tháo và giảm sàn về 8.100 đồng và 1.600 đồng, khớp lần lượt 4,3 triệu và 1,09 triệu đơn vị.

Trái ngược là cổ phiếu SD6 khi giữ giá trần +13,3% lên 3.400 đồng, khớp gần 0,4 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu BSR, BVB, HNG, VGI, TVN, MSR giảm từ hơn 2% đến hơn 3%, với BSR thanh khoản cao nhất UpCoM khi có hơn 8,77 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2411 giảm 11,7 điểm, tương đương -0,86% xuống 1.352,2 điểm, khớp hơn 195.800 đơn vị, khối lượng mở hơn 53.800 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ lấn át, với các mã thanh khoản cao nhất như SMSN2403 khớp 4,25 triệu đơn vị và giảm 15,2% xuống 390 đồng/cq. Mã CMBB2315 khớp 3,21 triệu đơn vị và giảm 3,6% xuống 1.630 đồng/cq.

Tin bài liên quan