Mới đây, ông Trần Quốc Việt ở quận Đống Đa, Hà Nội đã phản ánh với Báo Đầu tư Chứng khoán về tình trạng tài khoản ở CTCK Tràng An bị phong tỏa nhiều năm, ảnh hưởng đến quyền lợi đặc biệt khi VN Index vượt mốc 1.200.
Theo đó, tài khoản của ông có gần 200.000 cổ phiếu D2D. Hiện giá cổ phiếu này vào khoảng 66.000 đồng/CP, tương đương hơn 13 tỷ đồng. Thậm chí, có giai đoạn giá cổ phiếu này lên tời 70.000 - 80.000 đồng/cổ phiếu, nhưng do tài khoản bị phong tỏa, ông không thể bán để thu hồi vốn.
Theo phản ánh của ông Việt, năm 2008, ông và vợ ông mỗi người mở một tài khoản giao dịch tại CTCK Tràng An. Trong khoản thời gian 2008 - 2010, ông và vợ vẫn thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán bình thường, có lời, có lỗ. Riêng năm 2009, ông chuyển hơn 10 tỷ đồng vào tài khoản để mua bán chứng khoán.
Nhưng đến năm 2010, CTCK Tràng An mời ông ra đối chiếu giao dịch mua bán, ông Việt mới giật mình vì ông bỗng dưng có số nợ vay trên 7 tỷ đồng.
Theo ông Việt, số liệu do Công ty cung cấp không đúng, nhiều mã cổ phiếu và số lượng cổ phiếu không đúng với các giao dịch của ông. Một số mã cổ phiếu đúng là ông có mua nhưng số lượng không nhiều như trên tài khoản. Chẳng hạn, mã cổ phiếu D2D, ông Việt chỉ mua 200.000 cổ phiếu, nhưng số liệu của CTCK Tràng An lại là 250.000 cổ phiếu.
Quá trình mua bán chứng khoán, ông Việt có vay nợ công ty, nhưng số nợ không lớn đến 7 tỷ đồng. Cụ thể, năm 2009, ông có vay Công ty số tiền 3 tỷ đồng, lãi suất 15%/năm, thời hạn 3 tháng và sử dụng sổ đỏ làm tài sản bảo đảm. Sau thời hạn vay nợ nói trên, ông đã trả đủ cả gốc và lãi.
Sau đó, ông Việt tiếp tục vay lại 3 tỷ đồng để đầu tư chứng khoán, mua bán một số cổ phiếu, đã trả nợ hơn 1 tỷ đồng và chỉ còn nợ lại công ty 1,9 tỷ đồng. Công ty có thông báo về số nợ qua email cho ông Việt.
Trước việc số nợ lên tới hơn 7 tỷ đồng, ông Việt đã phản ứng mạnh mẽ với Công ty và quá trình trao đổi qua lại, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (Kế toán trưởng) thừa nhận, Công ty đã mua 147.000 cổ phiếu KKC trên 2 tài khoản của vợ chồng ông với giá trị giao dịch khoảng 6,3 tỷ đồng và mua 50.000 cổ phiếu D2D.
Theo đơn thư của ông Việt, bà Lan hứa hẹn thời điểm thuận lợi sẽ tất toán số cổ phiếu và không ảnh hưởng đến 2 tài khoản của ông Việt.
Ông Việt cho biết: “Tôi vẫn còn lưu giữ các bản trích xuất email và tài khoản trong máy tính thể hiện một số giao dịch mà CTCK Tràng An đã tự ý chuyển tiền mua – bán, thu hồi nợ trên 2 tài khoản”.
Cũng theo ông Việt, ông và một số nhà đầu tư đã gay gắt yêu cầu Công ty làm rõ việc tự mua bán và trả lại tiền, chứng khoán trên các tài khoản của mình, nhưng CTCK Tràng An đều khất, hứa hẹn đang đối chiếu, đang xác minh số liệu và đề nghị nhà đầu tư chờ thêm thời gian nữa.
Từ đó đến nay, giữa ông Việt và CTCK Tràng An chưa ký được biên bản xác nhận mua bán, vay nợ trên các tài khoản chứng khoán nói trên.
Sự việc kéo dài và ông Việt đã làm đơn thư gửi tới UBCK và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán đã phong tỏa 2 tài khoản đứng tên vợ chồng ông Việt để chờ kết quả giải quyết.
Đến năm 2012, tình hình CTCK Tràng An xấu đi. Tháng 9/2012, VSD đã đình chỉ tạm thời hoạt động lưu ký của CTCK Tràng An do thường xuyên vi phạm nghĩa vụ thanh toán giao dịch chứng khoán và không hoàn trả tiền vay quỹ hỗ trợ thanh toán đúng thời hạn.
Tại thời điểm này, CTCK Tràng An đã lỗ 6 quý liên tiếp, lũy kế gần 70 tỷ đồng, chiếm hơn 50% vốn điều lệ dẫn tới kiểm toán lưu ý nhà đầu tư về khả năng hoạt động liên tục của công ty.
Sang tháng 10/2012, CTCK Tràng An bị ngừng hoạt động tại 2 Sở Giao dịch chứng khoán. UBCK quyết định rút giấy phép hoạt động lưu ký chứng khoán dẫn đến CTCK Tràng An không thể thực hiện các giao dịch, thanh toán bù trừ cho khách hàng và cũng không đủ điều kiện làm thành viên giao dịch chứng khoán của hai Sở Giao dịch.
Cũng trong giai đoạn này, UBCK đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại CTCK Tràng An và phát hiện một số vi phạm về hoạt động môi giới và cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Đầu năm 2013, ông Lê Hồ Khôi, Tổng giám đốc của CTCK Tràng An bị bắt, tiếp đó, nhiều cá nhân khác như bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (Kế toán trưởng), Nguyễn Trí Dũng, Phó giám đốc giao dịch... bị khởi tố, điều tra, bắt tạm giam...
Đến nay, vụ án này vẫn chưa có kết quả cuối cùng. Bức xúc với việc tài sản bị phong tỏa kéo dài, vừa qua, ông Việt lại một lần nữa đơn thư đến Chủ tịch UBCK và cho rằng, CTCK Tràng An hoạt động trái quy định pháp luật, tự ý mua bán trái phép trên tài khoản của nhà đầu tư, không theo dõi hạch toán theo quy định thì các cá nhân vi phạm phải chịu trách nhiệm. Việc phong tỏa tài khoản kéo dài khiến nhà đầu tư thua thiệt.
Ông Việt đề nghị cơ quan chức năng căn cứ vào hồ sơ tài liệu để sớm giải tỏa số cổ phiếu có trong tài khoản.