Tập đoàn Kinh Đô (KDC) và CTCK VPBank (VPBS) mua lần lượt 24% và 8% cổ phần của Vocarimex

Tập đoàn Kinh Đô (KDC) và CTCK VPBank (VPBS) mua lần lượt 24% và 8% cổ phần của Vocarimex

Nhà đầu tư lớn trong nước liên tục tung tiền mua cổ phần chiến lược

(ĐTCK) Trong khi nhà đầu tư nước ngoài tỏ ra khá dè dặt và kén chọn, các đại gia và nhiều doanh nghiệp đã ồ ạt tung tiền mua cổ phần chiến lược hoặc chi phối các doanh nghiệp trong nước. Tiền ở đâu ra và tại sao là thời điểm này?
 

Cụ thể, nhiều nhóm NĐT trong nước đang chứng tỏ sự lợi hại không kém các tổ chức nước ngoài. Họ không chỉ săn tìm cơ hội tham gia trở thành cổ đông lớn tại các DN, mà thậm chí còn sẵn sàng mua lại cổ phần từ các NĐT nước ngoài khi khối này có ý định rút lui.

Đại diện một công ty quản lý quỹ nước ngoài hiện đang quản lý nhiều khoản đầu tư lớn tại Việt Nam cho biết, gần đây, Công ty nhận được khá nhiều lời đề nghị mua lại các khoản đầu tư từ các NĐT trong nước. Điều này chưa từng xảy ra trước đây vì những NĐT đến đặt vấn đề này đều là NĐT nước ngoài.

Chưa trở thành một làn sóng, nhưng thực trạng này đang khá phổ biến. Câu chuyện CTCK Sài Gòn (SSI) cùng nhóm các công ty có liên quan trở thành cổ đông lớn của nhiều DN trong lĩnh vực nông nghiệp và thuỷ sản không còn mới, nhưng việc một số thành viên chủ chốt của SSI và nhóm NĐT có liên quan sẵn sàng mua lại toàn bộ hơn 61 triệu cổ phần SSI, tương đương tỷ lệ 17,51%, từ ANZ là câu chuyện khá “nóng” gần đây.

Nhiều người kỳ vọng Daiwa Securities Group Inc. sẽ nhân cơ hội ANZ thoái vốn để nâng tỷ lệ sở hữu của mình tại SSI từ mức 10,03% hiện nay, nhưng danh sách tên những người mua và đăng ký mua cổ phiếu SSI không thấy có NĐT ngoại này.

Tương tự, một nhóm NĐT trong nước dự kiến sẽ mua khối lượng lớn cổ phần do CTCP Đầu tư Căn nhà mơ ước (DRH) phát hành thêm với giá “không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phần”, trong khi thị giá cổ phiếu này hiện chưa bằng một nửa mệnh giá.

Cụ thể, HĐQT DRH vừa quyết định thông qua danh sách NĐT và khối lượng cổ phần chào bán riêng lẻ, theo đó, một nhóm NĐT gồm 3 tổ chức và 5 cá nhân sẽ mua tổng cộng 11,6 triệu cổ phần DRH. Vào ngày quyết định này được thông qua (13/10), DRH giao dịch ở mức giá 4.400 đồng/cổ phiếu.

DRH hiện có vốn điều lệ 184 tỷ đồng. Như vậy, sau đợt phát hành, nhóm NĐT này sẽ sở hữu 39% vốn điều lệ DRH. Trong danh sách các NĐT, CTCP Dịch vụ Đầu tư Sông Ngân và ông Lưu Tường Giai có liên quan với nhau; CEO của Sông Ngân, ông Lưu Tường Bách, là em ruột ông Giai.

Hàng loạt thông tin như thế cũng xuất hiện liên tục thời gian gần đây. Chẳng hạn, 2 lãnh đạo của Tập đoàn FLC (FLC) đã mua lại cổ phần của CTCP Nông dược H.A.I (HAI) và cùng nhau nắm giữ xấp xỉ 33,1%. Đồng thời, CTCP Liên doanh Đầu tư Quốc tế KLF (KLF) cũng đã mua xong 24,5% cổ phần của HAI. Gộp chung lại, nhóm FLC và KLF đã sở hữu gần 60% cổ phần của HAI.

Hay Tập đoàn Sao Mai (ASM) mua lại 63,5% cổ phần của CTCP Du lịch Đồng Tháp; Tập đoàn Vingroup (VIC) mua lại 70% cổ phần của CTCP Bán lẻ và Quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail) từ Tập đoàn Đại Dương (OGC)…

Trong nhiều đợt bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của khối DNNN gần đây, NĐT trong nước cũng là những người mua chính. Phiên đấu giá hơn 37,9 triệu cổ phần của Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) hoàn toàn vắng bóng NĐT nước ngoài. Tại phiên đấu giá hơn 31 triệu cổ phần của Công ty Dịch vụ Hàng không sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco), một NĐT trong nước đặt mua đến 31 triệu cổ phần của công ty này.

Trường hợp của Vocarimex và Sasco, NĐT chiến lược đều là trong nước. Tập đoàn Kinh Đô (KDC) và CTCK VPBank (VPBS) mua lần lượt 24% và 8% cổ phần của Vocarimex, trong khi đó, 3 NĐT chiến lược của Sasco đều có liên quan đến Tập đoàn Imex Pan Pacific, đó là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) mua hơn 21 triệu cổ phần ( chiếm 16%), Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) mua gần 6,6 triệu cổ phần (5%) và Công ty TNHH Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC) mua hơn 3,4 triệu cổ phần (2,6%).

Đằng sau sự thành công của một số thương vụ được cho là có sự trợ thủ đắc lực của ngân hàng, nhất là những thương vụ có giá trị lớn. Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng đã giảm xuống mức thấp, nhưng đầu ra vẫn khá trầy trật, trong khi đầu tư vào kênh trái phiếu chính phủ cũng không còn nhiều dư địa, nên ngân hàng khó có thể bỏ qua những cơ hội này.

Tuy nhiên, không loại trừ khả năng có những cấu kết lòng vòng ở một số thương vụ. CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HQC) vừa phát hành 50 triệu cổ phần cho 3 NĐT chiến lược là CTCP Đầu tư Xây dựng Phát triển Nhà Bảo Linh (20 triệu cổ phần), Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Bất động sản Đông Dương (20 triệu cổ phần) và CTCP Xây dựng và Kinh doanh Nhà Bình Thuận (10 triệu cổ phần). Theo những thông tin có thể kiểm chứng, Bảo Linh và Bình Thuận ít nhiều có liên quan đến HQC. 

Tin bài liên quan