Nhà đầu tư lớn nhất ASEAN - Singapore tiếp tục đến Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, bà Catherine Wong Siow Ping, Đại sứ Singapore tại Việt Nam cho rằng, nhiều nhà đầu tư và doanh nghiệp Singapore tiếp tục đến Việt Nam đầu tư trong thời gian tới.
Nhà đầu tư lớn nhất ASEAN - Singapore tiếp tục đến Việt Nam

Bà đánh giá ra sao về vai trò của thị trường Việt Nam, nhà đầu tư Singapore có thể tìm thấy những cơ hội gì?

Việt Nam là một trong những thị trường trọng điểm ở Đông Nam Á mà các doanh nghiệp Singapore đang rất quan tâm. Singapore hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba của Việt Nam, với tổng vốn đăng ký lũy kế là 41,6 tỷ USD cho 1.894 dự án. Singapore cũng là nhà đầu tư lớn nhất trong ASEAN của Việt Nam, chiếm 60% tổng vốn đầu tư của ASEAN vào Việt Nam.

Các công ty Singapore có xu hướng áp dụng cách tiếp cận dài hạn khi đầu tư vào Việt Nam và đang tiếp tục tìm hiểu các cơ hội kinh doanh trong nhiều lĩnh vực.

Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Singapore tại Việt Nam cũng đa dạng hóa địa điểm đầu tư, ngoài các địa phương truyền thống như Hà Nội và TP.HCM, chuyển sang các địa phương khác như Đồng bằng sông Cửu Long, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Ngành chế tạo tiếp tục là ngành có sức cạnh tranh cao tại Việt Nam, đặc biệt là sau khi AEC được thành lập. Việt Nam cũng đã nỗ lực thành công để trở thành địa điểm sản xuất hấp dẫn và đã trở thành trung tâm sản xuất mới của châu Á.

Với lực lượng lao động trẻ và có kỹ năng, Việt Nam vẫn là thị trường hấp dẫn đối với doanh nghiệp Singapore trong các lĩnh vực may mặc, điện tử, tiêu dùng, thực phẩm.

Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam đã tạo nhiều cơ hội phát triển và quản lý đô thị, đặc biệt trong các lĩnh vực xây dựng, năng lượng và dịch vụ công. Đây là các lĩnh vực mà doanh nghiệp Singapore có nhiều thế mạnh và kinh nghiệm.

Singapore được coi là một hình mẫu về xử lý nước thải và nhiều doanh nghiệp Singapore muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này. Bà có thể nói rõ hơn?

Singapore có nhiều công ty hoạt động trong toàn bộ chuỗi giá trị liên quan đến nước, như xử lý nước, sản xuất thiết bị gốc và phát triển dự án. Các công ty Singapore rất muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này, cụ thể, xây dựng và vận hành các công trình xử lý nước tại các dự án vệ sinh, nhằm cung cấp nước uống cho người dân đô thị, cũng như cung cấp nước sạch cho các công trình công nghiệp.

Tuy nhiên, việc phát triển các dự án nước không hề dễ dàng, đặc biệt, nếu chi phí đầu tư cao sẽ không hấp dẫn đối với khách hàng. Để vượt qua thách thức này, các doanh nghiệp Singapore có thể hợp tác với các đối tác Việt Nam có quan hệ tốt với chính quyền các địa phương hay cộng đồng doanh nghiệp để có thể hỗ trợ phát triển các mô hình kinh doanh hấp dẫn đối với người mua nước.

Tầng lớp trung lưu đang ngày càng tăng tại Việt Nam, dẫn đến nhu cầu về các dịch vụ hiện đại ngày càng lớn hơn, các doanh nghiệp Singapore có ý định mở rộng đầu tư vào các lĩnh vực mới như ngân hàng, y tế, viễn thông hay không, thưa bà?

Việt Nam có dân số trên 93 triệu người, với tầng lớp trung lưu phát triển nhanh chóng, đã đem đến nhiều cơ hội trong các lĩnh vực tiêu dùng. Nhu cầu tăng và sự ưa thích các thương hiệu ngoại của người tiêu dùng Việt Nam đã thu hút doanh nghiệp Singapore đầu tư vào các lĩnh vực thực phẩm, nước giải khát, bán lẻ và ngân hàng. Tôi tin rằng, những lĩnh vực này sẽ là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam và doanh nghiệp Singapore rất muốn đóng góp vào sự phát triển của những lĩnh vực này.

Một xu hướng nữa mà chúng tôi thấy ở Việt Nam chính là cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang phát triển rất nhanh, đã thu hút làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài như các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà cung cấp văn phòng cho hệ sinh thái khởi nghiệp.

Ngoài việc thiết lập các cơ sở công nghệ tại Việt Nam, các nhà đầu tư Singapore còn tìm thấy cơ hội trong các lĩnh vực dịch vụ điện tử và dịch vụ hoàn thành (e-fulfillment).

Để thu hút thêm vốn đầu tư, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước. Nhiều nhà đầu tư Singapore cũng muốn mua cổ phần tại một số doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam. Theo bà, những cơ hội mua bán - sáp nhập (M&A) nào tại Việt Nam sẽ thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Singapore?

Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh cải cách và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, mở ra sự cạnh tranh trong một số lĩnh vực mà trước đây chỉ do Nhà nước nắm giữ. Điều này đã khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài chú ý.  

Các doanh nghiệp Singapore cũng đang xem xét M&A và đầu tư chiến lược là một cách thâm nhập thị trường Việt Nam. Theo tôi, các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng như thực phẩm, bán lẻ, viễn thông, y tế và giáo dục sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Singapore.

Tin bài liên quan