Nhà đầu tư lo mất trắng khi cổ phiếu SBS hủy niêm yết

Nhà đầu tư lo mất trắng khi cổ phiếu SBS hủy niêm yết

Nhiều cổ đông nắm cổ phiếu SBS hiện thua lỗ 50% so với lúc mua vào. Song, kể cả khi muốn bán thời điểm này cũng không dễ dàng.

 

Từng nằm trong top 10 thị phần môi giới, quy mô vốn lớn, lại có ngân hàng mẹ đứng sau, cách đây hơn 2 năm, khó ai nghĩ Công ty chứng khoán Sacombank (SBS) có ngày rơi vào hoàn cảnh bết bát như hiện tại. Báo cáo kiểm toán hợp nhất năm 2012 cho thấy lỗ lũy kế đến ngày 31/12/2012 là 1.767,76 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp 1.266,6 tỷ đồng. Đây là lý do khiến cổ phiếu SBS phải rời sàn từ 25/3 sau gần 3 năm niêm yết trên HOSE.

 

Hiện những nhà đầu tư vẫn còn sở hữu cổ phiếu SBS đứng ngồi không yên khi đã trót ôm vào lúc giá cao. Nếu so với mức đỉnh nhất trong một năm qua (7.300 đồng, ngày 18/4/2012) và giá đóng cửa hôm nay (2.400 đồng), cổ phiếu này giảm tới 67%.

 

Bước sang tuổi 76, bác Quyền, sống tại TP HCM vẫn tới dự đại hội cổ đông SBS hôm 26/2 để nghe ngóng tình hình công ty bởi 2 vợ chồng bác còn trong tay 7.000 cổ phiếu SBS. Vốn dĩ định bán nốt số chứng khoán này từ giữa năm ngoái nhưng ở kỳ đại hội cổ đông đó, Ban lãnh đạo mới quyết tâm tháo gỡ khó khăn, nhìn thẳng vào điểm yếu để sửa, không ngần ngại cầu cứu cổ đông... nên bác cố giữ lại và đến giờ chịu mức lỗ 50%. Cách đây khoảng nửa năm bác mua giá tới 5.000 đồng nhưng nay chỉ có 2.400 đồng.

 

Bác nhẩm tính, nếu bán ra trong thời điểm này chỉ thu về khoảng 17 triệu đồng, trong khi trước kia phải mất 35 triệu đồng để sở hữu 7.000 cổ phiếu SBS. "Dù sao giá cũng giảm quá nhiều, bán ra thu về chẳng bao nhiêu. Chỉ mong ban lãnh đạo của SBS vực dậy công ty trong thời gian ngắn nhất để những cổ đông trông chờ cổ tức như tôi hưởng lợi chút ít”, bác Quyền chia sẻ.

Nhà đầu tư lo mất trắng khi cổ phiếu SBS hủy niêm yết ảnh 1

Nhiều nhà đầu tư cho biết tới thời điểm này họ đã mất 50% giá trị danh mục

 

Trái ngược với tâm trạng chờ đợi như bác Quyền, anh Phúc đang sở hữu gần chục nghìn cổ phiếu SBS mong muốn bán toàn bộ số chứng khoán này. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là thanh khoản SBS rất thấp. Hôm 27/2, mã này chỉ khớp lệnh 30 cổ phiếu và cả ngày 28/2 chỉ có 190 đơn vị, trong khi trước đó giao dịch từ vài chục tới vài trăm nghìn, thậm chí cả triệu cổ phiếu.

 

Anh Phúc cho biết, thời điểm mua SBS giá khoảng 7.000 đồng (tháng 4/2012), nhưng nay còn chưa tới 3.000 đồng và đà giảm hiện chưa có dấu hiệu dừng lại. Cổ phiếu này đã lao dốc 7 ngày liền. Từ mức 3.400 đồng (ngày 19/2), đóng cửa phiên hôm 28/2 chỉ còn lại 2.400 đồng một cổ phiếu, mất gần 30%.

 

"Năm 2011, SBS đã thua lỗ nhưng tôi vẫn kỳ vọng Hội đồng quản trị sẽ làm cuộc cách mạng tái thiết lại công ty vì dù gì doanh nghiệp cũng có thương hiệu, tiếng tăm trên thị trường", anh tiếc nối khi vẫn giữ mớ cổ phiếu trong cả năm nay.

 

Trong khi đó, ở đại hội cổ đông năm ngoái, dàn lãnh đạo cao cấp của SBS gần như thay đổi toàn bộ và hàng loạt sếp lớn bán cổ phiếu mà không rõ nguyên nhân, chị Hạnh nhận thấy dấu hiệu bất ổn trong cơ cấu bộ máy nên bán dần. Hiện chị còn khoảng 10.000 chứng khoán SBS, chỉ bằng một phần tư cách đây 1 năm. Tuy nhiên, việc bán nốt số chứng khoán này không dễ gì vì chẳng ai muốn bỏ tiền gom cổ phiếu đang chờ ngày rời sàn.

 

"Có lẽ phải chờ cho tới khi cổ phiếu chuyển sang UPCoM mới có thể giao dịch trở lại. Nhưng cũng không biết đến bao giờ mới mua bán được vì thủ tục chuyển qua UPCoM không phải ngày một ngày hai là xong. Tới lúc đó giá cổ phiếu chẳng còn được bao nhiêu, không khéo lại mất trắng ", chị ngán ngẩm.

 

Còn anh Minh, đang nắm khoảng 1.040 cổ phiếu thất vọng với tình hình tài chính của SBS. "Thôi coi của để dành vì không biết khi nào mới có thể bán được mà giá bán cũng chẳng bao nhiêu", anh nói.

 

Trước tâm trạng rối bời của nhà đầu tư đang nắm cổ phiếu SBS, tại đại hội cổ đông ngày 26/2, ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch hội đồng quản trị kêu gọi cổ đông bình tĩnh và kiên nhẫn chờ đợi, không nên bán tháo cổ phiếu. Vị lãnh đạo mong muốn nhà đầu tư tiếp tục đồng hành cùng công ty vượt qua khó khăn.

 

Được coi là lối thoát cho Chứng khoán Sacombank hiện nay nên đề án tái cấu trúc toàn diện SBS nhanh chóng được cổ đông thông qua, gồm: tái cấu trúc nguồn vốn tự có, tái cấu trúc về cơ cấu tổ chức và tái cấu trúc về hoạt động kinh doanh. Hiện công ty chờ ý kiến của Ủy ban chứng khoán.

 

Từ một công ty ăn nên làm ra với mức lãi hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng giai đoạn 2007-2010, SBS đã quay ngoắt 180 độ trong năm 2011, lỗ tới 1.649 tỷ đồng. Đây cũng là công ty niêm yết duy nhất trên thị trường thua lỗ nặng nề như thế. Chỉ mới một năm trước đó, công ty này vẫn lãi 101 tỷ đồng và được xếp ở "chiếu trên" cùng những công ty chứng khoán có thị phần cao trên sàn chứng khoán. Sang 2012, công ty tiếp tục âm 126 tỷ đồng.

 

Thừa nhận việc gộp cổ phiếu theo tỷ lệ 7:1 là chưa có tiền lệ, song Chủ tịch SBS Kiều Hữu Dũng kỳ vọng sẽ được Ủy ban chứng khoán nhanh chóng thông qua để không còn bị lỗ trong năm 2013.

 

Tại đại hội cổ đông 26/2, công ty đề ra một số chỉ tiêu kinh doanh giai đoạn 2013 - 2015 như quy mô tổng tài sản 900-1.300 tỷ đồng, trong đó danh mục đầu tư cổ phiếu chiếm 30% (300 - 500 tỷ đồng). Thị phần dịch vụ môi giới đạt 5% (xếp trong top 5), vốn tự có tăng lên 500-1.000 tỷ đồng. Chỉ số EPS 1.000-2.000 đồng một cổ phiếu.

 

Cổ phiếu SBS chính thức giao dịch trên HOSE vào 5/7/2010. Song hành cùng những biến cố tại SBS, giá cổ phiếu công ty này lao dốc mạnh, nhất là năm 2011. Đầu năm, cổ phiếu này 33.000 đồng nhưng cuối năm chưa tới 5.000 đồng. Từ 2012 đến nay, mức cao nhất của cổ phiếu này là 7.300 đồng (18/4/2012) và thấp nhất là 900 đồng (3/12/2012).