“Xin lỗi, chúng tôi tạm thời đóng cửa vì bất ổn xã hội”, thông báo được dán trên trên cửa sổ của một cửa hàng trưng bày xe hơi hạng sang ở trung tâm Hồng Kông.
Tuy nhiên, mặc dù gián đoạn kinh doanh, cộng đồng tài chính, cho đến nay, dường như vẫn không bị làm phiền. Thị trường chứng khoán đã giảm khoảng 3% đầu tuần này, tuần lễ hướng đến kỳ nghỉ quốc khánh của Trung Quốc, một sự thay đổi chỉ khiến tạo ra những cái nhíu mày của nhà đầu tư. Đồng đô - la Hồng Kông, vốn được gắn chặt vào đồng đô - la Mỹ, chỉ yếu đi không đáng kể.
“Phản ứng của thị trường rõ ràng là không tính đến việc bạn đang bị bất động ở đảo Hồng Kông”, một nhà phân tích của một công ty quản lý tài sản toàn cầu lớn, người được chỉ đạo không nói chuyện với báo chí về tình hình chính trị ở địa phương nói, “Bà Janet Yellen (Chủ tịch Fed) mà hắt hơi thì chắc là bạn đã cuống cả lên rồi”.
Thị trường chứng khoán Hồng Kông là thị trường có mức vốn hóa lớn thứ 4 châu Á và là nơi đặt văn phòng của nhiều công ty đa quốc gia như HSBC, Cheung Kong và Công ty Bảo hiểm AIA, cũng như các công ty lớn nhất thế giới khác, như ICBC, China Mobile và Tencent.
Nhà đầu tư cho biết, mối quan tâm hàng đầu của họ lúc này là mức độ nhanh hay chậm của việc tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Mỹ (Fed). “Khách quan mà nói thì Fed vẫn là thứ quan trọng nhất trong suy nghĩ của tôi về thị trường 12-18 tháng tới”, một nhà phân tích cho biết thêm.
Với nhiều nhà đầu tư, các cuộc biểu tình chỉ đơn thuần củng cố thêm quan điểm tiêu cực của họ về thị trường Hồng Kông. Khi làn sóng biểu tình trỗi dậy, Goldman Sachs đã khuyên các khách hàng là nhà đầu tư cổ phiếu hãy hướng sự chú ý vào các công ty niêm yết Hồng Kông có nguồn thu lớn từ bên ngoài đặc khu này. Lời khuyên này đã được Goldman Sachs đưa ra từ đầu năm nay.
“Thị trường lo lắng chứ chưa hoảng loạn”, các nhà phân tích ở Bank of America Merrill Lynch viết trong một lưu ý gửi khách hàng.
Một số nhà đầu tư so sánh tình hình ở Hồng Kông với những sự kiện diễn ra đầu năm nay ở Thái Lan, nơi hàng ngàn người biểu tình cũng làm tê liệt phần lớn thành phố Băng Cốc. Sự kiện ở đó cuối cùng đã dẫn đến bạo lực và suy giảm tăng trưởng kinh tế, nhưng thị trường chứng khoán chỉ bị gián đoạn không đáng kể và tăng điểm trở lại.
Tương tự như Thái Lan, ảnh hưởng hữu hình nhất đến hoạt động kinh doanh ở Hồng Kông có thể là sự sụt giảm của doanh số bán lẻ, lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào hoạt động chi tiêu của khách du lịch đến từ đại lục.
Thậm chí ngay trước khi các cuộc biểu tình diễn ra, thị trường bán lẻ Hồng Kông đã yếu khi khách du lịch Trung Quốc mải làm bù cho các ngày nghỉ quốc khánh của họ, trong khi cư dân Hồng Kông thì cắt giảm chi tiêu để đề phòng bất ổn.
Giới kinh tế nhận định, chiến dịch bất tuân không bạo động, đang ảnh hưởng đến nhiều khu phố mua sắm quan trọng của Hồng Kông, có thể chỉ làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế cũ hơn là gây ra các vấn đề mới.
“Cứ như những gì đang diễn ra thì đó không phải là một cái gì đó ghê gớm, xét về mặt kinh tế”, một nhà kinh tế ngân hàng đầu tư, cũng đề phòng báo giới về vấn đề biểu tình nói, “Nếu tình hình trở lại bình thường trong vòng 2 tuần tới thì tác động đối với GDP sẽ là tối thiểu”.
Mặc dù vẫn có một rủi ro là tình hình chính trị leo thang hay kéo dài, song hầu hết giới phân tích vẫn lạc quan rằng, các cuộc biểu tình đường phố sẽ chùng xuống trong những ngày tới. Khi đó, những thách thức cơ bản mà nền kinh tế đang đối mặt có thể lại chiếm vị trí trung tâm.
“Với giả định các cuộc biểu tình sẽ không biến thành bạo lực, các nhà đầu tư ở Hồng Kông có những vấn đề khác để xử lý, trước tiên là đồng USD tăng giá và tăng trưởng chậm lại ở đại lục”, Paul Krake, người sáng lập View From the Peak, một nhà nghiên cứu độc lập ở địa phương viết, “Cú sốc từ cuộc biểu tình sẽ đến và đi”.