Quỹ VEIL, quỹ đầu tư do DCG quản lý, đã niêm yết trên Sàn GDCK Luân Đôn (LSE) ngày 5/7/2016, với khát vọng sẽ trở thành một kênh huy động vốn nổi bật đối với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài quan tâm tới TTCK Việt Nam

Quỹ VEIL, quỹ đầu tư do DCG quản lý, đã niêm yết trên Sàn GDCK Luân Đôn (LSE) ngày 5/7/2016, với khát vọng sẽ trở thành một kênh huy động vốn nổi bật đối với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài quan tâm tới TTCK Việt Nam

Nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến thông tin tài chính

(ĐTCK) Ông Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Phát triển kinh doanh kiêm Trưởng nhóm Đầu tư có trách nhiệm của Dragon Capital Group (DCG) cho biết, trong lựa chọn đầu tư, các nhà đầu tư quốc tế đang hướng sự quan tâm nhiều hơn tới các thông tin phi tài chính để hiểu rõ hơn về giá trị, hiệu quả, uy tín và tính bền vững của các doanh nghiệp (DN). Nếu DN không nỗ lực giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, xã hội, sẽ không thể có và giữ được nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Xin ông cho biết, các tiêu chí đầu tư có trách nhiệm của DCG thể hiện trong tiêu chí lựa chọn danh mục đầu tư như thế nào?

DCG là một định chế tài chính cam kết đầu tư có trách nhiệm, ngoài việc phân tích các chỉ số tài chính truyền thống, thì việc tích hợp đánh giá các yếu tố phi tài chính bao gồm môi trường, xã hội và quản trị công ty (environmental, social, governance “ESG”) là phần quan trọng không thể thiếu trong quy trình quyết định đầu tư của chúng tôi.

Chính sách đầu tư có trách nhiệm của DCG có quy định rõ một “Danh sách loại trừ” (Exclusion list) liệt kê những ngành nghề và hoạt động mà DCG sẽ không đầu tư, cụ thể là những ngành nghề mà nguồn doanh thu chính của công ty đến từ những hoạt động như sòng bạc, sản xuất thuốc lá, rượu mạnh, vũ khí. DCG cam kết không đầu tư vào những hoạt động được xem là bất hợp pháp, bị cấm theo pháp luật của nước chủ nhà hoặc công ước quốc tế liên quan đến việc bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học, sản xuất kinh doanh các loại dược phẩm, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, chất độc hại, các loại hóa chất phá hoại tầng ozone, buôn bán động vật hoang dã, hay sản xuất các sản phẩm làm từ động vật hoang dã theo quy định của CITES, hoạt động đánh cá bằng lưới kéo trong môi trường đại dương sử dụng các lưới với chiều dài vượt quá 2,5 km...

Về tác động với xã hội, chúng tôi sẽ không đầu tư vào những hoạt động có liên quan đến việc cưỡng bức hoặc lợi dụng lao động trẻ em, những dự án có thể gây ảnh hưởng bất lợi tới các địa điểm thuộc di sản văn hóa, khảo cổ học, hoặc các hoạt động có liên quan đến di dời gây tác động xấu đến đất đai, phong tục truyền thống của người dân bản địa.

Nhà đầu tư không chỉ quan tâm đến thông tin tài chính ảnh 1

 Ông Phạm Nguyễn Vinh

Hệ thống quản lý rủi ro ESG của DCG là một quy trình với các công cụ, quy định từng bước đánh giá nhằm xác định mức độ rủi ro của dự án và đưa ra quyết định. Chỉ khi hoạt động của công ty mà DCG muốn đầu tư không nằm trong “Danh sách loại trừ” thì chúng tôi mới tiếp tục thực hiện những bước kế tiếp của quy trình đánh giá ESG cùng các chỉ số tài chính để quyết định về quy mô đầu tư. 

DCG đã áp dụng tiêu chí đầu tư có trách nhiệm từ bao giờ và nâng cấp các tiêu chí đó theo thời gian ra sao?

Chúng tôi chính thức thực hiện nguyên tắc đầu tư có trách nhiệm từ năm 2002. Từ đó cho đến nay, DCG đã sửa đổi và cập nhật 7 lần chính sách và hệ thống lý quản lý ESG.

Cùng với việc mở rộng lĩnh vực, quy mô, ngành nghề hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp là sự nảy sinh các yếu tố rủi ro mới về ESG, thêm vào đó là sức ép và đòi hỏi sự tuân thủ các chuẩn mực về ESG ngày càng cao từ các định chế đầu tư tài chính và các đối tác hữu quan quốc tế nên các mục tiêu về ESG sẽ không ngừng thay đổi theo thời gian và không gian. Do vậy, các tiêu chí và phương pháp đánh giá quản trị rủi ro về ESG tại DCG cũng cần phải thường xuyên được cập nhật.

Trong năm 2015, với sự hỗ trợ của các chuyên viên ESG của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), chúng tôi tiếp tục nâng cấp hệ thống quản lý ESG để bám sát hơn thực tế của môi trường đầu tư, đồng thời có được những điều chỉnh cần thiết trong phương pháp đánh giá cho phù hợp với chiến lược đầu tư của các quỹ. 

Với quy trình mới, các công ty sẽ được phân theo loại theo mức độ rủi ro về môi trường và xã hội theo ngành nghề chính của họ, thí dụ: A (rủi ro cao), B (rủi ro vừa), và C (là rủi ro thấp). Trong quy trình rà soát, chúng tôi áp dụng các nội dung chính của bộ “Tiêu chuẩn thực thi” bền vững môi trường và xã hội do IFC ban hành để đánh giá cách thức các công ty quản trị các rủi ro này như thế nào trong hoạt động sản xuất - kinh doanh. 

Riêng việc đánh giá chất lượng và tình hình quản trị công ty, chúng tôi lựa chọn các tiêu chí trọng yếu trong “Thẻ điểm quản trị công ty” của IFC Việt Nam làm nền tảng, với 5 nguyên tắc cơ bản về quản trị của OECD: Quyền của cổ đông; Đối xử công bằng với cổ đông; Vai trò của các bên liên quan; Công bố thông tin công khai và minh bạch; Trách nhiệm của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát.

Ông có thể chia sẻ những thách thức trong việc thực hiện đầu tư có trách nhiệm và ví dụ điển hình nào về hiệu tích ứng tích cực khi DCG thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm ở DN?

Nếu như các công ty mà DCG đang đầu tư có nảy sinh rủi ro cao về ESG, chúng tôi ngay lập tức tiếp cận và có kiến nghị, một số trường hợp nếu cần thiết chúng sẽ mời chuyên gia tư vấn cùng tham gia. Cũng có một số DN đã tiếp thu các đề xuất của chúng tôi một cách tích cực, họ có những cải thiện đáng ghi nhận,  như nâng cấp hệ thống xử lý chất thải, áp dụng các chuẩn mực quản lý rừng nhằm cân bằng hệ sinh thái, thực hiện các chính sách lương thưởng, chương trình đãi ngộ và đào tạo nhân viên. Về mặt quản trị công ty, một số DN đã tiếp nhận ý kiến đề xuất xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ, quản lý rủi ro, thành lập các tiểu ban giúp Hội đồng quản trị thực hiện nhiệm vụ và xây dựng tốt bộ phận quan hệ với nhà đầu tư nhằm đẩy mạnh minh bạch thông tin và trao đổi hai chiều.

Các yếu tố ESG là rủi ro, nhưng cũng là cơ hội. Thật tiếc vẫn còn rất nhiều DN xem ESG là chi phí, chứ không phải là cơ hội. Đây chính là một trong những thử thách lớn trong đầu tư có trách nhiệm tại Việt Nam. DN cần hiểu rõ ESG là cơ hội, vì khi xác định được rõ các rủi ro, lãnh đạo DN có cơ hội chuyển đổi tích cực, tăng cường quản trị rủi ro nội bộ, cũng cố quy trình quản lý, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ và giá trị thương hiệu nhằm cải thiện hiệu quả tài chính để tạo ra các giá trị bền vững trong dài hạn.

Nếu như DN có rủi ro cao về ESG, nhưng lãnh đạo phớt lờ, không đầu tư đúng mức để quản trị tốt, không nỗ lực để có những biện pháp tích cực giảm thiểu những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội, chúng tôi buộc phải thoái vốn để tránh rủi ro cho mình và cho các nhà đầu tư của chúng tôi.

DCG đang tham gia các hoạt động nào nhằm thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm, thưa ông?

Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã tích cực chủ động kết hợp với các đối tác hữu quan nâng cao nhận thức trong cộng đồng DN về phát triển bền vững. DCG đã đồng hành cùng Ban tổ chức Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên suốt 9 năm qua. Trong khuôn khổ Cuộc bình chọn, giải thưởng Báo cáo phát triển bền vững và Quản trị công ty tốt đã được đưa vào trong 3 năm gần đây, với mục tiêu tạo bước đệm thúc đẩy các DN niêm yết làm quen và thực hiện trách nhiệm lập báo cáo phát triển bền vững và quản trị công ty. Việc quan trọng là DN cần sớm chính thức thiết lập bộ chính sách và quy trình quản lý môi trường và xã hội của mình, đồng thời chỉ định cụ thể nguồn nhân lực chuyên trách để chủ trì thực hiện. Bộ phận chuyên trách cần kết hợp với các bộ phận trong tổ chức, nhà máy ghi nhận các số liệu cần thiết liên quan đến vấn đề này, sau đó đánh giá và phân tích các tác động nhằm đưa ra giải pháp (kết hợp với các bên tư vấn nếu cần thiết), lên chỉ tiêu, từng bước cải thiện những tác động tiêu cực và đánh giá sự tiến bộ các chỉ tiêu ESG theo từng năm.

Trên thực tế, chúng ta đều hiểu rõ rằng, thông tin tài chính, lượng tài sản to lớn và lợi nhuận chưa phản ánh được hết được thực tế hoạt động và rủi ro tiềm ẩn thực sự của DN. Chính những thông tin và hoạt động phi tài chính của DN ngày càng có ảnh hưởng đáng kể đến uy tín và hoạt động của DN và các đối tác. Các nhà đầu tư quốc tế đang hướng sự quan tâm nhiều hơn tới các thông tin phi tài chính của các các công ty để hiểu rõ hơn về giá trị, hiệu quả, uy tín và tính bền vững của họ.

Dragon Capital Group (DCG), quỹ đầu tư  nhiều kinh nghiệm tại Việt Nam và là tổ chức đi đầu trong hoạt động đầu tư có trách nhiệm, đưa các tiêu chuẩn đầu tư có trách nhiệm vào thực tế hoạt động đầu tư, cũng như thúc đẩy đầu tư có trách nhiệm ở Việt Nam.

DCG hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như “Hiệp hội Quản trị doanh nghiệp châu Á” (ACGA), “Nhóm nhà đầu tư tổ chức về biến đổi khí hậu” (IIGCC), “Hội đồng Công trình xanh Việt Nam” (VGBC). Gần đây, DCG tham gia bộ “Nguyên tắc về đầu tư có trách nhiệm của Liên hợp quốc” (PRI) trên cơ sở tự nguyện, với mục đích giúp các chuyên viên đầu tư của DCG có cơ hội được tiếp cận, cập nhật và học hỏi thêm từ các đồng nghiệp trên khắp thế giới về những thách thức trong việc áp dụng và đánh giá các tiêu chí ESG. 

Tin bài liên quan