Rao bán rầm rộ, giá tăng
Đi dọc Quốc lộ 6, từ thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) đến thị trấn Lương Sơn (Hòa Bình), hai bên đường không ít biển quảng cáo rao bán đất nền, môi giới, tư vấn giao dịch địa ốc. Với những lời mời gọi hấp dẫn, như giá rẻ, giao dịch nhanh chóng, loại nào cũng có, đặc biệt là đất nền, đất kết hợp nhà vườn thích hợp với những đại gia mua để xây dựng biệt thự nhà vườn hoặc xây dựng khu nghỉ dưỡng, kinh doanh du lịch.
Khác với phân khúc đất nền ở những thị trường khác, đất nền Lương Sơn chủ yếu hướng tới đối tượng khách hàng mua để phát triển nhà vườn hoặc các khu homestay.
Theo môi giới tên Long, hơn 10 năm trước, với đề án mở rộng Thủ đô, Lương Sơn từng là tâm điểm của sốt đất. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế 2008 kéo theo khủng hoảng bất động sản đã khiến nhiều nhà đầu tư chôn vốn tại đây. Thế nhưng, khoảng 3 năm trở về đây, thị trường này khởi sắc trở lại, nhờ tác động từ tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, giúp làn sóng đầu tư nghỉ dưỡng ven đô của các ông lớn bùng nổ.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, những lô đất rộng tới hàng nghìn mét vuông tại Lương Sơn đang rao bán có mức giá khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước và cũng nhiều người rao bán hơn, nhất là sau khi tình hình dịch bệnh diễn ra.
Cụ thể, nhiều lô đất ở xã Tân Vinh rộng từ 2.500 - 5.000 m2 vào tháng 5/2019 được chào giá từ 1,8 - 2,8 tỷ/lô, hiện đang được rao 2 - 3,5 tỷ đồng/lô. Với diện tích tương tự, đất tại xã Hợp Hòa tăng giá từ 1,7 - 2,6 tỷ đồng/lô lên mức 1,9 - 2,8 tỷ đồng/lô. Những lô đất 2.000 - 4.000 m2 tại Hòa Sơn cùng kỳ năm ngoái mới được rao bán từ 1,7 - 2,5 tỷ đồng/lô, thì nay đã lên 1,9 - 2,7 tỷ đồng/lô.
Nhưng không có thanh khoản
Lần đầu tiên ăn trưa với môi giới địa ốc ở thị trấn Lương Sơn, nơi đất nền đang được quảng cáo rao bán rầm rộ trên các trang mạng, câu chuyện của chúng tôi chỉ xoay quanh chủ để giá đất,giao dịch và việc bán lô đất 3.000 m2 của anh bạn Trần Thanh Minh, chủ một công ty vật liệt xây dựng.
Sau khi anh Minh rao bán khu đất này, Long là môi giới thứ n tiếp cận, đàm phán với anh (thông quan người quen giới thiệu) về giá, ưu đãi để chốt tìm người mua.
Những khu đất rộng cả nghìn mét vuông ở Lương Sơn được nhiều nhà đầu tư mua vào theo phong trào hơn 10 năm trước giờ để không
Trong câu chuyện về thị trường Lương Sơn, môi giới Long cho biết, dù giá rao bán tăng lên so với trước, nhưng rất ít có giao dịch. May chăng cũng chỉ những lô đất nhỏ xen khu dân cư ở trong thị trấn do người dân bán ra mới có người mua để dựng nhà ở. Còn các khu có diện tích lớn, gần như rất khó bán và đa số là hàng kẹt lại của các nhà đầu tư mua vào hơn 10 năm trước giống như anh Minh. Giờ không phát triển được, lại gặp dịch, nên họ đánh tiếng rao bán.
Anh Trần Thanh Minh cho biết, gia đình có khu đất hơn 3.000 m2 được mua cách đây 15 năm. Thời điểm những năm 2000, khi gia đình có chút vốn cộng với xu hướng rộ lên việc mua đất làm nhà vườn, nghỉ dưỡng ở Lương Sơn, anh cũng đầu tư, nhưng bị “chôn chân” từ đó cho đến nay.
Sau nhiều lần định bán vì không có lời, đầu năm 2019, anh quyết định làm mặt bằng, bao tường, bỏ ra cả trăm triệu đồng thuê thiết kế biệt thự nhà vườn theo kiến trúc Pháp và định khởi công năm 2020. Tuy nhiên do dịch bệnh, doanh nghiệp rơi vào thế bí, nên anh Minh quyết bán khu đất để bơm thêm vốn, duy trì hoạt động cho doanh nghiệp. Cứ tưởng bán là được ngay, nhưng hơn 2 tháng nay kể từ ngày “đánh tiếng” cho bạn bè, dù đã có rất nhiều môi giới đến hỏi, xem và trả giá, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó.
Anh Minh cho biết, chủ yếu là các môi giới địa phương như Long tìm đến, nhưng giá cũng trên trời dưới đất. Hình như họ đang làm giá, thậm chí là gây khó cho mình, vì có người trả gần 2 tỷ đồng, người trả hơn 2 tỷ đồng, thậm chí 2,4 tỷ đồng, nhưng trả giá xong, họ lấy cớ về nghiên cứu thêm rồi lặn mất tăm, không thấy liên lạc lại.
“Lúc đầu, nhờ người quen giới thiệu xem ai có nhu cầu mua thật để bán, nhưng mãi không có nên gia đình đã nhờ đến môi giới. Nhưng khi gọi họ mới thấy mình sai, vì các môi giới này ép giá kinh lắm. Vì họ không có nhu cầu thực, chỉ trả giá xong rồi tìm người mua lại, nên cứ lập lờ, trong khi mình thì cần tiền gấp để đầu tư cho công ty. Đất đã làm mặt bằng đẹp, bao tường, có sổ đỏ, còn tặng thêm cả thiết kế hàng trăm triệu đồng, nhưng đến nay vẫn chưa chốt được giá”, anh Minh than thở.
Rơi vào cảnh trớ trêu hơn anh Minh, một người bạn khác của tôi là chị Thanh ở Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đầu tư mua 5.000 m2 đất ở Lương Sơn hơn 10 năm trước với mục đích làm khu nghỉ dưỡng theo kiểu homestay.
Tôi cũng được mời lên dự khởi công dự án từ năm 2017. Dự án được thiết kế rất hoành tráng, tất cả kiến trúc theo kiểu Pháp, nhưng đến nay, công trình vẫn còn dang dở, làm tiếp thì khó vì cạn vốn, mà bán thì cũng không xong. Trước đây còn có cả hai vợ chồng gánh vác, nhưng giờ không may chồng đã khuất, nên chị không thể làm gì được.
Chia sẻ với phóng viên, chị Thanh có biết, cũng có ý định bán, nhưng khó vì thiết kế là theo ý mình, giờ nếu bán thì người mua sẽ lấy cớ ép giá, còn đầu tư tiếp thì không có vốn.
Theo nhà đầu tư Trần Văn Hùng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), dù Hòa Bình có sự phát triển mạnh về hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội trong những năm gần đây và sự hiện diện của các ông lớn bất động sản, nhưng tàn tích của cơn sốt đất 10 năm trước vẫn khiến nhiều nhà đầu tư e dè.
Tiềm năng bất động sản khu vực này là không thể phủ nhận, nhưng phải đầu tư dài hơi, không thích hợp cho lướt sóng. Bởi phần lớn những dự án, công trình hạ tầng đình đám đều đang trong quá trình triển khai xây dựng. Do đó, sự phát triển bất động sản khu vực ít nhiều sẽ phụ thuộc vào tiến độ, quá trình hoàn thiện, vận hành của những dự án, công trình hạ tầng này.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trước đây các nhà đầu tư chạy theo làn sóng đầu tư du lịch đua gom đất ở Lương Sơn, nhưng vì không được quy hoạch bài bản, không có kết nối đồng bộ về giao thông, các điểm du lịch với nhau, mà chỉ làm theo kiểu tự phát, phong trào, nên không thu hút được khách du lịch, kinh doanh thua lỗ, nên chấp nhận bỏ không.
Tuy nhiên, dù đã ôm hơn chục năm, nhưng nay có bán cũng không sinh lời, vì chi phí đầu tư vào đó quá lớn. Chưa kể, việc có bán được hay không lại là chuyện khác, bởi nhà đầu tư hiện nay đã tỉnh táo hơn.
Theo ông Đính, để tận dụng được nhu cầu đầu tư, phát triển kinh tế ở địa phương, không chỉ Hòa Bình, mà nhiều địa phương khác cần có quy hoạch bài bàn, tổng thể, đồng bộ về hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, tránh gây lãng phí đầu tư, chỗ nhiều, chỗ ít, đầu tư theo phong trào, tự phát. Nếu có được một quy hoạch bài bản, hệ thống hạ tầng kết nối hoàn thiện, chắc chắn bất động sản Lương Sơn (Hòa Bình) với tiềm năng lớn về bất động sản nghỉ dưỡng núi sẽ phát triển mạnh trở lại và bền vững hơn.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com