Nhà đầu tư hưng phấn trở lại

Nhà đầu tư hưng phấn trở lại

(ĐTCK) Sau phiên gặp trở ngại hôm thứ Tư, giới đầu tư đã lạc quan trở lại trong phiên thứ Năm, giúp phố Wall tăng mạnh, lên mức cao kỷ lục mới, giá vàng và giá dầu thô cũng có sắc xanh trong phiên này.

Sau phiên giật mình với những thông tin như Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách mua trái phiếu chính phủ Mỹ và Mỹ có ý định rút khỏi Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), phố Wall đã tăng điểm mạnh trở lại và thiết lập mức đỉnh mới trong phiên thứ Năm.

Phố Wall tăng mạnh trong phiên này là nhờ giá dầu thô tăng, kéo nhóm cổ phiếu năng lượng tăng mạnh và nhà đầu tư đặt cược vào lợi nhuận quý IV khả quan của các doanh nghiệp và chi phí sẽ được cắt giảm nhờ chính sách giảm thuế của chính quyền Tổng thống Trump.

Kết thúc phiên 11/1, chỉ số Dow Jones tăng 205,6 điểm (+0,81%), lên 25.574,73 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 19,33 điểm (+0,70%), lên 2.767,56 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 58,21 điểm (+0,81%), lên 7.211,78 điểm.

Trong khi đó, chứng khoán châu Âu tiếp tục trái chiều với đà tăng tiếp theo của chứng khoán Anh, trong khi chứng khoán Đức và Pháp vẫn duy trì sắc đỏ khi đồng euro tăng mạnh so với đồng USD, ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp xuất khẩu của khu vực.

Kết thúc phiên 11/1, chỉ số FTSE 100 tại Anh tăng 14,43 điểm (+0,19%), lên 7.762,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 78,44 điểm (-0,59%), xuống 13.202,90 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 16,13 điểm (-0,29%), xuống 5.488,55 điểm.

Tương tự chứng khoán châu Âu, chứng khoán châu Á tiếp tục có sự trái chiều. Trong khi chứng khoán Nhật Bản có phiên giảm thứ 2 liên tiếp khi đồng yên tăng mạnh so với đồng USD, thì chứng khoán Hồng Kông và Trung Quốc đại lục tiếp duy trì đà tăng phiên thứ 13 và thứ 10 liên tiếp bất chấp áp lực chốt lời và sự điều chỉnh mạnh của cổ phiếu Tencent.

Kết thúc phiên 11/1, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản giảm 77,77 điểm (-0,33%), xuống 23.710,43 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 46,67 điểm (+0,15%), lên 31.120,39 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 3,51 điểm (+0,10%), lên 3.425,34 điểm.

Bất chấp phố Wall khởi sắc trở lại, nhưng giá vàng cũng tiếp tục duy trì đà tăng tốt trong phiên thứ Năm nhờ đồng USD xuống thấp. Sau 3phiên hồi phục từ mức thấp nhất hơn 3 tháng, đồng bạc xanh đã giảm mạnh 2 phiên liên tiếp trong ngày thứ Tư và thứ Năm, hỗ trợ tích cực cho giá vàng.

Ngoài ra, thông tin Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Mỹ sẽ giảm, hoặc ngừng mua trái phiếu của Mỹ khiến lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng mạnh, gây tâm lý lo sợ cho các nhà đầu tư và qua đó hỗ trợ tốt cho giá vàng.

Kết thúc phiên 11/1, giá vàng giao ngay tăng 5,6 USD/ounce (+0,43%), lên 1.321,9 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 2/2018 tăng 3,2 USD/ounce (+0,24%), lên 1.322,5 USD/ounce.

Thông tin về kho dự trữ dầu thô tuần trước của Mỹ sụt giảm mạnh được công bố hôm thứ Tư tiếp tục ủng hộ cho giá dầu trong phiên thứ Năm. Cụ thể, theo Cơ quan thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), kho dự trữ dầu thô của Mỹ tuần trước giảm gần 5 triệu thùng, xuống 419,5 triệu thùng. Sản lượng khai thác giảm gần 300.000 thùng/ngày do thời tiết lạnh bất thường.

Bên cạnh đó, thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa OPEC và Nga sẽ tiếp tục được thực hiện trong năm 2018 cũng là yếu tố hỗ trợ giá dầu thô.

Trong phiên thứ Năm, giá dầu Brent có lúc đã vượt qua ngưỡng 70 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 11/2014 trước khi hạ nhiệt do đây đang là ngưỡng kháng cự kỹ thuật mạnh. Giá dầu thô Mỹ vẫn đang ở mức cao nhất kể từ tháng 12/2014.

Kết thúc phiên 11/1, giá dầu thô Mỹ tăng 0,23 USD (+0,36%), lên 63,80 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,06 USD (+0,09%), lên 69,26 USD/thùng.

Tin bài liên quan