Theo lịch, chiều 3/4, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân cấp cao tại Hà Nội tiến hành tuyên án phúc thẩm đối với “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành và 12 bị cáo khác có đơn kháng cáo.
Trong vụ án này, Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Á, Ngân hàng Thương mại cổ phần Quốc Dân (NCB) và Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) được xác định đã bị Thành chiếm đoạt hơn 433 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi quay trở lại phần xét hỏi để làm rõ một số nội dung liên quan tới trách nhiệm dân sự và phương án khắc phục hậu quả của các bị cáo, Hội đồng xét xử đã quyết định hoãn phiên tòa, thời gian mở lại sẽ thông báo sau.
Theo Hội đồng xét xử thống kê, Hà Thành có 68,5 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm đồng sở hữu và 75 tỷ đồng, tương đương 26% cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư MHD (hiện đang thế chấp tại Ngân hàng Việt Á).
Nguyễn Thị Hà Thành bị tòa sơ thẩm tuyên án chung thân về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 433 tỷ của 3 ngân hàng và một số cá nhân. |
Sau khi Hà Thành khai lại chi tiết các khoản vay tại 3 ngân hàng, tòa phúc thẩm xác định thiệt hại còn lại của vụ án còn lại là 248 tỷ đồng.
Cùng với đó, bất ngờ xuất hiện một nhà đầu tư tham gia phiên tòa để đưa ra phương án mua lại 7,3 triệu cổ phần (tương ứng với 26%) của bị cáo Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty Jongho Landmark để sử dụng số tiền này cho Nguyễn Thị Hà Thành nộp khắc phục hậu quả của vụ án.
Số cổ phần này được mua từ nguồn tiền Nguyễn Thị Hà Thành đưa cho Tùng từ đầu năm 2018, với trị giá 75 tỷ đồng.
Theo luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Hà Thành, tại tòa, luật sư đã nhiều lần đề nghị Ngân hàng Việt Á xác định lại số tiền tương ứng với 26% cổ phần tại Công ty cổ phần MHD và có hướng giải quyết để sử dụng số tiền này khắc phục cho 3 ngân hàng, tuy nhiên đại diện ngân hàng này không có ý kiến.
Do đó, luật sư và bị cáo Hà Thành đã thống nhất mời nhà đầu tư khác mua lại số cổ phần trên, sử dụng số tiền bán cổ phần này để khắc phục hậu quả của vụ án.
Tại tòa, phía nhà đầu tư khẳng định, đã được luật sư hướng dẫn đầy đủ các pháp lý liên quan; đồng thời khẳng định số tiền này hoàn toàn có thể khắc phục cho Hà Thành, để nộp kịp thời vào Cục Thi hành án, khắc phục hậu quả thiệt hại Hà Thành gây ra cho các ngân hàng.
Theo nhà đầu tư này, sau khi Tùng mua 26% cổ phần của Công ty MHD, đến nay doanh nghiệp cũng chưa thanh toán bất kỳ lợi tức nào cho bị cáo Tùng theo quy định.
Do đó, nếu Công ty MHD lấy lại số cổ phần này mà chỉ khắc phục số tiền 75 tỷ đồng (tiền gốc mua cổ phần), thì nhà đầu tư sẽ mua lại và có trách nhiệm khắc phục cao hơn 75 tỷ đồng, để giảm thiệt hại cho các ngân hàng và cũng là tăng số tiền Hà Thành khắc phục được trong vụ án.
Đại diện ngân hàng Việt Á tại tòa không có ý kiến này. Theo Hội đồng xét xử, hiện tại Việt Á đang giữ lại số tiền 285 tỷ đồng của Nguyễn Thị Hà Thành, trong khi số tiền Thành chiếm đoạt của ngân hàng này chỉ 248,5 tỷ đồng.
Nêu quan điểm về việc này, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư MHD cho rằng, Nguyễn Thanh Tùng đứng tên số cổ phần này, chứ không phải Hà Thành. Do đó, nếu Tùng đã có ý kiến về việc đây là số cổ phần Tùng mua từ tiền Hà Thành đưa, bán số cổ phần này để khắc phục hậu quả thì công ty không có ý kiến.
Tuy nhiên, trước đó vị đại diện này cũng cho biết, năm 2018, số cổ phần này đã được Tùng bán cho hai cá nhân khác và thu về 75 tỷ đồng. Giao dịch này đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, các cá nhân này đã có đơn đề nghị và được Công ty MHD ghi nhận là cổ đông.
Vậy nhưng, trước khi bán, số cổ phần này lại được Tùng thế chấp tại Ngân hàng Việt Á để vay 75 tỷ đồng, đến năm 2020, khi ngân hàng có thông báo, các bên liên quan mới biết. Do đó số cổ phần này Công ty MHD không nắm giữ, và cũng chưa được định đoạt bởi đang liên quan tới vụ án khác.
“Khi đó chúng tôi cần giấy tờ để hoạt động và làm việc nên chúng tôi phải chấp nhận trả 25 tỷ này để lấy giấy tờ ra, chứ không phải thay Thành bồi thường”, đại diện Công ty MHD cho biết, và đề nghị Ngân hàng Việt Á phải trả lại số tiền này.
Theo đại diện công ty này, sau khi vụ án bị khởi tố, qua phương tiện thông tin đại chúng và nhận được thông báo của cơ quan điều tra, mới biết Tùng, khi đó là cổ đông và thuộc Hội đồng quản trị của MHD, đã đem thế chấp tất cả giấy tờ gốc Dự án MHD Trung Văn vào Ngân hàng Việt Á để khắc phục hậu quả.