Sau phiên hồi phục tốt hôm thứ Ba (13/8), phố Wall đã nhanh chóng lao dốc không phanh trong phiên thứ Tư khi nhà đầu tư ồ ạt bán tháo, đẩy cả 3 chỉ số chính của phố Wall có phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2018.
Hoạt động bán tháo xảy ra do nhà đầu tư lo sợ suy thoái kinh tế. Đầu tiên là dữ liệu kinh tế tháng 7 của Trung Quốc được công bố khá xấu. Ngoại trừ dữ liệu thương mại tích cực, còn lại các lĩnh vực khác đều tăng trưởng chậm lại như đầu tư, bán lẻ, đặc biệt là tăng trưởng sản xuất công nghiệp ở mức thấp nhất 17 năm… cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang bị ngấm đòn do cuộc chiến thương mại.
Sau đó ít tiếng, Đức cũng công bố dữ liệu kinh tế không có sáng sủa hơn khi tăng trường GDP quý II/2019 nền kinh tế lớn nhất châu Âu sụt giảm.
Tiếp đó, đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ lần đầu tiên sau 12 năm đảo chiều khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm vượt qua kỳ hạn 10 năm. Đây là một dấu hiệu kinh điển về suy thoái kinh tế. Trong 50 năm qua, mỗi lần đường cong lợi suất của Mỹ đảo ngược thì sau đó cuộc suy thoái kinh tế lại xảy ra. Trong 6/2007, điều này đã xảy ra và chỉ vài tháng trước khi diễn ra cuộc suy thoái kinh tế.
Kết thúc phiên 14/8, chỉ số Dow Jones giảm 800,49 điểm (-3,05%), xuống 25.479,42 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 85,72 điểm (-2,93%), xuống 2.840,60 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 242,42 điểm (-3,02%), xuống 7.773,94 điểm.
Chứng khoán châu Âu cũng lao dốc do các dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc và Đức được công bố, cộng thêm với dấu hiệu đường cong lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đảo ngược khiến nỗi lo suy thoái kinh tế gia tăng.
Kết thúc phiên 14/8, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 103,02 điểm (-1,42%), xuống 7.147,88 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 257,47 điểm (-2,19%), xuống 11.492,66 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 111,76 điểm (-2,08%), xuống 5.251,30 điểm.
Trên thị trường chứng khoán châu Á, phản ứng với phiên khởi sắc tối hôm trước của phố Wall sau thông tin Mỹ hoàn áp thuế 10% với một số sản phẩm của Trung Quốc đến ngày 15/12 giúp chứng khoán khu vực hồi phục trở lại. Tuy nhiên, đà tăng mạnh đầu phiên không còn duy trì do dữ liệu kinh tế yếu kém của Trung Quốc được công bố sau đó.
Kết thúc phiên 14/8, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 199,69 điểm (+0,98%), lên 20.655,13 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 11,66 điểm (+0,42%), lên 2.808,91 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 20,98 điểm (+0,08%), lên 25.302,28 điểm.
Nỗi lo suy thoái kinh tế khiến chứng khoán bị bán tháo, nhưng lại là chất xúc tác để giá vàng lấy lại đà tăng mạnh của mình trong phiên thứ Tư sau khi điều chỉnh trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 14/8, giá vàng giao ngay tăng 15,2 USD (+1,01%), lên 1.516,1 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 12 tăng 13,7 USD (+0,90%), lên 1.527,8 USD/ounce.
Cũng như chứng khoán, nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu đẩy giá vàng giảm mạnh trở lại trong phiên thứ Tư, trả lại gần hết những gì đã có trong phiên thứ Ba.
Kết thúc phiên 14/8, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 1,87 USD (-3,28%), xuống 55,23 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,82 USD (-2,97%), xuống 59,48 USD/thùng.