Không cam chịu mất trắng
Đầu tháng 3/2022, báo chí đồng loạt đưa tin Nghệ An cấp chủ trương đầu tư cho 2 dự án điện mặt trời trên địa bàn. Đó là Dự án Nhà máy điện mặt trời tại khu vực hồ Khe Gỗ (huyện Quỳnh Lưu), công suất 250 MWp, sản lượng điện sản xuất năm đầu tiên là 339,129 triệu KWh, tổng mức đầu tư 4.100 tỷ đồng, sử dụng diện tích đất 303,48 ha thuộc địa bàn vùng lòng hồ Khe Gỗ. Thứ hai là Dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời hồ Vực Mấu (huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai), có diện tích 216,23 ha, công suất 200 MWp, sản lượng điện năm đầu tiên sản xuất là 265,8 triệu KWh, tổng vốn đầu tư 3.700 tỷ đồng.
Theo đó, dự án đã được sở, ngành chức năng thẩm định bước 1, gồm hồ sơ pháp lý về năng lực và hiện trạng sử dụng đất. Dự kiến từ tháng 2 đến tháng 12/2022, chủ đầu tư sẽ hoàn tất thủ tục pháp lý đầu tư và khởi công triển khai lắp đặt các hạng mục từ tháng 1/2023, tháng 12/2023 sẽ khánh thành đóng điện và vận hành thương mại.
Ngoài 2 dự án kể trên, khoảng 10 doanh nghiệp muốn làm điện mặt trời tại Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Long An, Gia Lai đã vừa cùng ký đơn kiến nghị lên Chính phủ và Bộ Công thương về việc sớm ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời và cho dự án đã có trong quy hoạch được tiếp tục triển khai với kế hoạch phát điện trong giai đoạn 2021-2025.
Đây là những doanh nghiệp có dự án nằm trong số 26 dự án điện mặt trời được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh theo đề nghị của Bộ Công thương để triển khai thực hiện theo cơ chế đấu thầu/đấu giá phát triển điện mặt trời được cấp có thẩm quyền ban hành tại Văn bản 1632/TTg-CN, ngày 20/11/2020.
Đáng nói là, việc cấp chủ trương cho 2 dự án tại Nghệ An, hay chuyện cả chục doanh nghiệp nói trên vẫn say sưa với điện mặt trời diễn ra vào thời điểm Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm dừng cấp chủ trương đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời đã có trong Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia được phê duyệt, nhưng chưa triển khai tính tới ngày 26/1/2022 để chờ kết quả rà soát trong quá trình xây dựng, hoàn thiện Quy hoạch điện VIII theo chỉ đạo của Chính phủ.
Cũng trong Thông báo kết luận của Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại cuộc họp về tình hình hoàn thiện Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2045 (Quy hoạch điện VIII) diễn ra ngày 21/2/2022 có ghi rõ, Bộ Công thương cần nêu rõ các vấn đề xin ý kiến Thường trực Chính phủ theo quy định, trong đó lưu ý thêm vấn đề, để bảo đảm hiệu quả của nền kinh tế, đề nghị Thường trực Chính phủ xem xét việc đưa ra khỏi quy hoạch giai đoạn 2021-2030 các nguồn điện mặt trời đã có trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhưng chưa triển khai, ước tính khoảng 6.500 MW.
Lo ngại trước nguy cơ mất hút trong Quy hoạch điện VIII, các doanh nghiệp này cho rằng: “Các chủ đầu tư đã tiến hành đầu tư nhiều chi phí cho nhân sự, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, khảo sát, thiết kế, lập báo cáo nghiên cứu dự án, thỏa thuận tổng thầu, tư vấn và nhiều chi phí khác với kinh phí rất lớn. Vì vậy, nếu dự án không còn trong quy hoạch, chủ đầu tư sẽ thiệt hại toàn bộ các chi phí này”.
Không dễ bán điện
Theo thống kê của Bộ Công thương, đến hết ngày 31/12/2020, có 148 dự án đã được công nhận vận hành thương mại (COD) với tổng công suất 8.652,9 MW. Con số này còn kém xa tổng công suất điện mặt trời đã được bổ sung quy hoạch là 15.400 MW.
Trong kiến nghị của các nhà đầu tư điện mặt trời cho hay, sau khi được chấp thuận chủ trương bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh, các chủ đầu tư đã triển khai dự án với các thủ tục và nguồn lực cần thiết như mua đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo vị trí, diện tích như quy hoạch…
Các nhà đầu tư cũng đã đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 12/2020, nhưng tới nay vẫn chưa được chấp thuận bởi cơ quan đăng ký đầu tư trả lời là chưa có cơ chế.
Đáng nói là, theo các doanh nghiệp, trong quá trình thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, nhiều cơ quan có thẩm quyền đã gửi văn bản lấy ý kiến hướng dẫn của Bộ Công thương, nhưng không nhận được phúc đáp.
Mặc dù không sôi động như giai đoạn 2018-2020, nhưng có thể thấy, nhiều chủ đầu tư vẫn không ngừng kỳ vọng việc sẽ triển khai được Dự án điện mặt trời trong giai đoạn tới.
Dẫu vậy, với thực tế thừa nguồn điện mặt trời, mà lại chưa có cơ chế cho pin lưu trữ và giá điện mới, thì các nhà đầu tư có làm được cũng không dễ phát lên lưới.
Hiện Bộ Công thương đang xây dựng thông tư quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện và phương án xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện đối với các dự án điện mặt trời, điện gió.
Theo dự thảo lần 1, thì các nhà đầu tư năng lượng tái tạo sẽ phải đối mặt với việc đàm phán giá điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo trình tự như các dự án nguồn điện khác. Nghĩa là sẽ mất nhiều thời gian hơn để xác định giá cụ thể và không phải dự án nào cũng có giá giống nhau.
Tại dự thảo lần 3 đã đưa ra phương án EVN có trách nhiệm tổ chức đấu giá mua điện, công bố danh sách, ký kết hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện thuộc đối tượng áp dụng của thông tư.
Ông Nguyễn Bình, chuyên gia năng lượng cho hay, đấu giá xong sẽ phải cam kết nhận điện. Với các diễn biến thừa điện tại một số khu vực như hiện nay, thì bên mua sẽ phải rất thận trọng để không làm căng thẳng tài chính của mình. Vì thế, nhà đầu tư không thể xác định nhanh hiệu quả của dự án như khi có giá FIT trước đây.