Đến thời điểm hiện tại, số dự án điện gió được công nhận COD còn rất thấp. Ảnh: Đức Thanh
COD điện gió làm khó doanh nghiệp?
Rất nhiều chủ đầu tư than vãn và cho rằng, quy trình nghiệm thu và công nhận ngày vận hành thương mại (COD) mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra cho các dự án điện gió gần đây không khác gì đánh đố nhà đầu tư.
Theo lập luận của các nhà đầu tư, ngày 21/7/2021, Công ty Mua bán điện (EVNEPTC) có văn bản gửi các chủ đầu tư điện gió yêu cầu bổ sung văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng trong hồ sơ công nhận COD nhà máy điện gió là làm khó doanh nghiệp.
Cụ thể, EVNEPTC đề nghị bổ sung hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại “Văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng” và đây là một trong các điều kiện để công nhận ngày vận hành thương mại một phần/toàn bộ nhà máy điện gió.
Điều này, theo EVN, là để đảm bảo chặt chẽ trong công tác đầu tư xây dựng và đưa công trình vào sử dụng theo đúng quy định của pháp luật cho các dự án điện gió, điện mặt trời trong thời gian tới.
Tuy nhiên, điều này khiến nhiều nhà đầu tư điện gió “đứng ngồi không yên”. Có nhà đầu tư cho hay, tại các dự án điện mặt trời trước đây, thời điểm công nhận COD được tính từ lúc hoàn thành thử nghiệm AGC, PQ và chạy tin cậy (72h). Còn thời điểm hiện nay, nếu chưa có văn bản thông báo kiểm tra của Bộ Công thương, thì ngày COD vẫn bỏ ngỏ.
“EVNEPTC muốn lấy ngày có văn bản của Bộ Công thương để xác định ngày COD của dự án. Nếu làm như vậy, cho dù có được chạy máy, thì toàn bộ sản lượng điện sau khi đã trừ các phần thử nghiệm trước đó đều sẽ không được tính tiền. Đây là điều bất hợp lý với doanh nghiệp”, nhà đầu tư này nhận xét.
Về phần mình, Bộ Công thương cho hay, sau khi nhận được Báo cáo hoàn thành thi công xây dựng hạng mục công trình và đề nghị tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo sẽ thành lập Tổ kiểm tra để kiểm tra công tác nghiệm thu các hạng mục công trình, việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng của chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng theo quy định tại Nghị định 06/2021/NĐ-CP và quy định của pháp luật có liên quan.
Danh mục hồ sơ, tài liệu chính phục vụ việc kiểm tra tại Phụ lục VIb ban hành kèm theo Nghị định 06/2021/NĐ-CP và các hồ sơ, tài liệu khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Tới ngày 7/10/2021, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo tiếp tục lưu ý chủ đầu tư dự án điện gió việc phải có văn bản chấp thuận nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy. Theo đó, dù tiến hành nghiệm thu một phần dự án cũng phải có đầy đủ các hồ sơ tương ứng cho phần này, trong đó có văn bản chấp thuận nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, nhiều nhà đầu tư đã tham gia các dự án quy mô lớn hay có vốn nhà nước trong ngành năng lượng đều cho hay, việc phải có cơ quan chức năng của nhà nước chấp thuận nghiệm thu thì dự án mới bắt đầu tính ngày COD là đương nhiên và không có gì mới mẻ. Có chăng là các nhà đầu tư điện gió đa phần là tư nhân lại chỉ nhìn vào quy trình COD của các dự án điện mặt trời để thực hiện và không có sự chuẩn bị sớm trong thời gian trước đó, nên đến giai đoạn này bị động về mặt thời gian, nhất là trong khoảng 1 tháng gần đây, nhiều dự án vướng giãn cách, hạn chế đi lại.
Phải đủ hồ sơ trước ngày 1/11/2021
Với thực tế không kịp COD trước ngày 1/11/2021 thì không biết hồi sau sẽ ra sao, tiền đâu để trả vốn vay đã đầu tư, nên các chủ đầu tư đang đứng ngồi không yên.
“Theo Điều 8, Thông tư 02/2019/TT-BCT, công trình hoặc hạng mục công trình điện gió được đưa vào sử dụng sau khi đã được nghiệm thu và kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định hiện hành. Cơ quan chủ trì tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu là Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo hoặc Sở Công thương theo thẩm quyền. Tuy nhiên, ở dự án điện mặt trời các loại, cơ quan quản lý nhà nước lại không có các quy định tương tự như vậy khi tiến hành nghiệm thu, công nhận COD để được vận hành và trả tiền. Vì vậy, EVN chỉ tuân theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước, chứ không phải tự ý đặt ra quy trình này”, một lãnh đạo của EVN nói với phóng viên Báo Đầu tư.
Ông T.T, nhà đầu tư dự án điện gió tại miền Tây Nam bộ mới được cấp COD cho hay, do dự án điện gió có khá nhiều công trình riêng biệt, từ trạm, công trình xây dựng, móng, hạ tầng và các trụ gió, nên việc nghiệm thu của chủ đầu tư cũng đã chủ động rải ra theo các giai đoạn. Như vậy, nếu văn bản của Hội đồng Kiểm tra nghiệm thu chậm thì việc công nhận COD cũng phải theo thời gian này.
Gần nhất, vào ngày 14/10, EVN cũng đã có văn bản hướng dẫn với các dự án chưa có “văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng”.
Theo đó, EVN ủy quyền cho Công ty Mua bán điện đàm phán Hợp đồng sửa đổi bổ sung theo quy định, trong đó bổ sung cam kết của Bên bán điện. Bên bán điện cam kết tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình. Trường hợp, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ý kiến về việc bên Bán điện chưa tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình, Bên mua điện có quyền từ chối công nhận hoặc hủy bỏ công nhận ngày COD, ngừng mua điện và yêu cầu Bên bán điện hoàn trả toàn bộ tiền điện mà Bên mua điện đã thanh toán cho Bên bán điện tính từ ngày COD, bao gồm cả tiền lãi (nếu có).
Trong khi đó, Bên bán điện cam kết thực hiện theo ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoàn trả cho Bên mua điện toàn bộ tiền điện mà Bên mua điện đã thanh toán, tính từ ngày COD, bao gồm cả tiền lãi (nếu có). Bên bán điện cam kết tuân thủ, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nếu xảy ra trường hợp nêu trên.
Đồng thời, EVN yêu cầu Trung tâm Điều độ Hệ thống điện quốc gia chỉ đưa dự án nhà máy điện gió vào vận hành sau khi đã được công nhận COD và có “văn bản chấp thuận của Bộ Công thương hoặc Sở Công thương các tỉnh về kết quả kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng”.
Nói về văn bản mới nhất này của EVN, ông Nguyễn Bình, chuyên gia về năng lượng tái tạo cho biết, các nhà đầu tư đã thảo luận rất sôi nổi về hướng dẫn này, nhưng chốt lại là vẫn phải có biên bản nghiệm thu hoàn thiện công trình thì mới được nhận tiền.
“EVN cũng không thể làm khác được, bởi EVN là doanh nghiệp nhà nước, phải làm theo các quy định của các cơ quan chức năng đặt ra. Nếu làm không đúng thì phải đối mặt với cơ quan kiểm tra, giám sát, mà câu chuyện kiểm tra chuyên ngành của Ủy ban Kiểm tra Trung ương với điện mặt trời mới đây là nhãn tiền”, ông Bình nói.