Nhà đầu tư dầu mỏ đặt cược vào rủi ro nguồn cung

Nhà đầu tư dầu mỏ đặt cược vào rủi ro nguồn cung

(ĐTCK) Hàng loạt những biến động địa chính trị từ đổ máu ở Iraq, trừng phạt tại Nga cho đến xung đột tại Palestine dấy lên nỗi lo sợ ngày một tăng về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ trong tương lai.

Ở thời điểm hiện tại, mặc dù những khu vực xảy ra sự cố biến động chủ yếu là nơi tập trung nhiều đấu mối cung cấp dầu mỏ lớn của thế giới, song chưa thực sự tạo ra những tác động tiêu cực đến quá trình khai thác và sản xuất cũng như nền kinh tế chung toàn cầu. Bất chấp những cuộc tranh đấu bạo lực ở Iraq đang tàn phá toàn bộ diện mạo của đất nước, nguồn cung dầu mỏ tại đây không bị hủy hoại đáng kể. Thậm chí, tại Libya, công tác sản xuất và xuất khẩu duy trì tốc độ tăng trưởng đều đặn với 535.000 thùng/ngày, song vẫn thấp hơn mức năng suất 1,4 triệu thùng/ngày vào năm ngoái.

Cùng lúc đó, ở khu vực Biển Bắc và lưu vực Đại Tây Dương cho thấy dấu hiệu xuất hiện tình trạng nguồn cung dầu mỏ dư thừa do nhu cầu suy yếu từ những nhà máy lọc dầu ở Châu Âu khi khu vực này đang bước vào chu kỳ giảm mạnh nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong năm. Trong khi đó, hoạt động sản xuất ở những khu vực như Bắc Mỹ hay Canada đang trên đà tăng mạnh.

“Rõ ràng, nguồn cung dư thừa sẽ tác động mạnh mẽ đến giá dầu thô Brent. Tuy nhiên, nếu nhìn xa hơn, những biến động địa chính trị ở Iraq, Nga hay những quốc gia khác rất có thể sẽ tạo ra những ảnh hưởng nhất định lên hoạt động sản xuất trong năm 2016 trở đi”, chuyên gia Amrita Sen ở Hãng tư vấn Enery Aspects tại London (Anh) nói. Theo đó, giá dầu thô Brent giảm 2,16 USD/ thùng với mức giá hiện tại còn 101,37 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất trong vòng 14 tháng kể từ thời điểm tháng 6/2013 với 101,11 USD/thùng.

Báo cáo tháng 7 của Cơ quan giám sát năng lượng quốc tế (International Energy Agency – IEA) chỉ ra rằng, thị trường dầu hiện nay có vẻ đáp ứng nguồn cung tốt hơn so với kỳ vọng, song trên thực tế, nó đang tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn bao giờ hết. Trong đó, nhiều con mắt quan sát tỏ vẻ quan tâm đến Iraq, quốc gia sản xuất dầu lớn thứ 2 của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC. Mặc dù hiện nay quy trình sản xuất dầu tại đây vẫn không bị cản trở mạnh mẽ bởi những cuộc xung đột, song không ai dám chắc những cuộc đụng độ tàn khốc với quân đội Islamist sẽ tạo ra những ảnh hưởng lâu dài ra sao.

Bối cảnh cơ sở hạ tầng bị tắc nghẽn, các sự cố về nguồn nước và rắc rối về nhân công xảy ra thường xuyên ở Iraq đẩy nhà đầu tư sa vào tâm lý bi quan hơn so với mục tiêu kỳ vọng ban đầu từ 3,6 triệu thùng/ngày cho đến 8,5 triệu - 9 triệu thùng/ngày đến thời điểm năm 2020.

Tại quốc gia Libya, nơi diễn ra những cuộc đấu tranh khốc liệt bên ngoài thành phố Benghazi và bên trong thủ đô Tripoli, tình hình chính trị và an toàn quốc gia đang trở nên mong manh, bất chấp những nỗ lực khơi thông lĩnh vực xuất khẩu lần đầu tiên sau thời gian dài bị phong tỏa trong tuần qua. Không chỉ Iraq hay Libya, những điểm nóng địa chính trị trên thế giới như Ukraine, Nga, Syria, Israel và Gaza đều tiềm ẩn những rủi ro tương lai.

“Kể cả khi bạn không thể chỉ đích danh một cơ sở sản xuất hoặc một mỏ dầu hoặc một lộ trình xuất khẩu nằm trong diện cảnh báo, điều đó không đồng nghĩa với việc đầu tư nước ngoài và quy trình sản xuất trong tương lai (tại quốc gia đó) sẽ không chịu bất cứ ảnh hưởng nào. Thị trường đang trong tư thế quá lạc quan và tự mãn về nguồn cung hiện có”, Tom Nelson, Giám đốc quản lý Quỹ Investec Asset Management’s Global Energy Fund, nói.

Dự kiến quý III và quý IV sắp tới, nhu cầu về dầu vẫn tiếp tục tăng cao, góp phần thu hẹp nguồn cung dư thừa ở lưu vực Đại Tây Dương. Trong đó, với tốc độ sản xuất 8 triệu thùng/ngày, theo tổ chức IEA, dự báo đến năm 2015, Mỹ sẽ trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, một số nền kinh tế mới nổi như Mexico cũng đang chứng kiến tốc độ phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất dầu mỏ. Với nhu cầu sản xuất dầu đang trên đà tăng trưởng từ 90 triệu thùng/ngày lên đến 100 triệu thùng/ngày vào năm 2020, câu hỏi được đặt ra ở đây là nguồn cung khai thác dầu sẽ được lấy từ đâu để đáp ứng nhu cầu gia tăng của thị trường?

“Chi phí sản xuất dầu mỏ tăng cao toàn cầu từ sản xuất dầu đá phiến ở Mỹ, dầu cát ở Canada hoặc quá trình khai thác dầu sâu dưới biển ở Brazil, sẽ góp phần đưa giá dầu trở về mức thấp nhất. Mặc dù có sự giúp đỡ của những kỹ thuật cải tiến, song nó cũng chỉ bù đắp một phần nguy cơ thiếu hụt nguồn cung trong tương lai”, Abhishek Deshpande, Chuyên gia phân tích về thị trường dầu ở Hãng Natixis nói.

Tin bài liên quan