Thông tin chi tiết chưa được tiết lộ, song tuần trước, Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất và Guang Lian đã có một cuộc làm việc liên quan đến nội dung này. “Chưa thể nói được gì vì hiện tại việc thanh tra Dự án Guang Lian vẫn đang được thực hiện”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết.
Tỉnh Quảng Ngãi, sau khi E-United tuyên bố không đầu tư Dự án Thép Guang Lian nữa, đã lên kế hoạch thu hồi dự án này. Sau đó, tháng 12/2015, địa phương này đã quyết định lập một đoàn thanh tra liên ngành để thanh tra việc quản lý, sử dụng đất và tiến độ thực hiện của Dự án. Theo kế hoạch khi đó, việc thanh tra sẽ được thực hiện trong vòng 45 ngày và kỳ thanh tra sẽ là từ khi bắt đầu triển khai dự án đến thời điểm thanh tra.
Dự án Thép Guang Lian được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2006, song chậm trễ trong triển khai, thậm chí đã dừng triển khai từ năm 2010 đến nay.
Trong khi việc thanh tra Dự án vẫn đang được thực hiện, thì cả hai doanh nghiệp lớn của Việt Nam là Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn Hoa Sen đều muốn nhảy vào Dung Quất để đầu tư một dự án thép quy mô lớn, ngay trên một phần diện tích khu đất của Dự án Guang Lian. Song có vẻ như cuộc đua đã đi vào hồi kết, khi gần đây Hoa Sen ít xuất hiện ở Quảng Ngãi, còn Hòa Phát mới có một cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi (ngày 6/4/2016).
Trước đó, cuối tháng 3/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản giao Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất khẩn trương liên hệ, làm việc với Tập đoàn Hòa Phát để nắm rõ thông tin về việc tập đoàn này đăng ký đầu tư nhà máy liên hợp thép tại Khu kinh tế Dung Quất.
Chưa rõ Hòa Phát sẽ đầu tư dự án này với quy mô ra sao, tự đầu tư dự án mới hay mua lại dự án của Guang Lian, nhưng hồi cuối năm ngoái, con số được nhắc tới là vốn đầu tư khoảng 2 - 2,5 tỷ USD, quy mô 4 triệu tấn/năm. Thời điểm đó, Hòa Phát cũng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi giải quyết dứt điểm vấn đề đất đai, tài sản gắn liền với Dự án Guang Lian, để họ có thể quyết định đầu tư dự án của mình.
Dự án Thép Guang Lian được cấp chứng nhận đầu tư từ năm 2006, song chậm trễ trong triển khai, thậm chí đã dừng triển khai từ năm 2010 đến nay. Điều này cũng đồng nghĩa với việc đất đai bị bỏ phí kéo dài, khiến dư luận bức xúc. Bởi vậy, nhanh chóng xử lý các vấn đề hậu thu hồi Dự án Guang Lian là vô cùng cần thiết. Tìm kiếm nhà đầu tư mới thay thế cũng vô cùng quan trọng.
Phương án nhà đầu tư nhận chuyển nhượng Dự án từ Guang Lian được cho là dễ hơn cả cho các bên. Tuy nhiên, nếu như Guang Lian muốn quay trở lại đầu tư thì mọi chuyện sẽ lại trở nên rắc rối hơn đối với dự án thép có số phận vô cùng long đong này.
Sẽ phải giải quyết ra sao, cho Guang Lian tiếp tục đầu tư để rồi lại phải tiếp tục thấp thỏm chờ đợi không biết nhà đầu tư này có sớm triển khai không, hay ủng hộ Hòa Phát thế chân? Hòa Phát hiện là một tập đoàn đa ngành lớn ở Việt Nam, riêng về ngành thép thì đứng thứ ba trong số các doanh nghiệp thép hàng đầu Việt Nam.
Cuối tháng 3 vừa qua, Hòa Phát đã đưa vào chạy thử nhà máy cán thép số 4 thuộc Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, hoàn thành đúng tiến độ đề ra, bổ sung 60.000 tấn thép thành phẩm/tháng từ tháng 4/2016 ra thị trường, nâng năng lực sản xuất thép xây dựng của Hòa Phát lên thành 180.000 tấn/tháng, tương đương khoảng 2 triệu tấn/năm.
Năm 2015, Hòa Phát đạt doanh thu 27.869 tỷ đồng (tương ứng 1,24 tỷ USD), tăng 7,8% so với năm 2014; lợi nhuận sau thuế là 3.504 tỷ đồng, tăng trưởng 7,8%. Tính đến cuối năm 2015, tổng tài sản của Hòa Phát tăng lên 25.509 tỷ đồng. Với tiềm lực này của Hòa Phát, dễ hiểu vì sao Quảng Ngãi đang muốn thúc đẩy tập đoàn này đầu tư vào tỉnh.
Trong một động thái khác, thông tin cho biết, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi vừa yêu cầu các sở, ngành chức năng trong tỉnh kiên quyết thu hồi Dự án Thép Guang Lian. Thời hạn được đặt ra là tháng 8/2016 và tỉnh sẽ thu hồi và thanh toán cho nhà đầu tư Guang Lian những gì hợp lệ, khả dụng.
Chưa biết kết quả cuối cùng sẽ thế nào. Nhưng dù là Guang Lian tiếp tục triển khai Dự án hay Hòa Phát nhảy vào, thì dư luận đều chờ mong mảnh đất này sẽ sớm được hồi sinh sau nhiều năm bị hoang phí.