Ông Godfrey Swain

Ông Godfrey Swain

Nhà đầu tư có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn

(ĐTCK) Theo HSBC, các nhà đầu tư có xu hướng tiết kiệm nhiều khi được tư vấn lập kế hoạch tài chính bởi các chuyên gia tài chính.

ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Godfrey Swain, Giám đốc Khối dịch vụ tài chính cá nhân và Quản lý tài sản Ngân hàng HSBC Việt Nam về vấn đề này.

Ông có nhận xét gì về nhu cầu quản lý tài sản ở Việt Nam ?

Tại Việt Nam , các dịch vụ quản lý tài sản hay lập kế hoạch tài chính cho các cá nhân, gia đình giàu có đã tăng trưởng đáng kể về cả tài sản lẫn thu nhập ròng. Việc hoạch định kế hoạch tài chính sẽ giúp các các nhân quản lý tài chính của mình hiệu quả và đạt được các mục tiêu dài hạn. Một kế hoạch tài chính phù hợp cho phép tiếp cận kỷ luật hơn đối với các khoản tiết kiệm trong dài hạn. Nó cũng sẽ giúp các nhà đầu tư lựa chọn được kênh đầu tư đúng đắn dựa trên những mục tiêu và khả năng chấp nhận rủi ro của họ.

Các xu hướng đang diễn ra tại thị trường Việt Nam có nét tương đồng với những gì đã xảy ra tại các nước khác trong khu vực châu Á. Nghiên cứu gần đây của HSBC cho thấy rằng, các nhà đầu tư có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn khi được tư vấn lập kế hoạch tài chính bởi các chuyên gia tài chính.

 

Trong điều kiện hiện nay, theo ông, đâu là kênh đầu tư an toàn nhất?

Sự biến động của thị trường chỉ có thể được kiểm soát thông qua một kế hoạch tài chính phù hợp, với nhiều sản phẩm đa dạng. Thực tế cho thấy, các loại tài sản khác nhau có ưu việt trong từng giai đoạn kinh tế nhất định. Điều này có nghĩa là việc đầu tư tiền của vào một kênh đầu tư duy nhất có thể là bất lợi. Ví dụ, đầu tư trái phiếu sẽ rất hiệu quả trong môi trường lãi suất thấp, trong khi đó, các loại hình đầu tư có liên quan đến bất động sản và hàng hóa sẽ đạt hiệu quả nhiều hơn trong điều kiện kinh tế có lạm phát cao.

Vì vậy, chiến lược đầu tư tốt nhất (danh mục đầu tư hiệu quả) sẽ bao gồm quá trình đa dạng hóa các kênh đầu tư như: tiền gửi ngắn hạn (để đáp ứng cho nhu cầu ngắn hạn hoặc cho các trường hợp khẩn cấp); các sản phẩm liên quan đến cổ phiếu, trái phiếu nhằm đảm bảo sự tăng trưởng trong dài hạn; bảo hiểm và các sản phẩm bảo vệ nhằm cung cấp các khoản tiết kiệm cần thiết cho các mục tiêu trong tương lai và cho những rủi ro.

 

Sản phẩm đầu tư và dịch vụ mà khách hàng quan tâm nhất trong bối cảnh hiện nay là gì, thưa ông?

Số lượng các sản phẩm quản lý tài sản trên thị trường nội địa hiện nay khá ít, bao gồm: tiền gửi song tệ, tiền gửi cấu trúc, các loại sản phẩm bảo hiểm cho các mã chứng khoán niêm yết ở Việt Nam , và các sản phẩm tiết kiệm. Do các điều kiện đặc thù của thị trường nội địa, các nhà đầu tư trong nước có xu hướng thích các sản phẩm đầu tư ngắn hạn, thường là dưới một năm. Điều này có liên quan đến sự biến động của đồng nội tệ trong vài năm qua. Tuy nhiên, việc chuộng kênh đầu tư ngắn hạn sẽ làm tăng nguy cơ mất cân đối giữa các mục tiêu đặt ra và lợi nhuận đầu tư đem lại.

Năm 2013, một số tổ chức quản lý quỹ sẽ cho ra mắt các quỹ mở đầu tiên. Đây có thể sẽ là một loại sản phẩm đầu tư cá nhân được ưa chuộng.

 

Vậy với sản phẩm tiền gửi cấu trúc mà HSBC vừa giới thiệu đến nhà đầu tư, theo ông, rủi ro lớn nhất khi khách hàng sử dụng là gì?

Sản phẩm tiền gửi cấu trúc của HSBC là sản phẩm đầu tư bằng ngoại tệ với kỳ hạn 3 tháng, giúp khách hàng có thể hưởng được mức lãi suất cao hơn bình thường khi tỷ giá mua bán trên thị trường của cặp ngoại tệ diễn biến trong biên bộ đã được thỏa thuận trước giữa khách hàng và ngân hàng. Khoản đầu tư này luôn bao gồm một mức lãi suất tối thiểu khách hàng được nhận vào ngày đáo hạn. Chúng tôi luôn áp dụng một quá trình thẩm định tài chính đầy đủ hồ sơ rủi ro của khách hàng và nhu cầu của họ được tính toán phù hợp với các giải pháp đầu tư. Vì thế, rủi ro của sản phẩm chỉ giới hạn ở mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất của loại hình tiết kiệm thông thường khi tỷ giá giao dịch trên thị trường vượt qua mức biên độ giao dịch đã thỏa thuận trước khi khách hàng bắt đầu sử dụng sản phẩm tiền gửi cấu trúc.

 

Theo ông, khi nào thị trường Việt Nam có đầy đủ các sản phẩm đầu tư, quản lý tài sản như những thị trường khác?

Rất khó để đưa ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi này. Chúng tôi đã chứng kiến sự phát triển của phân khúc dịch vụ quản lý tài sản thông qua việc nới lỏng một số quy định quản lý cho phép việc thành lập của các quỹ mở (đầu tư vào chứng khoán và cổ phiếu niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam ). Khả năng phát triển đầy đủ các sản phẩm quản lý tài sản ở Việt Nam sẽ phụ thuộc vào sự phát triển của ngành dịch vụ này, sự chuyển đổi từ cách tiếp cận của dịch vụ quản lý tài sản: từ cách tiếp cận dựa trên sản phẩm sang cách tiếp cận lấy nhu cầu của khách hàng làm trọng tâm.